Ngày Vệ sinh Kinh nguyệt Thế giới năm 2024: Biến điều khó nói thành điều bình thường
Ngày 28/5, tại thành phố Hải Phòng, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam tổ chức hoạt động truyền thông Ngày Vệ sinh kinh nguyệt thế giới năm 2024 với chủ đề 'Biến điều khó nói thành điều bình thường'. Dự chương trình có đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam; đại diện Quỹ nhi đồng Liệp hợp quốc Unicef tại Việt Nam.
Chương trình được kết nối trực tuyến đến 300 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại tỉnh Lạng Sơn, có 2 điểm cầu tham dự, với hơn 160 cán bộ, giáo viên, học sinh đến từ các trường: THCS xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc; THCS Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn.
Chương trình đã tuyên truyền, giới thiệu về: vệ sinh kinh nguyệt, quản lý vệ sinh kinh nguyệt cho phụ nữ và trẻ em gái; kiến thức về sinh lý ở nữ, đặc điểm sinh lý tuổi dậy thì và hiện tượng kinh nguyệt ở nữ giới. Đồng thời, hướng dẫn học sinh nữ quản lý vệ sinh kinh nguyệt tốt tại trường học; các bất thường và bệnh phụ khoa, cũng như giải pháp phòng và điều trị bệnh phụ khoa; kiến thức, kỹ năng để tự tin trong giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. Đồng thời, tổ chức giao lưu với khán giả; kịch truyền thông về “Quản lý vệ sinh kinh nguyệt cho phụ nữ và trẻ em gái”; điệu nhảy dân vũ rửa tay với nước sạch và xà phòng,…
Tại buổi truyền thông Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam kêu gọi các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội loại bỏ định kiến xung quanh vấn đề kinh nguyệt vì đây là vấn đề bình thường của phụ nữ và trẻ em gái. Các trường học phối hợp cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, chia sẻ khó khăn của nữ sinh, quan tâm cải tạo nhà vệ sinh trường học, cung cấp đủ nước sạch, nước rửa tay, xà phòng, giấy vệ sinh cho học sinh tại trường. Học sinh, nhất là nữ sinh chủ động tìm hiểu kiến thức, giữ gìn vệ sinh, tự bảo vệ sức khỏe bản thân.
Được biết, Ngày vệ sinh kinh nguyệt thế giới được tổ chức vào ngày 28/5 hằng năm, là sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo sức khỏe và vệ sinh kinh nguyệt cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Sự kiện hướng tới việc vận động tiếng nói và hành động toàn cầy của cơ quan chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, khu vực tư nhân, các cơ quan truyền thông và tất cả mọi người nhằm biến điều khó nói trở thành điều bình thường và những điều cấm kỵ, kỳ thị về kinh nguyệt không tồn tại trong xã hội vào năm 2030.