Ngành thi hành án dân sự tích cực ứng dụng công nghệ số
Sau mỗi bản án là hành trình thi hành án đầy gian nan, áp lực của chấp hành viên - những người giữ cho công lý được thực thi đến cùng. Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, công nghệ đang trở thành trợ thủ đắc lực giúp đội ngũ này giảm áp lực, nâng cao hiệu quả công việc.

Các lực lượng thực hiện thi hành án trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất
Lào Cai là địa bàn miền núi với địa hình hiểm trở, nhiều điểm thi hành án cách trung tâm hàng trăm cây số, với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Ngành thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai (trước sáp nhập) luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc. Năm 2023, Lào Cai xếp hạng nhất về việc và thứ hai về tiền trong phạm vi toàn quốc. Năm 2024, tỉnh cũng xếp hạng thứ 5 về việc và thứ nhất về tiền trong phạm vi toàn quốc.
Các vụ án phải thi hành tại địa bàn này quy mô không lớn, không có nhiều án trọng điểm tham nhũng nhưng khó khăn của chấp hành viên nơi đây “muôn vàn sắc thái”.
Ông Đỗ Ngọc Ba, nguyên Cục trưởng tỉnh Lào Cai cho biết, chấp hành viên vùng cao phải biết làm dân vận, ngoại giao, điều tra viên, chuyên gia tâm lý, chuyên gia văn hóa tín ngưỡng… Họ phải vượt nhiều ki-lô-mét đường rừng chỉ để thi hành án với số tiền vỏn vẹn 100.000 đồng. Đó là chưa kể đến những khó khăn, vất vả của các nữ chấp hành viên khi phải đối mặt các đối tượng thi hành án “chẳng còn gì để mất”. Tuy nhiên, các chấp hành viên “quyết tâm thi hành án càng nhanh càng tốt”.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông Đặng Đình Sử, nguyên Chi cục trưởng Thi hành án dân sự thành phố Lào Cai (trước đây) không thể quên lần trực tiếp cưỡng chế thi hành án có nhiều “quan hệ thân tình” trong bối cảnh “ngôi nhà cấp 4 mà họ xây tường 10, trần lợp nhựa, đập một tường đi chắc chắn nhà sẽ sập. Chủ nhà khóa cửa, thả chó ra cắn, ném muối vào đầu trong tiếng chửi rủa. Vợ người phải thi hành án đang ở cữ, chân đi tất, đầu quấn khăn, tay cầm bình ga, tay bật lửa, dọa nếu cưỡng chế sẽ cho nổ bình ga...”. Song với tinh thần kiên quyết, với “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, nhiệm vụ cưỡng chế cũng hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Sự linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ, lên kế hoạch triển khai rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, phối hợp nhịp nhàng với các ngành chức năng có liên quan, người có uy tín trong cộng đồng chính là cách mà các chấp hành viên vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện chấp hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án.
Với những nỗ lực đó, năm 2024, công tác thi hành án dân sự toàn quốc đạt kết quả cao nhất về việc và về tiền từ trước đến nay. Đặc biệt, đây cũng là năm công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về , kinh tế đạt tỷ lệ cao nhất với gần 10.000 việc đã thi hành xong, tương ứng hơn 22.000 tỷ đồng.
Mô hình mới, cách làm mới
Kể từ ngày 1/7, Tổng cục Thi hành án dân sự chính thức chuyển thành Cục Quản lý Thi hành án dân sự với 34 thi hành án dân sự tỉnh, thành phố gồm có 355 phòng thi hành án dân sự khu vực. Đây chính là sự đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tổ chức bộ máy ngành thi hành án dân sự.
Ông Nguyễn Thắng Lợi, Cục trưởng Quản lý Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho biết: “Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy hệ thống thi hành án dân sự theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan trực thuộc về thi hành án dân sự theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, tạo sự thay đổi về chất, mang tính đột phá, nhằm xây dựng hệ thống thi hành án dân sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới”.
Cùng với việc tinh gọn bộ máy, ngành thi hành án dân sự cũng từng bước đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cụ thể hóa của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
“Định hướng mang tính chiến lược, giải pháp thực tiễn của ngành thi hành án dân sự thời gian tới, đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế theo hướng đơn giản về thủ tục, dễ áp dụng, dễ thực hiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, giảm chi phí và tiết kiệm nguồn lực xã hội”, ông Lợi nhấn mạnh.
Ngày 4/7, Bộ Tư pháp đã chính thức khai trương Hệ thống Biên lai điện tử thực hiện trong công tác thi hành án dân sự thay cho hình thức thu tiền mặt và biên lai giấy trước đây. Hệ thống Biên lai điện tử góp phần tăng cường tính minh bạch dữ liệu trong quản lý tài chính thi hành án thông qua ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, cho phép số hóa và tự động hóa toàn bộ quy trình tạo lập biên lai, từ quét giấy tờ, trích xuất thông tin tự động bằng công nghệ AI-OCR, phê duyệt bằng chữ ký số, đến cấp số biên lai tự động và lưu trữ tập trung.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương triển khai sớm nhất cả nước - chỉ trong tuần vận hành đầu tiên trên địa bàn, hệ thống đã ghi nhận gần 3.000 biên lai điện tử được phát hành, tương đương gần 2.000 tỷ đồng thu-nộp.
Thứ trưởng Tư pháp Mai Lương Khôi đề nghị, thời gian tới, Cục Quản lý Thi hành án dân sự đẩy mạnh triển khai đồng bộ việc phát hành biên lai điện tử, tiếp nhận yêu cầu thi hành án ngay trên môi trường điện tử, dốc toàn lực sớm đưa phần mềm hệ thống Hỗ trợ ra quyết định thi hành án vào vận hành. Cùng với đó, nỗ lực hoàn thiện việc gửi thông báo qua ứng dụng VNeID, phần mềm thụ lý tổ chức thi hành án, phần mềm xử lý khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân… nhằm bảo đảm hoạt động thi hành án thông suốt, hiệu quả, phù hợp mô hình tổ chức mới.
Trong bối cảnh khối lượng công việc và tiền phải thi hành ngày càng lớn, bộ máy đã tinh gọn, ngành thi hành án dân sự buộc phải chuyển mình mạnh mẽ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là bước đi tất yếu để giảm tải áp lực, hạn chế thấp nhất sai sót, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ chấp hành viên vững vàng giữ lửa công lý sau mỗi bản án.