Ngành GTVT cần làm gì để thực hiện vai trò tiên phong trong mục tiêu NetZero 2050? (Bài 4)

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực giao thông môi trường, ngành giao thông vận tải muốn phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ công nghệ, chính sách, đến giáo dục cộng đồng.

Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, mục tiêu đến năm 2040, tại Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Nếu thực hiện đúng theo kế hoạch đã đề ra, ngành giao thông vận tải sẽ đi đầu trong việc cắt giảm khí thải nhà kính, góp phần hoàn thành cam kết của Chính phủ tại COP26.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế đã có những ý kiến, giải pháp cho việc thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP 26. Nhìn nhận dưới góc độ nghiên cứu lâu năm về lĩnh vực môi trường, Tiến sĩ. Bùi Thị Thanh Hương - Phó Trưởng ban CLB Các nhà khoa học của ĐHQGHN, giảng viên Bộ môn Biến đổi khí hậu và Khoa học bền vững (Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trước tiên ta cần hiểu Netzero hay phát thải ròng bằng 0 là gì? Nói một cách đơn giản là phát thải ròng bằng 0 là ta không thêm lượng khí thải mới vào bầu khí quyển. Có thể tiếp tục được phát thải nhưng có thể được cân bằng bằng cách hấp thụ một lượng tương đương từ bầu khí quyển.

Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) diễn ra tại Expo City, Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với chủ đề "Gắn kết - hành động - hiệu quả” Việt Nam một lần nữa đã cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Trong khi đó, cam kết mục tiêu Net Zero của Hoa Kỳ là vào năm 2050, Ấn Độ là 2070, Trung Quốc và Nga là vào năm 2060. Mục tiêu Netzero 2050 được Chính phủ Việt Nam tập trung vào những vấn đề cụ thể như sau:

 Cam kết của Việt Nam về NetZero vào năm 2050.

Cam kết của Việt Nam về NetZero vào năm 2050.

Ngày 11/9/2020, Việt Nam, quốc gia thứ 12 gửi cam kết về phát thải ròng chống biến đổi khí hậu lên hôi đồng các quốc gia tự quyết (NDC) đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và 27% lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực quốc tế, đồng thời đặt mục tiêu đến 2030 chấm dứt chặt phá rừng, đến 2040 chấm dứt sản xuất điện than và đến 2050 đạt phát thải cacbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Vị này chia sẻ, hiện nay, tổng phát thải từ hoạt động giao thông vận tải lên đến 33,2 triệu tấn CO2 (trong đó, phát thải giao thông đường bộ chiếm 86%, đường sắt, đường thủy và đường hàng không chiếm 14%), (theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, 2022). Với khoảng 30 triệu mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông và mỗi năm có hơn 3 triệu mô tô, xe máy được lắp ráp, sản xuất mới, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng nhiều mô tô, xe gắn máy nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Khí thải từ lực lượng giao thông cơ giới hùng hậu này đã và đang đã góp phần làm thay đổi khí hậu toàn cầu và gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng …Khí thải nhà kính và bụi từ các hoạt động giao thông vận tải là góp phần lớn nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, một trong những thành phố đứng đầu thế giới về ô nhiễm bụi mịn, với chỉ số AQI trên 150 trong những tháng cuối năm.

Cũng như nhiều nước khác khu vực Đông Nam Á (ASEAN), phát thải khí nhà kính của Việt Nam có khoảng 30% từ ngành điện, 30% từ công nghiệp và 10% từ hoạt động giao thông vận tải. McKinsey - một trong ba công ty tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới của Hoa Kỳ vừa cập nhật báo cáo tựa đề “Hoạch định lộ trình hoàn thành mục tiêu phát thải Net zero cho Việt Nam”. McKinsey chia nguồn khí nhà kính thành 7 lĩnh vực: Nông nghiệp; công trình xây dựng; công nghiệp; năng lượng; giao thông vận tải; quản lý chất thải; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF). Trong đó, 3 lĩnh vực điện, công nghiệp và giao thông vận tải được coi là 3 ngành gây phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.

Hiến kế cho ngành giao thông vận tải giữ vai trò tiên phong cho mục tiêu NetZero của Chính phủ vào năm 20250, TS.Bùi Thị Thanh Hương cho rằng, ngành giao thông vận tải phải thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, chính là chuyển đổi các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu sinh học, hydrogen, amoniac, xăng tổng hợp, …; phát triển giao thông công cộng như: giao thông đường sắt cao tốc trước năm 2040 và chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon, khí mê-tan trong lĩnh vực hàng hải.

