Ngành di động Việt Nam hồi sinh sau cắt sóng 2G

Nỗ lực từ chính phủ, nhà mạng và các hãng điện thoại giúp quá trình chuyển đổi 2G sang 4G tại Việt Nam diễn ra suôn sẻ.

 Một mẫu điện thoại cơ bản thương hiệu HMD. Ảnh: Mobigyaan.

Một mẫu điện thoại cơ bản thương hiệu HMD. Ảnh: Mobigyaan.

Tháng 12/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kế hoạch tắt sóng 2G tại Việt Nam từ tháng 9/2024. Tuy nhiên, chính phủ lùi thời điểm tắt sóng 2G thêm một tháng để đảm bảo nhu cầu thông tin sau bão Yagi.

Việc loại bỏ các công nghệ cũ như 2G là một phần trong mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam. Trong tương lai, những băng tần 900 và 1.800 MHz sử dụng bởi 2G sẽ được quy hoạch cho công nghệ 4G/5G. Sau đợt chuyển đổi, doanh số điện thoại bán ra trong nước tăng trưởng đáng kể.

Nỗ lực từ nhiều bên

Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, các nhà mạng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dùng chuyển từ 2G lên 4G/5G.

“Các nhà mạng trợ giá khi mua điện thoại 4G, cung cấp gói cước cho người chuyển từ 2G. Một số nhà mạng còn hỗ trợ 100% chi phí chuyển từ thiết bị 2G lên 4G”, các nhà phân tích cho biết.

Hãng nghiên cứu liệt kê chương trình hỗ trợ chuyển lên 4G của một số nhà mạng phổ biến. Trong đó, Viettel miễn phí nâng cấp điện thoại 4G cho người dùng 2G, với điều kiện sử dụng gói cước 4G của nhà mạng này 6 tháng trở lên.

Điện thoại 4G cung cấp bởi Viettel gồm máy cơ bản hoặc smartphone giá rẻ, chẳng hạn như Samsung Galaxy A04e và A05. Lựa chọn khác là giảm giá 50% (tối đa 1,1 triệu đồng) khi mua smartphone 4G.

“Viettel Telecom thành lập 10.000 điểm đổi trả trên toàn quốc, hợp tác với những nhà bán lẻ như TGDĐ. Nhà mạng này đã chi 300 tỷ đồng để tặng điện thoại 4G cho 700.000 thuê bao 2G”, bài viết của Counterpoint Research nhấn mạnh.

Trong khi đó, Mobifone có các chương trình ưu đãi như đổi SIM 4G miễn phí, tặng gói cước và điện thoại cơ bản hỗ trợ 4G.

 Thị phần các mẫu điện thoại hỗ trợ 4G và 5G tại Việt Nam. Ảnh: Counterpoint Research.

Thị phần các mẫu điện thoại hỗ trợ 4G và 5G tại Việt Nam. Ảnh: Counterpoint Research.

Về phía nhà bán lẻ, giới phân tích cho rằng đây không chỉ là cơ hội tăng doanh số, mà còn giúp xả hàng tồn kho với smartphone 4G cũ và điện thoại 4G cơ bản.

Trong đó, TGDĐ khuyến khích người dùng đổi điện thoại 2G, lấy voucher mua SIM 4G trị giá 480.000 đồng. Loại SIM cho phép truy cập Facebook, YouTube và TikTok không giới hạn dung lượng, kèm 1 GB dữ liệu/ngày trong 3 tháng đầu.

FPT Shop cũng triển khai chương trình đổi điện thoại 2G sang 4G với ưu đãi tối đa 600.000 đồng. Các kệ hàng tại đây cũng trưng bày nhiều smartphone 4G và giá rẻ so với trước đây.

Thúc đẩy phân khúc smartphone giá rẻ

Nỗ lực từ chính phủ, nhà mạng và hãng điện thoại đã thành công trong việc đưa lượng thuê bao 2G tại Việt Nam xuống dưới 800.000 tính đến tháng 10.

Theo Counterpoint Research, 4G cũng là bước đệm để người dùng chuyển sang 5G khi công nghệ mới ngày càng phổ biến.

Để đạt điều này, các bên liên quan đã khuyến khích phân phối, sử dụng smartphone giá rẻ hoặc điện thoại cơ bản với 4G, từ đó tăng cường sự thâm nhập của 4G vào thị trường di động.

 Thị phần smartphone theo phân khúc giá tại Việt Nam. Ảnh: Counterpoint Research.

Thị phần smartphone theo phân khúc giá tại Việt Nam. Ảnh: Counterpoint Research.

Động thái tắt sóng 2G cũng mang lợi ích đến nhà mạng. Việc chuyển từ 2G sang 4G giúp cải thiện doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU). “Trong 3 quý đầu năm, Tập đoàn Viettel công bố lợi luận trước thuế khoảng 250 triệu USD, tăng 162% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà bán lẻ smartphone lớn trong nước như TGDĐ và CellphoneS báo cáo doanh số smartphone giá rẻ tăng 30-40% mỗi tháng tại một số cửa hàng”, bài viết của Counterpoint Research cho biết.

Nhờ tắt 2G, doanh số smartphone giá rẻ quý III tại Việt Nam được cải thiện. Phân khúc dưới 5 triệu đồng ghi nhận doanh số tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm thị phần cao nhất kể từ quý I/2022 với 51%.

Trong phân khúc này, Xiaomi có thị phần cao nhất (27%) nhờ Redmi 13 và Redmi 14C. Oppo ghi nhận doanh số tăng 96% trong phân khúc dưới 5 triệu với các model A3x.

 Một mẫu smartphone giá rẻ hỗ trợ 4G. Ảnh: Notebookcheck.

Một mẫu smartphone giá rẻ hỗ trợ 4G. Ảnh: Notebookcheck.

Yếu tố kinh tế cũng có lợi cho người dùng Việt Nam, mức tăng trưởng GDP trong năm phấn đấu đạt 7%. Tổng doanh số bán lẻ ngành tiêu dùng và dịch vụ 10 tháng đầu năm đạt trên 200 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Những yếu tố thuận lợi này cũng tạo điều kiện để các nhà mạng ra mắt dịch vụ 5G được mong chờ từ lâu tại Việt Nam, với Viettel là nhà mạng triển khai đầu tiên”, các nhà phân tích nhấn mạnh.

Nhìn chung, tắt sóng 2G được xem là cột mốc quan trọng với hệ sinh thái kỹ thuật số của Việt Nam. Điều kiện kinh tế thuận lợi, nỗ lực từ các OEM, nhà mạng và chính phủ đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.

Trong những tháng tiếp theo, Counterpoint Research dự đoán thị phần smartphone 4G tại Việt Nam vẫn cao, các OEM sẽ tìm cách xả bớt máy 4G giá rẻ còn tồn kho.

“Việt Nam đạt mục tiêu phủ 99% mạng 5G vào năm 2030. Việc thương mại hóa 5G được kỳ vọng thúc đẩy nền kinh tế số, khiến các hãng điện thoại sớm ra mắt nhiều smartphone 5G hơn”, bài viết nhận định.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/thi-truong-di-dong-viet-nam-sau-2-thang-tat-song-2g-post1517872.html
Zalo