Ngày mai, Thủ tướng chủ trì hội nghị gỡ khó cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Trước thực trạng nhiều các dự án điện năng lượng tái tạo với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD đang gặp những vướng mắc, khó khăn, Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị trao đổi phương hướng gỡ khó cho các dự án này.
Văn phòng Chính phủ vừa có công điện thông báo về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Hội nghị dự kiến được tổ chức vào chiều mai (12/12), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cùng dự có Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình.
Ngoài ra, hội nghị sẽ có sự tham dự của Bộ trưởng Công Thương, lãnh đạo các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước...
Hội nghị cũng có sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, chủ tịch, bí thư của 27 tỉnh có các dự án năng lượng tái tạo...
Đặc biệt, chủ đầu tư của 154 dự án năng lượng tái tạo cũng được mời tham dự tại trụ sở Chính phủ để chia sẻ các khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Hiện cả nước có 34 dự án năng lượng tái tạo, bao gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời, với tổng công suất phát điện 2.090,97MW, đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy từ năm 2021, vượt qua giai đoạn thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện lên lưới. Nhưng do các vướng mắc về thủ tục hành chính, trong đó có giá FIT, 3 năm trôi qua, các dự án này vẫn 'đắp chiếu'.
Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về sự lãng phí - điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ “lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau - đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển”.
Trước đó, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong các phiên thảo luận kinh tế xã hội gần đây.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết, các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành. Theo ông Thông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến lãng phí nhưng dù nguyên nhân gì đi chăng nữa đây là của cải, nguồn lực của xã hội, của đất nước, nên cần tháo gỡ.
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về thể chế để đề xuất tháo gỡ.
Hồi giữa năm ngoái, 23 nhà đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Công thương, EVN cho phép huy động tạm thời phát điện các dự án điện đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán/thỏa thuận giá phát điện theo đúng chỉ đạo tại Văn bản số 83/TB-VPCP.
Theo đó, các nhà đầu tư đề xuất, trong thời gian huy động tạm thời được áp dụng một trong các phương án:
Thứ nhất, EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 90% giá trần của Khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian từ khi huy động cho đến khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng nếu không hồi tố.
Thứ hai, EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 50% giá trần của Khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian huy động tạm thời, có hồi tố (sau khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng, EVN sẽ thực hiện thanh toán bằng mức giá đã thống nhất cho toàn bộ thời gian từ thời điểm dự án được huy động sản lượng).
Thứ ba, trong trường hợp giá thanh toán tạm thấp bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21, thì thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và chủ đầu tư (đề xuất này được đưa ra dựa trên căn cứ theo cơ sở kỹ thuật: ví dụ đối với các nhà máy điện gió trên đất liền hoặc nhà máy điện gió trên biển, theo quy chuẩn kỹ thuật vận hành tuabin và nhà máy điện gió, thời gian vận hành tiêu chuẩn tối thiểu là 25 năm).
Các nhà đầu tư cho biết tình thế đang rất khó khăn khi vốn đầu tư bỏ ra, dự án đã hoàn thành nhưng không bán được điện. Do đó, đại diện các chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền để các bên làm cơ sở pháp lý thực hiện.