Nghệ An: Dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi thiệt hại nặng
Thời gian gần đây, tình hình dịch tả lợn châu Phi đang tái bùng phát trên diện rộng tại các xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhiều hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại nặng nề. Xác lợn chết được vứt bừa bãi ở một số nơi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Thiệt hại nặng do dịch tả lợn châu Phi bùng phát
Theo báo cáo của UBND xã Hoa Quân, tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 15/7, địa phương đã ghi nhận hơn 1.060 con lợn chết và tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 60 tấn, đến từ 126 hộ dân. Đặc biệt, dịch đã lan rộng đến 22/28 xóm trên địa bàn.

Lợn bị dịch tả châu Phi chết la liệt, khiến người chăn nuôi xã Hoa Quân thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.
Khoảng thời gian nửa tháng trở lại đây, đàn lợn hàng trăm con của gia đình anh Phạm Văn Hiến (xóm Sơn Thủy, xã Hoa Quân, Nghệ An) vẫn khỏe mạnh, bình thường. Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần qua, gia đình đã phải xót xa tiêu hủy 80 con lợn thịt vì mắc dịch tả lợn châu Phi. 30 con khác có dấu hiệu nhiễm dịch, chờ ngày tiêu hủy. Cùng chung cảnh ngộ với gia đình anh Hiến, hàng chục hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Hoa Quân, tỉnh Nghệ An cũng đang rất lo lắng và bất an khi dịch bệnh diễn biễn phức tạp trên diện rộng.
Ông Lê Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Quân cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát mạnh từ đầu tháng 7 đến nay, gây thiệt hại cho người dân trên địa bàn xã khoảng 4 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là khó kiểm soát hoạt động vận chuyển, mua bán lợn giữa các vùng có dịch và vùng chưa có dịch. Trong khi đó, thời tiết nắng mưa thất thường làm suy giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho virus hoành hành.
Bên cạnh đó, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không áp dụng biện pháp an toàn sinh học, vẫn tiếp tục tái đàn khi chưa qua thời gian cách ly. Nhiều trường hợp còn giấu dịch, không báo cho chính quyền, gây khó khăn cho việc khoanh vùng và xử lý triệt để.

Xác lợn được vứt trên các kênh thủy lợn, nguy cơ lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
Không chỉ xã Hoa Quân, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh sang các địa phương lân cận. Được biết, hiện nhiều địa phương như Anh Sơn, Đại Đồng, Yên Xuân, Tam Đồng, Quan Thành, Giai Lạc… cũng đã ghi nhận dịch tái phát, mức độ thiệt hại ngày càng lớn.
Vứt xác lợn chết bừa bãi
Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên các địa bàn tỉnh Nghệ An với hàng chục ổ dịch, hàng nghìn con lợn bị tiêu hủy, trong khi tình trạng vứt xác lợn bừa bãi vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
Tại xã Minh Châu, nhiều ngày qua, người dân không khỏi lo lắng khi chứng kiến xác lợn chết trôi nổi trên kênh N2, tuyến kênh dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hộ dân. Một số con trong quá trình phân hủy đã bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Một số người dân chia sẻ, lợn chết bị vứt xuống kênh, nước thì bẩn, ruộng đồng cũng bị ảnh hưởng. Cứ như thế này thì không ai dám dùng nước để sản xuất nữa.
Ông Lê Thế Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu cho biết, trong tuần qua, địa phương đã thu gom và tiêu hủy ba đợt xác lợn trôi nổi, mỗi đợt từ 1–2 con. Hiện chính quyền đang khẩn trương lắp lưới chắn dọc tuyến kênh để ngăn chặn tình trạng lợn chết tiếp tục trôi qua.

Chính quyền địa phương thuê máy múc để xử lý xác lợn chết do người dân thả trôi trên kênh thủy lợi, tránh lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
“Những con lợn đều đã phân hủy nặng, không thể truy tìm nguồn gốc. Chúng tôi tiến hành chôn sâu, rắc vôi và hóa chất để tiêu độc, tránh phát tán mầm bệnh”, ông Hiếu cho hay.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, tính đến giữa tháng 7/2025, toàn tỉnh đã ghi nhận 25 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 25 xã thuộc nhiều huyện, buộc tiêu hủy 1.296 con lợn với tổng trọng lượng hơn 54 tấn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An khuyến cáo người dân khi phát hiện lợn có biểu hiện mắc bệnh cần báo ngay cho chính quyền hoặc cán bộ thú y địa phương. Tuyệt đối không tự ý tiêu hủy hay vứt xác lợn ra môi trường. Việc tiêu hủy phải có sự giám sát của cơ quan chức năng. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Xử lý nghiêm hành vi giấu dịch, vứt xác lợn bệnh ra môi trường
Trước tình trạng dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng lan rộng, diễn biến phức tạp. UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện khẩn về việc tập trung phòng chống bệnh dịch. Hiện nay, tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại nhiều phường, xã trên địa bàn, trong đó tại một số địa phương dịch diễn biến phức tạp, dây dưa, kéo dài, có số lượng lớn lợn mắc bệnh phải tiêu hủy như: xã Anh Sơn, Đại Đồng, Yên Xuân, Tam Đồng...
Nhằm xử lý, dập tắt nhanh chóng các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các phường, xã sớm ổn định tổ chức bộ máy hoạt động của chính quyền, thực hiện công tác phòng chống dịch kịp thời, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lợn bị dịch tả, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đối với các địa phương có dịch cần huy động mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thông loa phóng thanh, mạng xã hội... về tính chất nguy hiểm của dịch tả lợn Châu Phi và các loại bệnh khác. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh khi không có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấu dịch, buôn bán động vật bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác ra môi trường gây lây lan dịch bệnh và ô nhiễm.
Tổ chức rà soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, thực hiện nghiêm quy trình, kiểm soát giết mổ. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, quy hoạch lại vùng chăn nuôi, bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; đề xuất danh sách các phường, xã cấm chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi. Chủ tịch UBND cấp xã sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để dịch phát sinh, lây lan trên diện rộng.
Đối với Sở Nông nghiệp và Môi trường phải tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương; thành lập các đoàn kiểm tra, tổ công tác trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Sở Y tế phối hợp phòng chống dịch lây từ động vật sang người. Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng siết chặt kiểm tra tại các điểm nóng, khu vực biên giới. Tất cả các sở, ngành liên quan được yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân không hoang mang nhưng không được lơ là, chủ quan. Mục tiêu là kiểm soát dịch triệt để, bảo vệ đàn vật nuôi và an toàn thực phẩm cho cộng đồng.
Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến khó lường, ngành chăn nuôi Nghệ An đang chịu nhiều tổn thất. Để kiểm soát hiệu quả, ngoài sự nỗ lực từ chính quyền và ngành chức năng, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm, tự giác của người dân trong thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.