Ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông đang vươn mình đón đầu các công nghệ đột phá
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Thủy, SV tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông có khả năng phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành công nghệ cao.
Trong thời đại chuyển đổi số, ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển các lĩnh vực then chốt như giao thông thông minh, y tế số, quốc phòng công nghệ cao và đô thị thông minh. Đây là ngành học chiến lược, gắn liền với định hướng phát triển công nghiệp vi mạch và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
Nắm bắt xu thế đó, Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (UTH) đã và đang tập trung đầu tư đào tạo ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông như một mũi nhọn chiến lược, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai số.
Sinh viên có lợi thế được thực tập và kiến tập tại doanh nghiệp từ năm nhất
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thủy - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông của UTH hiện đang được cập nhật liên tục theo hướng đáp ứng yêu cầu các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thủy - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)
Trong đó, chương trình đào tạo mang tính toàn diện cả kiến thức chuyên ngành như 5G/6G, IoT, hệ thống nhúng, thiết kế vi mạch, truyền thông số, công nghệ vệ tinh, AI và bán dẫn. Kết hợp với đào tạo kỹ năng, đặc biệt đào tạo theo hướng thực tiễn đáp ứng nhu cầu xã hội từ những học phần như đổi mới sáng tạo và tư duy thiết kế, thực hành, đồ án, học kỳ doanh nghiệp.
Theo thầy Thủy, trong kỷ nguyên chuyển đổi số toàn diện, ngành Điện tử - Viễn thông không chỉ giới hạn trong lĩnh vực truyền dẫn tín hiệu truyền thống, mà đã và đang vươn mình mạnh mẽ để đón đầu các công nghệ đột phá như 5G/6G, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống nhúng, và các nền tảng điện toán đám mây.
Trước sự vận động không ngừng của công nghệ, UTH đã chủ động triển khai những chiến lược toàn diện nhằm tái cấu trúc chương trình đào tạo với thiết kế theo hướng mở, linh hoạt, tích hợp sâu, đầu tư phòng lab hiện đại, và mở rộng hợp tác doanh nghiệp. Tất cả vì mục tiêu đào tạo thế hệ kỹ sư viễn thông thích ứng linh hoạt, tư duy số hóa và sẵn sàng hội nhập toàn cầu.
“Đối với Nhà trường, thực tập và kiến tập tại doanh nghiệp từ năm nhất là điểm nổi bật của chương trình đào tạo. Hoạt động tham quan và học tập tại doanh nghiệp giúp sinh viên nhìn thấy qui trình sản xuất công nghệ hiện đại, được nghe chuyên gia giới thiệu các các dự án R&D thực tế liên quan đến lĩnh vực ngành, các tiêu chuẩn tuyển dụng ở từng vị trí việc làm để sinh viên định hướng và phấn đấu trong quá trình học tập và rèn luyện ngay từ năm đầu tiên tạo nền tản vững chắc về kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Đặc biệt, đội ngũ giảng viên của trường là các chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn. Theo đó, các chuyên gia có kinh nghiệm thực tế sẽ bắt kịp với xu hướng phát triễn và thay đổi từng ngày của công nghệ hiện nay. Nhà trường xem đây là lợi thế quan trọng để phát triển kỹ năng nghiên cứu, sáng tạo và tư duy công nghệ cao cho sinh viên, đặc biệt là theo định hướng thực tiễn những công việc, công nghệ, kỹ thuật mà các công ty đang triển khai. Đơn cử kết nối giảng dạy với thực tiễn kỹ thuật/công nghệ đang triển khai ở bên ngoài, sinh viên được tham gia các nhóm nghiên cứu chuyên đề, tổ chức workshop, cố vấn khởi nghiệp, hợp tác doanh nghiệp, phòng lab mở.
Bằng việc tận dụng thế mạnh của đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn, Nhà trường đang tạo ra một hệ sinh thái học thuật, nghiên cứu, ứng dụng linh hoạt và gắn liền với thực tế, giúp sinh viên phát triển toàn diện về tư duy, kỹ năng và tinh thần đổi mới sáng tạo”, thầy Thủy thông tin.
Đa dạng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, kỹ thuật điện tử là nền tảng cốt lõi, đóng vai trò như “phần cứng” của hầu hết các sản phẩm công nghệ hiện đại và hệ thống tự động hóa. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, đặc biệt với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), đô thị thông minh hay các giải pháp quốc phòng công nghệ cao, vai trò của kỹ thuật điện tử - viễn thông càng trở nên rõ nét. Đây là lĩnh vực có tính liên ngành cao, kết nối chặt chẽ với tự động hóa và công nghệ phần mềm để tạo ra các sản phẩm và giải pháp tích hợp, thông minh, hiệu quả.

Sinh viên UTH được trang bị thiết bị thực hành hiện đại phục vụ học tập. (Ảnh: NTCC)
Do đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông có lợi thế lớn khi sở hữu nền tảng kiến thức vững chắc, đủ khả năng tham gia và phát triển sự nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành công nghệ cao. Điểm nổi bật là sự kết hợp giữa kiến thức về phần cứng (như thiết kế mạch, hệ thống nhúng, vi điều khiển) với kỹ năng về phần mềm (lập trình, xử lý tín hiệu, trí tuệ nhân tạo). Sự giao thoa giữa hai mảng này không chỉ giúp sinh viên linh hoạt trong môi trường làm việc, mà còn khiến họ trở thành những ứng viên được các nhà tuyển dụng săn đón.
“Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành này không chỉ giới hạn ở các tập đoàn công nghệ lớn, mà còn đến từ các công ty khởi nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và các dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghiệp quốc phòng, giao thông thông minh, năng lượng tái tạo…
Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao để phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp bán dẫn, tự động hóa, quốc phòng công nghệ cao, kỹ thuật điện tử - viễn thông được xem là lĩnh vực đào tạo chiến lược. Đây cũng là ngành học không ngừng phát triển, liên tục đổi mới, luôn đòi hỏi sự cập nhật và sáng tạo, nhưng đồng thời mang đến nhiều cơ hội rộng mở cho người học.
Đầu tư vào đào tạo kỹ thuật điện tử - viễn thông là đầu tư cho nền tảng công nghệ lâu dài. Sinh viên có thể không chỉ làm việc tại các đô thị lớn mà còn có khả năng mang công nghệ về phục vụ địa phương, góp phần xây dựng nền kinh tế số một cách bền vững và toàn diện”, thầy Thủy nêu quan điểm.
Hiện nay, một số quan điểm cho rằng dù ngành học gắn với xu thế công nghệ, nhưng cơ hội việc làm chất lượng cao vẫn chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn hoặc doanh nghiệp nước ngoài, khiến sinh viên vùng xa thiệt thòi.
Bày tỏ về vấn đề này, thầy Thủy cho biết: “Bên cạnh việc đào tạo kiến thức chuyên môn một cách bài bản, Nhà trường đặc biệt chú trọng rèn luyện cho sinh viên các kỹ năng mềm, khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc thực tế. Sinh viên sau khi ra trường không chỉ có thể làm việc trong các doanh nghiệp lớn mà còn đủ năng lực để tự phát triển hướng đi riêng, thậm chí khởi nghiệp tại chính quê hương mình.
Để cụ thể hóa mục tiêu này, Nhà trường đã triển khai nhiều chương trình ươm mầm khởi nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên phát triển các ý tưởng, sản phẩm và giải pháp ứng dụng công nghệ vào đời sống thực tiễn. Những đề tài được khuyến khích tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh, an ninh, giám sát, năng lượng tái tạo… Sinh viên có thể hiện thực hóa ý tưởng thông qua đồ án tốt nghiệp, luận văn, sáng kiến cá nhân hoặc các hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhà trường mong muốn sinh viên không chỉ học để làm, mà còn học để giải quyết những vấn đề cụ thể của địa phương”.
Ngoài ra, thầy Thủy bày tỏ, Nhà trường cũng chú trọng phát triển hệ thống cố vấn nghề nghiệp và xây dựng mạng lưới cựu sinh viên để tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các thế hệ học trò. Theo thầy Thủy, đây là nguồn cảm hứng và cũng là kênh hỗ trợ thiết thực để các sinh viên mới tốt nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm cơ hội việc làm, kết nối cộng đồng, hoặc cùng phát triển các dự án công nghệ tại địa phương.
Nhờ những nỗ lực đó, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã lựa chọn quay trở về quê hương để khởi nghiệp, mở doanh nghiệp công nghệ nhỏ, hoặc góp phần cải tiến quy trình sản xuất, quản lý tại các cơ sở địa phương. Đây là minh chứng cho thấy, nếu được định hướng đúng và có sự hỗ trợ phù hợp, sinh viên ở vùng xa hoàn toàn có thể tiếp cận tri thức hiện đại, làm chủ công nghệ và xây dựng tương lai ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
"Ngoài việc đào tạo kiến thức chuyên ngành vững vàng, Nhà trường còn chú trọng đến kỹ năng để sinh viên ra trường có thể thích ứng với môi trường làm việc.
Nhà trường có các chương trình ươm mầm khởi nghiệp, hỗ trợ sinh viên phát triển các sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề tại địa phương như nông nghiệp thông minh, thành phố thông minh, an ninh, giám sát, năng lượng tái tạo thông qua các Đồ án, luận văn, sáng kiến, nghiên cứu khoa học…
Bên cạnh đó, Nhà trường xây dựng hệ thống cố vấn nghề nghiệp và mạng lưới cựu sinh viên. Đây là nguồn cảm hứng và hỗ trợ thực tế để các sinh viên mới tốt nghiệp có thể kết nối, tìm việc hoặc cùng phát triển dự án công nghệ tại địa phương”, thầy Thủy nhấn mạnh.