Ngành thể thao TP.HCM đặt nền móng cho kỷ nguyên mới
Ngày 1-72025, giữa lúc ba địa phương TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu chính thức sáp nhập để hình thành siêu đô thị quốc gia, ngành thể thao TP.HCM có một bước chuyển mình chiến lược khi tổ chức Hội thảo – Khóa học nâng cao với chủ đề 'Ứng dụng Sinh lý vận động và Trí tuệ nhân tạo trong huấn luyện TDTT'.
Hội thảo – Khóa học nâng cao với chủ đề “Ứng dụng Sinh lý vận động và Trí tuệ nhân tạo trong huấn luyện TDTT” là một định hướng phát triển của ngành thể thao TP.HCM trong thời kỳ mới: lấy công nghệ làm nền tảng, khoa học làm công cụ, và dữ liệu làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động huấn luyện.
Đổi mới tư duy huấn luyện
Việc chọn ngày đầu tiên của tiến trình sáp nhập để khai mạc hội thảo là rất có ý nghĩa khi ngành thể thao TP.HCM, một trung tâm thể thao hàng đầu cả nước, đang mở rộng về quy mô hành chính và tiên phong đổi mới phương pháp huấn luyện thể thao.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Nam Nhân, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM nhấn mạnh: “Thành tích thể thao không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay cảm tính. Ngành thể thao TP.HCM muốn tiến xa phải dựa vào khoa học. AI, dữ liệu lớn và sinh lý vận động là ba yếu tố không thể thiếu trong huấn luyện hiện đại”.

Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân và các chuyên gia đi sâu vào phân tích lý thuyết khoa học đến ứng dụng thực tiễn.
Theo đó, đội ngũ HLV và cán bộ thể thao bên cạnh trình độ chuyên môn còn phải được trang bị kiến thức công nghệ, biết phân tích dữ liệu, đánh giá thể trạng, và cá nhân hóa chương trình tập luyện cho từng vận động viên, từ lý thuyết khoa học đến ứng dụng thực tiễn.
Hội thảo quy tụ gần 200 đại biểu gồm HLV, VĐV, chuyên gia và lãnh đạo ngành thể thao từ ba địa phương. Nội dung chương trình xoay quanh hai trục chính: Sinh lý vận động: Giúp HLV hiểu rõ hơn về cơ chế sinh học, khả năng vận động, thể trạng và quá trình phục hồi của từng VĐV, qua đó xây dựng giáo án huấn luyện phù hợp với từng giai đoạn và từng cá nhân, thay vì áp dụng một giáo án đồng loạt; AI và dữ liệu lớn: Các công nghệ cảm biến, phần mềm phân tích chỉ số, camera kỹ thuật số và nền tảng đám mây hiện đang được áp dụng rộng rãi trong thể thao chuyên nghiệp quốc tế.
Đáng chú ý, nội dung hội thảo không giới hạn trong phạm vi các môn võ thuật, mà hướng đến toàn bộ hệ thống thể thao TP.HCM, từ các môn cá nhân đến tập thể, từ phong trào đến thành tích cao.

Hội thảo Ứng dụng Sinh lý vận động và Trí tuệ nhân tạo trong huấn luyện TDTT” là một định hướng phát triển của ngành thể thao TP.HCM trong thời kỳ mới.
Bước đột phá của Trí lực Master
Điểm nhấn của ngày đầu tiên là phần trình diễn hệ thống Trí lực Master - thiết bị hỗ trợ huấn luyện tích hợp AI do Công ty VTech phát triển. Sản phẩm này có khả năng đo đạc phản xạ, tốc độ, sức mạnh, sức bền và các chỉ số vận động chuyên biệt.
Kỹ sư Nguyễn Lê Anh, Chủ tịch HĐQT VTech, cho biết hệ thống được nghiên cứu và hoàn thiện trong 5 năm, với sự hợp tác của các chuyên gia công nghệ, bác sĩ thể thao và HLV chia sẻ: “Chúng tôi tạo ra một nền tảng huấn luyện dựa trên dữ liệu. Đây là xu thế tất yếu nếu thể thao Việt Nam nói chung và ngành thể thao TP.HCM nói riêng khi muốn hội nhập và cạnh tranh sòng phẳng với thế giới”.
Trí lực Master đang được thí điểm tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP.HCM, bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhất là ở các môn đối kháng như Boxing, Vovinam, Taekwondo và Muay.

Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP.HCM thí điểm Trí lực Master.
Theo TS. Lý Đại Nghĩa – Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT TP.HCM – từ năm 2025, tất cả HLV trực tiếp huấn luyện tại TP.HCM sẽ phải tham gia cập nhật năng lực công nghệ và kiến thức mới hằng năm. Đây là tiêu chuẩn bắt buộc để xây dựng đội ngũ huấn luyện đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các chuyên gia như PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, TS. Võ Danh Hải, và các khách mời từ Singapore cho thấy nỗ lực kết nối toàn cầu và học hỏi quốc tế của ngành thể thao TP.HCM.
Hội thảo lần này cũng đánh dấu sự thay đổi trong cách tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, từ cách dạy – nghe truyền thống sang mô hình tương tác, trình diễn công nghệ, và trải nghiệm thực tế.
Trong hai ngày tiếp theo (ngày 2 và 3-7), hội thảo sẽ tiếp tục với các chuyên đề sâu hơn như: phục hồi chức năng thể thao bằng công nghệ, quản trị CLB thể thao số, truyền thông thể thao bằng AI… cùng hướng đi mới của ngành thể thao TP.HCM với khát vọng dẫn dắt đô thị mới bước vào kỷ nguyên sáng tạo – dữ liệu – công nghệ cao.