Theo bà Hương, ngành giao thông vận tải cần triển khai đồng loạt các hệ thống các giải pháp như:

Giảm thiểu tối đa và tiến tới cấm hình thức giao thông xe máy cá nhân chạy bằng nhiên liệu hóa thạch tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là các loại xe cũ nát, phát thải nhiều khí nhà kính. Xe máy/xe đạp điện cá nhân được khuyến khích tham gia vào các dịch vụ hỗ trợ lưu thông cá nhân trong thành phố như: Chuyển phát, xe ôm công nghệ… song cũng cần phần luồng thời gian vận chuyển của loại hình giao thông này để hạn chế nguy cơ tắc đường trong các giờ cao điểm.

Điều quan trọng là nâng cao nhận thức của cộng đồng. Văn hóa “nói không với phát thải khí nhà kính từ phương tiện giao thông” cần được hình thành và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Khí có văn hóa này, mỗi người sẽ tự biết cách giảm thiểu khí nhà kính trong quá trình lựa chọn hình thức di chuyển phù hợp với điều kiện thực tế. Ở nhiều nước phát triển, họ đã hình thành văn hóa làm việc từ xa, làm việc từ nhà để hạn chế việc tham gia giao thông vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông. Giao thông xe điện công cộng (BEV- Battery Electric Vehicle) như xe bus điện cỡ lớn, cỡ trung, cỡ nhỏ sẽ dần được thay thế các phương tiên giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Để nâng cao tính hiệu dụng của mô hình xe điện công cộng (đặc biệt loại hình bus cơ nhỏ) cần gắn giải pháp này với Ứng dụng (App), ghép xe ghép chuyến, xe chung để hình thành thói quen đi xe chung, xe công cộng và giảm thiểu loại hình giao thông cá nhân.

Công nghệ sẽ là chìa khóa nhằm tối ưu hiệu quả của giao thông xe điện công cộng. Các thành phố lớn của Việt Nam có thể hi vọng về một tương lai bớt tắc đường hơn nếu có sự hỗ trợ của công nghệ. Ví như công nghệ NFC/RFID cần được ứng dụng rộng rãi hỗ trợ tích hợp thanh toán cho mọi loại hình giao thông công cộng trong thành phố. Ví như công nghệ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ các cá nhân lựa chọn loại hình, phương tiện và tuyến di chuyển tối ưu. Thực ra, đề xuất này không còn là ý tưởng mà đã có nhiều công ty phần mềm đã thương mại hóa ứng dụng này ở nhiều nước trên thế giới. Bài toán cần lời giải của các nhà quản lý các phương tiện giao thông công cộng của Việt Nam.

 Khí thải từ xe mô tô - xe máy cũ nát gây ô nhiễm môi trường.

Khí thải từ xe mô tô - xe máy cũ nát gây ô nhiễm môi trường.

Ở một khía cạnh khác, vấn đề giảm phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải mà nhiều chuyên gia cũng quan tâm, trăn trở đó là giảm giải quyết bài toán phát thải khí nhà kính từ các phương tiện mô tô xe máy đã cũ nát vẫn được sử dụng hiện nay.

Theo số liệu trong Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021, tính đến hết năm 2021, trên phạm vi cả nước có trên 4.512.500 xe ô tô và hàng chục triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành. Còn theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đến hết năm 2022, tổng số lượng xe máy đạt 72,7 triệu xe. Tại Hà Nội hiện có hơn 6 triệu xe máy, trong đó, gần 3 triệu xe máy cũ sản xuất trước năm 2000. TP.HCM có khoảng 7,8 triệu xe máy, trong đó lượng xe cũ sử dụng trên 10 năm chiếm 67,89%. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các trung tâm đô thị thường tăng cao vào thời điểm tập trung nhiều phương tiện giao thông trong ngày như đầu giờ đi làm buổi sáng và giờ tan tầm.

Là một chuyên gia từng nhiều lần đóng góp ý kiến về câu chuyện giảm thiểu ô nhiễm từ khí thải của các phương tiện mô tô xe máy cũ nát, Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, guyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đánh giá, phương tiện cũ nát là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, việc hạn chế những chiếc xe cũ nát thải nhiều khí độc hại ra môi trường là điều cần thiết. Tuy nhiên, để kiểm soát cũng như thu hồi các phương tiện cũ nát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường phải có biện pháp đồng bộ toàn diện và theo lộ trình chứ không thực hiện nửa vời.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) nhận định, Chính phủ đã đưa ra cam kết mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và ngành Giao thông vận tải là trong những ngành có tỉ lệ phát thải cao cần phải vào cuộc ngay. Và một trong những vấn đề mà PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đề cập là câu chuyện khí thải của những xe máy cũ nát.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, việc xử lý xe máy cũ nát gây ô nhiễm môi trường cũng được Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm. Ở đây, chúng ta đánh giá qua 3 góc độ, môi trường – xã hội và kinh tế.

