Ngành Logistics khát nhân lực
Logistics - lĩnh vực được ví như mạch máu của nền kinh tế hiện đại - đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16% mỗi năm. Tuy nhiên, phía sau tốc độ tăng trưởng ấy là một thực trạng đáng lo ngại: Thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Theo thống kê từ Hiệp hội Logistics Việt Nam, cả nước hiện đang thiếu ít nhất 300.000 lao động có trình độ chuyên môn phù hợp và tỷ lệ nhân lực được đào tạo bài bản hiện chỉ đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu thực tế.
Tăng trưởng nhanh nhưng “đói” nhân lực
Việt Nam hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó gần 4.000 là doanh nghiệp chuyên nghiệp có khả năng cung ứng dịch vụ quốc tế. Tốc độ tăng trưởng ngành logistics không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn đưa Việt Nam trở thành một trong 29 trung tâm logistics thuộc Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới. Tuy nhiên, để duy trì vị thế này, lực lượng lao động ngành logistics cần phải được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm logistics lớn nhất cả nước, mỗi năm cần tới 8.400-10.000 nhân sự mới, nhưng các trường đại học, cao đẳng hiện chỉ có thể đào tạo ra khoảng 2.500 người/năm - chưa đáp ứng nổi 30% nhu cầu.
Tại Hải Phòng, địa phương có hệ thống cảng biển và logistics phát triển mạnh, con số lao động cần đến năm 2030 là 460.000 người, nhưng nguồn cung hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 40-45% con số này.
Về chất lượng nguồn nhân lực, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Công nghiệp Việt Nam ghi nhận rằng 60-80% doanh nghiệp logistics cho rằng nhân sự hiện nay (bao gồm cả người lao động trực tiếp và cán bộ quản lý) chỉ ở mức “trung bình thấp”. Thực tế cho thấy đa số lao động ngành chưa có kiến thức toàn diện về logistics hiện đại, kỹ năng ngoại ngữ yếu, thiếu khả năng ứng dụng công nghệ, tư duy quản trị chuỗi cung ứng còn hạn chế…
Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 cho thấy, có đến 85,7% doanh nghiệp logistics phải tự đào tạo nội bộ vì không thể tuyển được nhân sự có sẵn kỹ năng phù hợp. Tỷ lệ lao động được đào tạo bài bản chỉ chiếm khoảng 5-7% tổng số nhân sự ngành. Một con số cho thấy khoảng trống đào tạo đang rất lớn.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, có tới 53,3% doanh nghiệp cho biết họ thiếu nhân sự có chuyên môn, 30% phải đào tạo lại từ đầu và chỉ 6,7% thực sự hài lòng với chất lượng nguồn nhân lực hiện có
Không chỉ thiếu nhân lực làm việc, ngành logistics còn thiếu cả đội ngũ giảng viên và chuyên gia có năng lực đào tạo chuẩn hóa. Do đó, quy mô và chất lượng đào tạo chính quy, bao gồm cả dài hạn và ngắn hạn, hiện chưa theo kịp nhu cầu thị trường. Hơn 85% doanh nghiệp buộc phải tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ theo phương thức “vừa học vừa làm”.

Ảnh minh họa
Lực hút mạnh mẽ từ các doanh nghiệp cảng biển và chuỗi cung ứng
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nguồn nhân lực Tân Cảng nhận định, hệ thống cảng biển đang mở ra một viễn cảnh tươi sáng cho ngành logistics Việt Nam. Hàng loạt dự án đầu tư mới tại các khu kinh tế ven biển, cùng với quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra nhu cầu lớn về nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực logistics và quản trị chuỗi cung ứng.
Điểm hấp dẫn lớn của ngành này là sự đa dạng nghề nghiệp: từ trung tâm điều hành, bộ phận kinh doanh, kỹ thuật, tài chính, kế toán đến hành chính - nhân sự. Với cấu trúc đa ngành, logistics không chỉ dành cho sinh viên chuyên ngành vận tải mà còn mở rộng cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp các ngành kinh tế, ngoại thương, công nghệ thông tin, và cả kỹ thuật cơ khí - điện tử.
Ông Nhã cho rằng: “Để có thể chủ động nắm bắt cơ hội, sinh viên cần trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng, tích cực thực hành thực tế, đồng thời trau dồi kỹ năng mềm và đặc biệt là cập nhật các công nghệ mới như phần mềm quản trị kho, hệ thống định vị, trí tuệ nhân tạo…”.
Việc nâng cao năng lực lao động không thể chỉ trông chờ vào các cơ sở giáo dục truyền thống. Cần một chiến lược tổng thể trong việc gắn kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các doanh nghiệp lớn nên đầu tư các trung tâm đào tạo nội bộ, phối hợp cùng trường học trong việc xây dựng chương trình đào tạo thực chiến, để sinh viên ra trường không còn “bỡ ngỡ” khi bước vào môi trường làm việc thực tế.
Một số mô hình như “học kỳ doanh nghiệp” cần được triển khai rộng rãi hơn. Cùng với đó, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề cũng là yếu tố quan trọng để tạo sức hút.
Trong thời đại chuyển đổi số, logistics không còn là công việc chỉ vận chuyển hàng hóa, mà đã trở thành một chuỗi tích hợp thông minh gồm lưu kho, điều phối, giao nhận, phân tích dữ liệu và tối ưu vận hành. Vì vậy, nhân lực không chỉ cần tay nghề mà còn phải có tư duy công nghệ và khả năng thích nghi nhanh với các nền tảng số.
Việt Nam hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động logistics, với 89% là doanh nghiệp nội địa. Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, logistics đang trở thành ngành nghề mang lại thu nhập ổn định và cơ hội thăng tiến cao. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nhân lực đang là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển bền vững. Vì vậy, giải bài toán nhân lực logistics không chỉ là trách nhiệm của các trường đào tạo, mà còn là chiến lược dài hạn mà Nhà nước, doanh nghiệp và toàn ngành cần chung tay thực hiện. Đầu tư vào con người chính là đầu tư cho tương lai của ngành và cho cả vị thế logistics Việt Nam trên bản đồ toàn cầu.