Nghệ sĩ Ưu tú, đa tài Đàng Năng Đức

Hơn 30 năm trong nghề, cùng với vốn hiểu biết về nghệ thuật truyền thống của dân tộc Chăm và Raglai, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đàng Năng Đức (công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống) mong muốn được chia sẻ nhiều hơn với các ca sĩ, nhạc công trẻ về tiếng hát, điệu nhạc dân tộc. Từ đó, góp phần xây dựng nhà hát tiến bước trên con đường phát huy giá trị nghệ thuật dân gian, dân tộc.

Người nghệ sĩ "3 trong 1"

Với chúng tôi, NSƯT Đàng Năng Đức vừa quen, vừa lạ. Quen bởi chúng tôi đã nghe nhiều bài hát do ông biểu diễn được đăng tải trên YouTube như: Huyền thoại Pô Inư Nagar; Mùa xuân trên tháp cổ; Tháp nắng; Huyền thoại Pô Sah Inư; Apsara vũ nữ Chăm… Đặc biệt, NSƯT Đàng Năng Đức còn sáng tác một số ca khúc được khán giả yêu thích như: Vương vấn tình quê; Chiều tháp; Ngọt ngào lời mẹ ru; Katê đợi mong… Còn lạ là bởi suốt 32 năm hoạt động nghệ thuật, ông gắn bó với Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm, sau này là Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Ninh Thuận (cũ). Để đến hôm nay, khi ông cùng tập thể Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Ninh Thuận về dưới mái nhà chung Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, chúng tôi mới có dịp gặp mặt, trò chuyện với người nghệ sĩ, ca sĩ tài năng này.

Nghệ sĩ Ưu tú Đàng Năng Đức (bên phải) hướng dẫn cho nhạc công trẻ kỹ thuật đánh trống Ghinăng.

Nghệ sĩ Ưu tú Đàng Năng Đức (bên phải) hướng dẫn cho nhạc công trẻ kỹ thuật đánh trống Ghinăng.

Ở tuổi 57, NSƯT Đàng Năng Đức là một trong số ít gương mặt nghệ sĩ gạo cội của nhà hát. Chính vì thế, tuy mới đến tập luyện, biểu diễn cùng những đồng nghiệp hơn 3 tuần, nhưng ông đã nhận được sự quý mến của mọi người. Tìm hiểu về NSƯT Đàng Năng Đức, chúng tôi cảm nhận được tình cảm sâu sắc của ông đối với nghệ thuật truyền thống, nhất là nghệ thuật của dân tộc Chăm và Raglai. Trong vai trò của một ca sĩ, tiếng hát Đàng Năng Đức đã góp phần đưa thanh âm, giai điệu độc đáo của những câu ca về làng Chăm, người Chăm và quê hương, đất nước đến khán giả gần xa. Ông từng có những chuyến lưu diễn dài ngày ở các tỉnh miền núi phía bắc, hay ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và sang cả đất nước Ấn Độ. Tiếng hát của ông cũng đã từng chinh phục được khán giả, ban giám khảo trong các cuộc thi âm nhạc toàn quốc. Năm 2007, sau 14 năm ca hát, ông đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

Không chỉ sở hữu giọng hát hay, NSƯT Đàng Năng Đức còn là nhạc công sử dụng được nhiều loại nhạc cụ, nhất là các nhạc cụ dân tộc. “Năm 1993, khi xin vào làm việc ở Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm, đơn vị yêu cầu mỗi ca sĩ ngoài khả năng hát còn phải biết chơi một loại nhạc cụ. Bản thân tôi lúc đó biết chơi đàn organ nên được tuyển vào. Trong quá trình công tác, tôi còn học thêm cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc như trống Ghinăng, trống Paranưng”, ông cho biết. Từ việc biết sử dụng nhạc cụ để giúp cho các tiết mục ca hát của mình thêm màu sắc, NSƯT Đàng Năng Đức đã có thể biểu diễn thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc. Điều này giúp cho đoàn thuận lợi hơn trong việc dàn dựng các tiết mục mới để biểu diễn phục vụ khán giả, tham gia các hội thi, hội diễn nghệ thuật.

Cùng với vai trò của một ca sĩ, nhạc công, NSƯT Đàng Năng Đức còn có khoảng thời gian 28 năm làm công tác quản lý ở những đơn vị nghệ thuật ông đã công tác trước đây. Là hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, những năm gần đây, ông đã có nhiều chuyến đi điền dã về các làng Chăm, làng Raglai để ghi âm lại các làn điệu dân ca. Từ đó, ông nghiên cứu và sử dụng các chất liệu dân ca Chăm, Raglai để sáng tác nên một số ca khúc mới về quê hương được khán giả đón nhận.

Mong muốn chia sẻ nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ

Sau khi hợp nhất các đoàn nghệ thuật thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, bên cạnh việc tham gia biểu diễn phục vụ khán giả, điều mong muốn của NSƯT Đàng Năng Đức chính là được chia sẻ với các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ nhiều hơn về âm nhạc, nhạc cụ truyền thống. “Ở đơn vị mới vẫn có sự ưu tiên sử dụng các tiết mục mang màu sắc nghệ thuật truyền thống vào chương trình biểu diễn, trong đó có những tiết mục có âm hưởng âm nhạc, vũ điệu dân gian Chăm. Vậy nên, tôi thấy mình có thể hỗ trợ cho các ca sĩ, nhạc công trong quá trình tập luyện những tiết mục này được tốt hơn và ra chất Chăm rõ hơn”, NSƯT Đàng Năng Đức chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ái Quốc - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, hiện nay, đơn vị có đội ngũ nhân sự tương đối đa dạng về độ tuổi, loại hình biểu diễn. Định hướng phát triển của nhà hát là ưu tiên các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân tộc phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khán giả hiện đại. Chính vì thế, đơn vị sẽ cố gắng để khai thác kiến thức, kinh nghiệm, khả năng của những nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Đàng Năng Đức để hỗ trợ, bồi dưỡng cho các nghệ sĩ trẻ về nghệ thuật truyền thống. Qua đó, nâng cao khả năng của mỗi nghệ sĩ nhằm mang đến cho khán giả những tiết mục chất lượng.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202507/nghe-si-uu-tu-da-tai-dang-nang-duc-3e918dc/
Zalo