Ở góc độ xã hội, chúng ta phải nhìn nhận những người sử dụng các xe máy cũ nát này đa phần đều là người không có điều kiện, dùng phương tiện để vận chuyển hàng hóa kiếm kế sinh nhai và nguồn thu nhập không cao. Và các loại phương tiện này không đảm bảo an toàn khi tham gia lưu thông. Ở khía cạnh môi trường, các loại phương tiện này không đảm bảo về mỹ quan, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường, gây phản cảm đối với bộ mặt đô thị. Cuối cùng là vấn đề kinh tế, các loại phương tiện này có giả rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng người dân. Tuy nhiên các loại phương tiện này lại gây ra ô nhiễm và đặt ra câu chuyện thu hồi nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Dưới góc nhìn quản lý, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, khi một chính sách đưa ra thì có 3 vấn đề cần tính đến. Thứ nhất là chính sách đó ban hành có phù hợp hay không? Thứ hai là có thực thi được hay không? Và cuối cùng là vấn đề thanh kiểm tra việc thực thi đó để biết được có thực hiện tốt từ đầu hay không, mục tiêu cuối cùng là để quản lý tốt.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, ở khía cạnh kinh tế, nếu loại bỏ các phương tiện cũ nát đó thì chúng ta thay thế bằng phương tiện gì? Những người yếu thế hoặc sử dụng các phương tiện xe cũ nát đó, ta xem họ là những ai, điều kiện kinh tế như thế nào? Và khi chúng ta thu hồi phương tiện cũ nát họ được thay thế bằng xe gì? Một số nước như Đức, khi thay thế phương tiện cũ nát người ta có cơ chế tài trợ cho những người mua xe mới, sử dụng công nghệ xanh, xe điện. Từ cơ chế tái chế đó, những xe mới phù hợp với người dân có các loại hình công việc đặc thù như chở hàng, chở khách, chở đồ cồng kềnh...

Đưa ra giải pháp về vấn đề xe cũ nát gây ô nhiễm môi trường ở các đô thị, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, ngành giao thông vận tải phải có quy chế, quy chuẩn để xác định loại xe nào là cũ nát bằng cách bắt buộc kiểm tra hết các xe đang còn tham gia giao thông, và có thể thu phí kiểm định như xe ô tô với chi phí hợp lý. Xe nào đạt điều kiện thì tiếp tục sử dụng, xe nào không đạt thì đưa vào danh sách, thống kê xem có bao nhiêu xe cũ nát hiện nay đang tồn tại ở các địa phương và trên cả nước để từ đó có biện pháp giải quyết. Việc thống kê này rất quan trọng, là cơ sở để xác định việc thay thế số lượng các xe, và số lượng như thế có đáp ứng được không?. Sau khi ban hành chính sách thì kiên quyết làm, nếu đi trên đường vẫn phát hiện ra xe cũ nát sẽ bị xử lý.

Ngoài ra, những đối tượng chịu ảnh hưởng từ quyết định chuyển đổi xe cũ nát thường là những người chưa có điều kiện. Vậy nhà nước phải có cơ chế để hỗ trợ cho người dân để họ cùng thực hiện. Các địa phương phải xem xét để đưa ra mức hỗ trợ người dân cao nhất có thể, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, để người dân hiểu và chủ động chuyển đổi với sự hỗ trợ từ nhà nước, các doanh nghiệp đồng hành. Nếu không, bản thân người dân đã khó khăn lại thêm phần khó khăn.

Đã có nhiều ý kiến chuyên gia xoay quanh câu chuyện xử lý các xe mô tô xe máy cũ nát gây ô nhiễm môi trường được bàn thảo tại nhiều diễn đàn trong thời gian qua. Theo đó, đã đến thời điểm chúng ta phải bắt tay vào thực hiện việc xử lý các loại phương tiện cũ nát, gây ô nhiễm môi trường này. Tuy sẽ có những khó khăn bước đầu, nhưng để giảm ô nhiễm môi trường, đây là một trong những điều bắt buộc phải làm.

Nội dung: Doãn Kiên - Quang Sơn

Thiết kế: Hải An

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nganh-gtvt-can-lam-gi-de-thuc-hien-vai-tro-tien-phong-trong-muc-tieu-netzero-2050-bai-4-89844.html
Zalo