Nghề sản xuất bánh đa ở xã An Viên
Hiện nay, xã An Viên (Tiên Lữ) có gần 20 cơ sở sản xuất bánh đa với hơn 100 lao động thường xuyên phục vụ các công đoạn làm bánh, người dân làm nghề tập trung chủ yếu 2 ở thôn: Nội Mai và Nội Thượng. Người dân nơi đây đã gắn bó với nghề làm bánh đa từ lâu đời, dù là nghề phụ nhưng công việc này đang tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Theo kinh nghiệm của những người làm nghề lâu năm, để có một mẻ bánh đa đạt chuẩn phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó, công đoạn chọn bột và pha chế bột được coi là khâu quyết định và quan trọng nhất. Các hộ sản xuất đều chủ động nhập bột gạo ở các địa chỉ uy tín, tin cậy. Muốn sản phẩm được thơm ngon, giòn, dai, bánh đa phải được phơi 2 nắng rồi mới đóng gói trước khi bán ra thị trường. Sản phẩm bánh đa của xã có 2 loại chính là bánh đa bún và bánh đa phở. Trung bình mỗi ngày một hộ làm bánh đa chế biến từ 3 đến 5 tạ gạo, 1 tạ gạo thu về thành phẩm khoảng 90kg bánh khô, bánh được bán với giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Để gìn giữ nghề truyền thống của địa phương, các hộ hiện làm nghề đều ý thức việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong khâu chế biến, giữ gìn vệ sinh xung quanh khu vực làm bánh. Trước đây, tất cả các công đoạn sản xuất bánh đa ở An Viên đều làm thủ công nhưng những năm gần đây hầu hết các công đoạn đã được áp dụng máy như: Máy trộn bột, máy cắt sợi…, người lao động vì thế cũng đỡ vất vả hơn, chất lượng sản phẩm được bảo đảm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Mỗi hộ làm nghề thường có từ 3 đến 5 người chuyên giao gạo làm bánh và nhận bánh đi bán lẻ hoặc đổ buôn cho các chợ, cửa hàng. Ngoài việc thương lái các nơi tới đặt mua hàng, người dân địa phương còn mang bánh đa đi bán buôn, bán lẻ ở các đại lý hoặc bán rong lẻ trong và ngoài tỉnh. Lúc nông nhàn, khi giáp tết, các hộ làm nghề tập trung sản xuất mạnh. Nhiều người dân nơi đây luôn coi nghề là kế sinh nhai hiệu quả để gắn bó lâu dài. Ông Trần Văn Tự, thôn Nội Thượng cho biết: Gia đình tôi làm bánh đa được gần 30 năm, thông thường hằng năm, từ tháng 8 âm lịch đến giáp Tết Nguyên đán, lượng đơn đặt hàng tăng mạnh so với các thời điểm khác trong năm. Tuy nhiên, không giống như những sản phẩm khác, sản xuất bánh đa phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết nên các hộ làm nghề khó chủ động được lượng bánh đa làm ra mỗi ngày. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình tôi đã tăng lượng bánh đa làm ra để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển nghề truyền thống, thời gian qua, xã phối hợp với các hội, đoàn thể tạo điều kiện hỗ trợ cho 10 hộ vay vốn để đầu tư trang thiết bị vào sản xuất. Chị Đỗ Thị Thơm, một trong những hộ sản xuất bánh đa lớn nhất ở thôn Nội Mai chia sẻ: Bắt đầu khởi nghiệp với những khó khăn về vốn, năm 2000, tôi đã được Hội Nông dân xã An Viên hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 20 triệu đồng để phát triển làm nghề. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất từ 5 đến 7 tạ bánh.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nghề sản xuất bánh đa ở xã An Viên gặp một số khó khăn như: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, sản phẩm chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều…
Thời gian tới, xã An Viên tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở các hộ làm nghề chú trọng vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến; khuyến khích, hỗ trợ các hộ sản xuất tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; vận động người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ các hộ làm nghề chủ động thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa...