Ngày 29-11, tuyên án 15 bị cáo trong vụ Xuyên Việt Oil
Dù đã chủ động khai báo về hành vi đưa hối lộ nhưng cựu giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh không được VKS đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
TAND TP.HCM đang nghị án kéo dài vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) và các đơn vị liên quan và sẽ tuyên án vào ngày 29-11.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu giám đốc kiêm chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil) và 14 bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội vi phạm quy định về sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; đưa hối lộ; nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Tại phần luận tội, đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 30 năm tù về tội vi phạm quy định về sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và đưa hối lộ. 14 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 29 năm tù.
“Bà trùm” Xuyên Việt Oil không được miễn trách nhiệm hình sự tội đưa hối lộ
Theo cáo buộc, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh dùng thủ đoạn để chiếm đoạt, sử dụng trái quy định 219 tỉ đồng Quỹ BOG và 1.463 tiền thuế bảo vệ môi trường. Sau đó, bị cáo Hạnh sử dụng số tiền này để chi tiêu cá nhân và đưa hối lộ 22 lần với số tiền hơn 31 tỉ đồng cho 8 cá nhân.
Tại phiên tòa, bị cáo Hạnh thừa nhận hành vi phạm tội và cam kết sẽ mang tài sản của công ty và cá nhân bị cáo khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo Hạnh thừa nhận đã chỉ đạo; còn các nhân viên chỉ làm theo, làm công hưởng lương.
Để thuận lợi cho việc đưa hối lộ, bị cáo Hạnh đã tìm hiểu các thói quen, sở thích của các bị cáo trong vụ án. Không chỉ đưa số tiền lớn, quà đắt tiền, bị cáo Hạnh còn gửi món quà có giá trị rất nhỏ như chai nước tương, cái khăn... Việc đưa tiền, tặng quà để bị cáo Hạnh tìm kiếm cơ hội kinh doanh và giúp công ty có thêm nguồn lợi.
Tại phần tranh luận, luật sư của bị cáo Hạnh đã xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo đối với hành vi đưa hối lộ vì sau khi bị khởi tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quá trình điều tra bị cáo Hạnh đã chủ động khai thêm việc đưa hối lộ.
Đối đáp, đại diện VKS cho rằng, trường hợp bị cáo Hạnh không bị bắt và bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí về tội danh này thì bị cáo sẽ không khai báo ra hành vi nhận hối lộ. Mặt khác, căn cứ vào tài liệu thu giữ cũng đã phát hiện dấu hiệu đưa hối lộ của bị cáo.
Căn cứ hồ sơ vụ án, bị cáo Hạnh đã tính toán, tiếp cận các bị cáo tại Bộ Công Thương trong việc xin cấp Giấy phép kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính trong việc quản lý Quỹ BOG… để đưa hối lộ nhiều lần với số tiền đặc biệt lớn vì lợi ích của cá nhân và công ty.
Hành vi của bị cáo Hạnh là nguyên nhân chính dẫn đến vụ án này. Cơ quan ANĐT, VKSND Tối cao đã cân nhắc rất kĩ đối với sự chủ động khai báo của bị cáo, từ đó đề nghị áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực hợp tác với CQĐT và VKS đã đề nghị áp dụng mức án dưới khung hình phạt.
VKS: “Các bị cáo nói không đòi hỏi, vụ lợi là ngụy biện”
Trong vụ án Xuyên Việt Oil đã có 8 bị cáo là các cựu cán bộ có chức vụ, quyền hạn đã nhận tiền hối lộ từ bị cáo Hạnh sau khi tạo điều kiện giúp bị cáo này trong việc cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu và một số mục đích khác trong hoạt động của công ty.
Trong đó, cựu thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải được giao phụ trách lĩnh vực cấp phép kinh doanh xăng dầu đã chỉ đạo để cấp dưới tạo điều kiện cấp giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil khi không đủ điều kiện. Sau đó, bị cáo Hải đã nhận 50.000 USD của bị cáo Hạnh.
Các bị cáo có chức vụ, quyền hạn tại Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, gồm: Hoàng Anh Tuấn, Trần Duy Đông, Nguyễn Lộc An đã nhận hối lộ số tiền từ 921 triệu đồng đến 6 tỉ đồng để tạo điều kiện trong việc kiểm tra, đề xuất cấp lại giấy phép kinh doanh xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Khai tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, về hành vi nhận tiền, các bị cáo này đều khẳng định không đòi hỏi, vòi vĩnh bị cáo Hạnh mà do bị cáo này tự chủ động tặng vào các dịp lễ, Tết.
Theo đại diện VKS, các bị cáo vì động cơ vụ lợi đã đi ngược lại với đường lối, chủ trương, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Các bị cáo cho rằng không đòi hỏi bị cáo Hạnh tặng tiền, quà cảm ơn là sự ngụy biện. Bởi vì việc cho nhận tiền, tài sản gắn liền với những việc làm cụ thể của các bị cáo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp của bị cáo Hạnh được cấp giấy phép và đã đủ yếu tố để cấu thành tội nhận hối lộ.
Đối đáp của VKS về hành vi đưa hối lộ của lái xe “bà trùm” Xuyên Việt Oil
Bị cáo Đồng Xuân Dũng (lái xe của bị cáo Hạnh) bị VKS đề nghị mức án 30-36 tháng tù về tội đưa hối lộ với cáo buộc giúp sức cho bị cáo Hạnh đưa hối lộ 300.000 USD.
Tại tòa, bị cáo Dũng khai, đã nhận 300.000 USD theo chỉ đạo của bị cáo Hạnh và đưa cho Nguyễn Văn Thắng (cựu phó giám đốc Xuyên Việt Oil - chi nhánh Hà Nội) nhưng không biết mục đích đưa tiền. Bị cáo này không biết mình vi phạm pháp luật cho đến khi làm việc với CQĐT.
Tại phần đối đáp, đại diện VKS cho rằng, tại một số bản cung và bản tự khai của bị cáo Dũng thể hiện: “Tôi không được Hạnh nói cụ thể xử lý công việc của Công ty Xuyên Việt Oil là gì, nhưng tôi hiểu việc đưa tiền để xử lý các công việc liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của công ty. Tại thời điểm đó, công ty đang làm thủ tục xin cấp lại giấy phép”.
Lời khai của bị cáo Hạnh tại biên bản hỏi cung và một số bút lục thể hiện: “Để chuẩn bị chi phí bôi trơn việc xin cấp lại giấy phép, tôi chỉ đạo Dũng nhận 300.000 USD rồi giao cho Thắng”. “Ông Dũng biết rõ việc đưa tiền cho Thắng rồi Thắng đưa cho Hoàng Anh Tuấn tại Bộ Công Thương. Biết rất rõ vì qua điện thoại trao đổi trực tiếp là giao tiền qua Bộ Công Thương nên Dũng biết việc tôi chi số tiền lớn này để lo giấy phép"...
Từ những căn cứ trên, VKS khẳng định, bị cáo Dũng hoàn toàn hiểu và biết số tiền 300.000 USD sẽ đưa cho các quan chức ở Bộ Công Thương nhưng giúp sức cho bị cáo Hạnh trong việc đưa hối lộ.