Ngành công nghiệp Mỹ bị tác động gì khi ông Trump dọa áp thuế lên dầu mỏ?

Lời hứa của Tổng thống Mỹ về việc áp đặt mức thuế 25% lên các mặt hàng nhập khẩu dầu từ Canada và Mexico đang khiến các chuyên gia lo ngại về việc giá năng lượng sẽ tăng và căng thẳng thương mại tại Bắc Mỹ có thể leo thang.

Ông Donald Trump thăm và việc làm tại nhà máy lọc dầu Andeavor ở Bắc Dakota. Ảnh AP

Ông Donald Trump thăm và việc làm tại nhà máy lọc dầu Andeavor ở Bắc Dakota. Ảnh AP

Những tuyên bố gần đây của ông Donald Trump khi hứa hẹn sẽ áp đặt thuế quan 25% lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico ngay từ ngày đầu nhậm chức vào năm 2025, đã gieo rắc sự bất ổn vào ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. Mặc dù những biện pháp này được đưa ra như một công cụ đàm phán, nhưng các chuyên gia đã bắt đầu tranh luận về những tác động kinh tế đối với lĩnh vực năng lượng.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), vào tháng 7 năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu một lượng dầu kỷ lục lên đến 4,3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Canada. Lượng nhập khẩu này chiếm gần 50% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ, đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của các nhà máy lọc dầu ở đất nước này. Nếu các mức thuế mới được áp dụng mà không có bất kỳ miễn trừ nào, nó có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể chi phí cho các cơ sở này, và tiềm ẩn làm tăng giá xăng dầu cho người tiêu dùng Mỹ.

Một công cụ đàm phán gây ra nhiều ý kiến trái chiều

Cách tiếp cận của Donald Trump khi đưa ra các biện pháp mạnh mẽ như một điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán thương mại không phải là điều mới lạ. Năm 2026, Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), sẽ được xem xét lại một cách bắt buộc. Những đe dọa áp thuế của ông Trump có thể được sử dụng như một công cụ đàm phán để đạt được các nhượng bộ trong khuôn khổ này.

Tuy nhiên, đã có những ý kiến lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn của chiến lược này. “Đây là một phương thức gây áp lực, nếu được thực hiện, có thể gây xáo trộn nghiêm trọng đến thị trường năng lượng”, William Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết. Theo ông, các miễn trừ đối với các sản phẩm năng lượng, đặc biệt là dầu thô và các sản phẩm lọc dầu, là điều cần thiết để hạn chế tác động kinh tế.

Ngành công nghiệp kêu gọi duy trì tự do thương mại

Các nhà hoạt động trong ngành dầu khí Mỹ đã bày tỏ sự phản đối đối với các biện pháp bảo hộ có thể làm tăng chi phí cung ứng và giảm tính cạnh tranh của ngành. Scott Lauermann, phát ngôn viên của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác năng lượng với Canada và Mexico, khẳng định rằng "việc duy trì tự do thương mại là rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Bắc Mỹ và người tiêu dùng Mỹ".

Các nhà máy lọc dầu của Mỹ, đặc biệt là ở khu vực PADD 2 (Trung Tây), phụ thuộc rất nhiều vào dầu thô của Canada, vì đây một nguồn cung cấp khó thay thế do thành phần đặc biệt của nó. Theo Bob McNally, Chủ tịch của Rapidan Energy Group, mức thuế 25% sẽ dẫn đến việc tăng giá xăng dầu, đặc biệt là ở các bang Trung Tây, làm tăng áp lực kinh tế lên các hộ gia đình.

Quy trình miễn trừ phức tạp

Mặc dù các miễn trừ được cho là có khả năng xảy ra, nhưng việc thực hiện chúng vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Các doanh nghiệp sẽ phải trải qua một quá trình phức tạp và tốn kém để có được các giấy phép miễn trừ, điều này có thể khiến một số doanh nghiệp chùn bước. Josh Zive, chuyên gia pháp lý tại Bracewell LLP, giải thích: "Quy trình miễn trừ thường được coi là một gánh nặng bổ sung, với tỷ lệ bị từ chối cao".

Hiện tại, các nhà quan sát hy vọng rằng các cuộc tham vấn giữa ngành năng lượng và chính quyền Trump sẽ giúp tránh được các loại thuế này. Tuy nhiên, điều chắc chắn duy nhất là sự bất ổn trong các chính sách thương mại của Mỹ sắp tới, buộc các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau.

H.Phan

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nganh-cong-nghiep-my-bi-tac-dong-gi-khi-ong-trump-doa-ap-thue-len-dau-mo-721301.html
Zalo