Ngành nhôm với bài toán tăng trưởng

Được xác định là một trong những ngành công nghiệp nền tảng và có tốc độ phát triển nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng với việc nhập khẩu 100% nguyên liệu sơ cấp khiến sản phẩm của ngành nhôm Việt Nam bị tăng giá, giảm cạnh tranh, cũng như gặp khó khăn trong thực thi quy định về truy xuất nguồn gốc.

Cơ hội song hành thách thức

Ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho hay, tổng sản lượng của ngành nhôm năm 2024 đạt 1,5 triệu tấn, tương đương 4,2 tỉ USD, trong đó nhôm thanh định hình chiếm 43,3% sản lượng, đạt 650.000 tấn, nhôm tái chế đạt trên 250.000 tấn, chiếm 16,7%, còn là sản phẩm khác.

Nhôm sau khi được nấu, cô đúc. Ảnh: N.A

Nhôm sau khi được nấu, cô đúc. Ảnh: N.A

Tổng sản lượng của ngành năm 2024 tăng trưởng tới 14,5% so với năm 2023. Về thị trường tiêu thụ, khoảng 60% nhôm ép đùn được sử dụng trong ngành xây dựng. Phân khúc này khá tiềm năng, bởi theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhôm xây dựng có thể tăng 25% trong 5 năm tới do chính sách tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư bất động sản.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, những con số này chứng tỏ ngành nhôm đang dần khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị công nghiệp, dù vẫn còn nhiều thách thức trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định và giá cả cạnh tranh. Theo dự báo, quy mô thị trường nhôm Việt Nam sẽ đạt 4,53 tỉ USD vào năm 2025 và có thể tăng lên 7,3 USD vào năm 2030. Một trong những động lực chính cho sự tăng trưởng này là ngành xây dựng, nơi chiếm tới 38% tổng nhu cầu sử dụng nhôm. Dự báo cho thấy, với các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại Việt Nam, ngành xây dựng sẽ tiếp tục là trụ cột chính thúc đẩy nhu cầu đối với nhôm trong những năm tới.

Dự báo tiềm năng là vậy, nhưng ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) nhận định, hiện ngành nhôm nhập khẩu tới 100% nguyên liệu sơ cấp, do đó, doanh nghiệp (DN) ngành nhôm cần có sự chuẩn bị để chứng minh truy xuất nguồn gốc bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, ngành nhôm hiện đang đối mặt với tình trạng dư thừa, khi mà công suất hoạt động hiện tại dao động từ 40% đến 70% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn. Các biện pháp phòng vệ thương mại từ các quốc gia khác cũng là thử thách cho hoạt động xuất khẩu của ngành nhôm nước nhà.

Nội địa hóa nguồn nguyên liệu

Theo ông Vũ Văn Phụ, ngành nhôm hiện đang thể hiện một sự tăng trưởng vượt bậc với sự bùng nổ trong nhu cầu của các ngành như xây dựng, sản xuất ô tô và điện tử. Việc tự chủ nguồn nguyên liệu và ứng dụng công nghệ tái chế là yếu tố quyết định cho sự ổn định, phát triển bền vững. Các DN đang dần chuyển hướng, tập trung đầu tư vào hệ thống tái chế nhôm hiện đại với mục tiêu chiếm khoảng 20% tổng sản lượng nhôm đùn ép. Qua đó, không chỉ giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, mà còn giúp ổn định giá thành sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dự báo, quản lý rủi ro.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), ngành nhôm Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các DN FDI, đặc biệt là từ Trung Quốc. Đồng thời, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cũng đi kèm với những thách thức về tiêu chuẩn và chính sách thương mại quốc tế. Các DN FDI có tiềm lực tài chính mạnh, sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại và vận hành trên quy mô lớn, điều này giúp họ tối ưu chi phí và nâng cao năng suất. Nếu các DN nội địa không nhanh chóng nâng cấp công nghệ và tối ưu hóa quy trình, họ có thể gặp khó khăn trong việc giữ vững thị phần ngay tại thị trường trong nước.

Về những giải pháp để ngành nhôm phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh tối ưu hóa quy trình sản xuất, việc liên kết chặt chẽ giữa các DN nội địa sẽ giúp tạo ra một chuỗi cung ứng vững mạnh, hạn chế rủi ro từ biến động giá cả nguyên liệu nhập khẩu. Đồng thời, hợp tác và hội nhập với các đối tác chiến lược trong khu vực sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đặc biệt là các thị trường năng động như châu Á.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nganh-nhom-voi-bai-toan-tang-truong-10309442.html
Zalo