Ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp ở TP.HCM
Ngày 1/7, cùng với cả nước, TP.HCM vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Trong ngày đầu, người dân đến làm thủ tục rất phấn khởi vì mọi thứ diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, được cán bộ, công chức hỗ trợ nhiệt tình.
Ghi nhận của phóng viên, sáng sớm nay, không khí làm việc tại các phường, xã… trên địa bàn TP.HCM diễn ra rất nhộn nhịp. Hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức đều chung tâm trạng phấn khởi, khí thế trong ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp.
Tại phường Tân Sơn Nhất, TP.HCM, cán bộ, công chức có mặt từ sớm để bố trí nơi đón tiếp, hướng dẫn công dân đến làm các thủ tục hành chính. Phía bên ngoài, lực lượng đoàn viên, thanh niên được tăng cường để hỗ trợ người dân.

Bà Kim Phượng và chị Cẩm Tú có mặt ở phường Tân Sơn Nhất làm thủ tục hành chính.
Theo quan sát, các khu vực tiếp nhận hồ sơ ở nhiều lĩnh vực được bố trí một cách khoa học, thuận lợi cho người dân đến làm thủ tục.
Chị Cẩm Tú, phường Tân Sơn Nhất chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đến phường mới làm thủ tục chứng thực nhập học cho con và được cán bộ, công chức hỗ trợ nhiệt tình, cảm giác mọi thứ nhanh hơn so với trước đây. Bản thân tôi rất ủng hộ việc sáp nhập, bỏ bớt các khâu trung gian không cần thiết, chỉ mong rằng thời gian tới các thủ tục sẽ nhanh chóng, tiện lợi hơn cho người dân”.

Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân đến làm thủ tục.
“Hôm nay tôi đi làm thủ tục đăng ký giám hộ, thấy các bạn trẻ hỗ trợ rất nhiệt tình, cán bộ phường chạy lui chạy tới giúp dân, hy vọng không chỉ ngày đầu mà thời gian tới vẫn duy trì như vậy. Tôi cảm nhận đất nước đang trải qua một bước ngoặt mới, xã hội sẽ ngày càng phát triển hơn", bà Kim Phượng, ngụ phường Tân Sơn Nhất bày tỏ.

Không khí làm việc ngày đầu ở phường Tân Sơn Nhất.
Ông Lâm Việt Thảo - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Sơn Nhất, TP.HCM, phụ trách công tác hành chính công cho biết, kể từ khi có chủ trương triển khai, phường Tân Sơn Nhất đã khẩn trương tập huấn các thủ tục hành chính và tổ chức chạy thử các phần mềm.
Đến thời điểm này, cán bộ, công chức phường Tân Sơn Nhất đã sử dụng thành thạo và thông suốt quy trình cũng như các hệ thống phần mềm mới.

Người dân đến làm thủ tục hành chính ở phường Bảy Hiền.
“Mặc dù thời gian chuẩn bị vô cùng gấp rút, chỉ có hai ngày để bàn giao từ phường cũ sang phường mới, tuy nhiên, phường đã huy động toàn bộ lực lượng để tổng vệ sinh, dọn dẹp, bố trí và trang trí trụ sở ngay từ đêm qua. Sáng nay, cán bộ đã có mặt sớm để kiểm tra lại toàn bộ hệ thống và sẵn sàng đón tiếp người dân đúng 7h30”, ông Thảo nói.

Người dân làm thủ tục hành chính ở phường Tân Bình.
Trong ngày đầu tiên vận hành chính thức, khu vực hành chính công của phường Tân Sơn Nhất sẽ tiếp nhận và xử lý nhiều thủ tục mới.
"Thực hiện theo chủ trương ở trên thì chắc chắn mô hình phường mới sẽ gần dân, sát dân hơn, thực hiện phục vụ cho người dân tốt hơn. Tôi tin rằng các nội dung mà người dân cần sẽ được đáp ứng và thực hiện trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hành chính công tại địa phương. Về cơ sở vật chất sẽ tiếp tục được bổ sung trong thời gian tới”, ông Thảo nói thêm.

Trung tâm phục vụ hành chính công xã Vĩnh Lộc.
Tại phường Sài Gòn, bộ máy trong ngày đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp cũng diễn ra suôn sẻ, đội ngũ cán bộ, công chức hăng hái phục vụ người dân.
Từ 8h sáng, nhiều người dân đã có mặt ở Trung tâm phục vụ hành chính công phường Sài Gòn (số 45 - 47 Lê Duẩn) làm thủ tục hành chính.

Cán bộ phường Sài Gòn hướng dẫn người dân làm thủ tục.
Theo quan sát, khu vực làm thủ tục được bố trí 11 bàn tiếp nhận hồ sơ về chứng thực, hộ tịch, trích lục tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn, bảo hiểm xã hội… Phía trước bàn tiếp nhận có bảng thông tin họ tên cán bộ, số điện thoại di động để người dân liên lạc khi cần thiết.
“Trước khi đi làm thủ tục tôi nghĩ ngày đầu sẽ khá lúng túng nhưng không ngờ mọi thứ diễn ra rất nhanh, sáng nay tôi chỉ mất khoảng 10, 15 phút là xong thủ tục”, bà Thu, người dân phường Sài Gòn nói.

Cán bộ Công an ở phường Tân Sơn Nhất hướng dẫn thủ tục cho công dân.
Ông Bùi Trường Giang – Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Sài Gòn cho biết, phương châm phường đặt ra là lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ để các thủ tục hành chính được nhanh chóng, thuận lợi, hạn chế việc người dân phải đi lại nhiều lần.
“Trong quá trình xử lý thủ tục hành chính, nếu hồ sơ của người dân có thiếu sót thì sẽ bổ sung một lần trong khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật. Sau khi tiếp nhận và trả kết quả, chúng tôi sẽ thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của người dân”, ông Giang nói.

Ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp diễn ra suôn sẻ.
Chia sẻ thêm về tên gọi phường mới, ông Giang nói: “Hôm nay, tôi được làm việc trong môi trường mới mang tên phường Sài Gòn. Có những cái còn mới mẻ, bởi vì bỏ cấp quận thì các thủ tục hành chính sẽ dồn về phường thực hiện. Bên cạnh cảm giác mới mẻ, chúng tôi cũng háo hức, hồi hộp. Có những việc ban đầu chưa phục vụ hoàn hảo cho người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức phường, hy vọng sẽ mang đến những điều tốt nhất, chúng tôi cũng mong nhận về những phản hồi của doanh nghiệp, người dân để tiếp thu và thay đổi cho phù hợp với tình hình mới”.

Đội ngũ cán bộ, công chức hăng say phục vụ người dân.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã có mặt tại Trung tâm hành chính công phường Dĩ An để khảo sát công tác tiếp đón người dân đến làm thủ tục hành chính trong ngày đầu tiên vận hành phường, xã mới.
Chủ tịch UBND TP.HCM động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phường Dĩ An trong ngày đầu làm việc, với vai trò mới là những cán bộ, công chức, viên chức của TP.HCM mới.