Ngành Thuế đi đầu chuyển đổi số phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp

Để thực hiện 'mục tiêu kép' vừa hoàn thành dự toán thu ngân sách, vừa đẩy mạnh công tác hiện đại hóa, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp, ngành Thuế đã nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số. Nhờ đó, công tác phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành Thuế được đánh giá đi đầu, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Phương Anh

Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ

Với phương châm “lấy người nộp thuế (NNT) làm trung tâm phục vụ”, ngành Thuế luôn nỗ lực phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ việc khai, nộp thuế của NNT, cũng như ứng dụng phục vụ công tác quản lý thuế, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp (DN), đáp ứng nhu cầu điện tử hóa và chuyển đổi số của ngành Tài chính, hướng tới chuyển đổi số quốc gia.

Tập trung hỗ trợ trực tuyến cho người nộp thuế

Những nỗ lực trong đổi mới phương thức, hình thức tuyên truyền, hỗ trợ của cơ quan thuế thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Thời gian tới cần tiếp tục triển khai hiệu quả hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế tiếp cận chính sách pháp luật thuế, nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

Ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, ngành đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số như áp dụng phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản lý thuế, quản lý hóa đơn, góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh NNT gian lận về hóa đơn. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ xây dựng dữ liệu bản đồ số đối với hộ kinh doanh trên toàn quốc; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới; hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc triển khai các chương trình hỗ trợ NNT; nghiên cứu, thực hiện cung cấp thông tin tự động (trí tuệ nhân tạo-AI, chatbot)...

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến hết tháng 5/2024, có 99,6% DN đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; có 97,8% DN đang hoạt động hoàn thành đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử với ngân hàng; có 99% DN nộp hồ sơ hoàn thuế điện tử với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là 45.853 tỷ đồng.

Tính từ khi triển khai đến ngày 17/5/2024, số lượng hóa đơn điện tử (HĐĐT) cơ quan Thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 7,78 tỷ hóa đơn, trong đó 2,16 tỷ hóa đơn có mã và hơn 5,62 tỷ hóa đơn không mã. Cũng đến ngày 17/5/2024, có 59.674 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, tăng 47,9% so với cuối năm 2023, số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 415,3 triệu hóa đơn.

Thông tin về kết quả triển khai ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động (eTax Mobile), đại diện Tổng cục Thuế cho biết, từ khi triển khai đến nay có 1.132.081 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng, số giao dịch qua ngân hàng thương mại (NHTM) là 1.752.407 giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công 4.143,6 tỷ đồng. Riêng từ 1/1/2024 đến ngày 17/5/2024, đã có 363.211 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile, số giao dịch qua NHTM là 836.418 giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công 1.561,6 tỷ đồng.

Đánh giá về sự tiện lợi trong việc sử dụng ứng eTax Mobile, bà Nguyễn Thị Mỹ Cúc - Chủ hộ kinh doanh trên địa bàn TP. Quảng Ngãi cho biết, sử dụng ứng dụng eTax Mobile rất hiệu quả. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có mạng internet là có thể đăng ký thuế, tra cứu nghĩa vụ thuế, nộp thuế, thông báo, hồ sơ; cùng với các tiện ích như: tra cứu bảng giá lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tra cứu thông tin NNT, hộ kinh doanh, công cụ thuế, người phụ thuộc, quyết toán thuế, địa chỉ cơ quan thuế…, việc thực hiện nộp thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN) rất dễ dàng.

Ứng dụng công nghệ vào tuyên truyền, hỗ trợ

Cùng với công tác chuyển đổi số, công tác tuyên truyền - hỗ trợ cũng được cơ quan thuế thực hiện đa dạng về cả hình thức và phương thức, để NNT có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho rằng, công tác tuyên truyền - hỗ trợ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế.

Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính sách pháp luật thuế đến DN và người dân, bên cạnh việc duy trì tuyên truyền bằng các phương thức truyền thống như: báo giấy, tạp chí, đài phát thanh, đài truyền hình…, cơ quan thuế không ngừng đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT, nhằm nâng cao sự tương tác giữa cơ quan thuế với NNT, đáp ứng xu hướng tiếp cận thông tin điện tử của người dân và DN.

Còn trong công tác hỗ trợ, cơ quan thuế đã đẩy mạnh triển khai có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các sản phẩm hỗ trợ NNT theo phương thức điện tử, mang lại hiệu quả cao trong việc hướng dẫn NNT thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuế, cũng như tiếp cận chính sách thuế. Nhiều hình thức được triển khai như: hỗ trợ hướng dẫn trực tuyến hoặc tại bộ phận “một cửa”; tổ chức các buổi đối thoại, tập huấn tại trụ sở cơ quan thuế; xây dựng các sản phẩm hỗ trợ NNT đăng trên website, mạng xã hội...

Giao nhiệm vụ cho toàn ngành tại Hội nghị Giao ban triển khai nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ TTHC thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống HĐĐT. Đảm bảo hệ thống CNTT hoạt động thông suốt 24/7 để hỗ trợ NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Đối với công tác tuyên truyền - hỗ trợ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu tiếp tục xây dựng và triển khai chiến dịch tuyên truyền, truyền thông về công tác hoàn thuế, quản lý nợ thuế; cập nhật, vận hành hiệu quả trang thông tin điện tử của cơ quan thuế các cấp phục vụ việc tra cứu, truy cập thông tin của NNT cả nước.

Hoàn thành rà soát, chuẩn hóa mã số thuế trên toàn quốc

Triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngành Thuế đã và đang khẩn trương chuyển đổi toàn bộ mã số thuế sang mã số định danh cá nhân.

Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế đến nay, số lượng khớp đúng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư (trên tổng số 80,8 triệu mã số thuế) là 58,7 triệu mã số thuế, đạt 72,65% tổng số lượng mã số thuế cá nhân. Nếu loại trừ nhóm 5 (nhóm mã số thuế không bao gồm người phụ thuộc và các mã số thuế không có nghĩa vụ thuế hoặc không có thông tin giấy tờ chứng minh nhân dân (CMND)/căn cước công dân (CCCD)) thì đã hoàn thành 92,15% việc rà soát.

Thông tin về lợi ích của việc chuyển đổi toàn bộ mã số thuế sang mã số định danh cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, khi sử dụng thống nhất mã số định danh công dân làm mã số thuế, người dân chỉ cần một mã số để giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan thuế và giao dịch với các cơ quan nhà nước khác.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, mã số định danh cá nhân là mã số để trao đổi thông tin của cá nhân phục vụ quản lý theo ngành, lĩnh vực đối với công dân. Việc sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế, mã số thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ mang lại những lợi ích cho cả cơ quan quản lý nhà nước và cả người dân.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-thue-di-dau-chuyen-doi-so-phuc-vu-hieu-qua-nguoi-dan-doanh-nghiep-153239.html
Zalo