Ngành Thanh tra: Phát huy truyền thống, không ngừng phát triển
Trải qua 79 năm thành lập, phát triển, ngành Thanh tra Việt Nam không ngừng phấn đấu vươn lên ngày càng lớn mạnh để góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Cách đây 79 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Ban Thanh tra đặc biệt có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các ủy ban nhân dân và cơ quan của Chính phủ. Ngày 23/11/1945, đã đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày Truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.
79 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức trong sáng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Hoạt động thanh tra đã góp phần quan trọng giúp Đảng, Nhà nước nắm sát tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước ở các cấp, các ngành trong thực tiễn, phục vụ đắc lực công tác quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Qua thanh tra đã phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh nhiều vi phạm; góp phần tích cực vào việc xử lý, khắc phục hậu quả của các sai phạm; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Ngành Thanh tra đã phát huy được vai trò chủ trì tham mưu và thực hiện công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, những vụ, việc gây bức xúc xã hội; xử lý nghiêm những sai phạm, đồng thời minh oan, trả lại sự công bằng cho người bị oan, sai; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết, đồng thuận xã hội.
Phát huy những gì đã làm được, năm 2024 ngành Thanh tra Việt Nam đã hoạt động với nhiều hiệu quả tích cực.
Trong năm 2024, kết quả 9 tháng của năm, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 5.675 cuộc thanh tra hành chính và 74.195 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm 106.672 tỷ đồng, 296 ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi 71.155 tỷ đồng và 25ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 35.517 tỷ đồng, 271ha đất; ban hành 58.338 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.269 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.398 tập thể và 5.502 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 154 vụ, 125 đối tượng.
Trong công tác phòng chống tham nhũng, dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, công tác phòng chống tham nhũng năm 2024 tiếp tục có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.
Trong dòng chảy phát triển chung của ngành Thanh tra, những năm qua, lớp lớp cán bộ, công chức làm công tác Thanh tra Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động, nêu cao ý thức trách nhiệm, đoàn kết, quyết tâm vượt khó khăn đã thể hiện được bản lĩnh chính trị, đạo đức và nghiệp vụ chuyên môn, hoàn thành tốt công tác thanh tra, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Công Thương.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương - cho biết: Tính đến tháng 11/2024, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Công Thương đã tiến hành 33 cuộc thanh tra. Qua thanh tra, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 768.000.000 đồng…
Thanh tra Bộ đã triển khai, thực hiện nghiêm túc công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định. Trong 11 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Bộ tiếp nhận 511 đơn với 152 vụ việc. Trong đó, thẩm quyền giải quyết của Bộ là 42 đơn với 14 vụ việc, thẩm quyền giải quyết của các đơn vị thuộc Bộ là 300 đơn với 66 vụ việc, thẩm quyền của các cơ quan khác là 169 đơn liên quan đến 72 vụ việc phản ánh trên nhiều lĩnh vực về kinh tế - xã hội, hành chính...
Công tác giải quyết khiếu nại luôn được Thanh tra Bộ theo dõi; tiến hành xem xét, giải quyết đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Các quyết định giải quyết khiếu nại đều được Thanh tra Bộ và các đơn vị ban hành đúng thẩm quyền, đảm bảo thời gian và tuân thủ quy định. Quá trình xem xét, giải quyết đơn thư đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng của Bộ.
Công tác giải quyết tố cáo luôn được Thanh tra Bộ theo dõi, tiến hành xem xét, giải quyết đúng trình tự, thủ tục quy định. Các quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo đều được Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ ban hành đúng thẩm quyền, đảm bảo thời gian và tuân thủ quy định. Quá trình xem xét, giải quyết đơn thư đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng của Bộ.
Năm 2025, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cũng là năm ngành Thanh tra kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam. Với dấu mốc quan trọng, đáng nhớ như vây, dư luận luôn mong muốn và tin rằng, ngành Thanh tra sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Ban chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra… Đặc biệt, ngành Thanh tra sẽ là lá cờ đầu trong công tác phòng chống tham nhũng.