Ngành công nghiệp kim cương đã mất đi sự hào nhoáng như thế nào

Trái Đất phải mất hơn một tỷ năm để tạo nên một viên kim cương, nhưng kim cương nhân tạo có thể được tạo ra chỉ trong vòng một tuần.

Hơn 70% kim cương nhân tạo dùng làm trang sức trên thế giới có nguồn gốc từ một nhà máy ở Trung Quốc, trong đó Hà Nam là trung tâm của ngành công nghiệp kim cương tổng hợp.

Đối với ngành kim cương tự nhiên, sự bùng nổ của kim cương nhân tạo đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Sự bùng nổ của kim cương nhân tạo trên thị trường trang sức toàn cầu diễn ra đồng thời với sự sụt giảm nhu cầu, khiến giá kim cương tự nhiên cỡ nhỏ giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.

Marty Hurwitz, người đứng đầu Tổ chức Thương mại Kim cương Nhân tạo cho biết, kim cương nhân tạo “là một sự gián đoạn lớn. Ban đầu, những người trong ngành không tin điều đó, và sau đó, họ không thể chấp nhận nó. Đây là sản phẩm cạnh tranh đầu tiên mà kim cương khai thác phải đối mặt”.

Sự xuất hiện của kim cương nhân tạo

Kim cương nhân tạo lần đầu tiên xuất hiện trong ngành trang sức hơn một thập kỷ trước. Mặc dù công nghệ sản xuất kim cương đã được nắm bắt từ những năm 1950, nhưng những tiến bộ gần đây đã giúp việc nuôi cấy kim cương phù hợp để làm trang sức trở nên rẻ hơn.

Theo nhà phân tích Paul Zimnisky, hiện nay, một viên kim cương nhân tạo 3 carat chỉ được bán với giá bằng 7% giá kim cương khai thác tương đương. Và dữ liệu từ công ty tư vấn Tenoris cho thấy kim cương nhân tạo đã chiếm 17% thị phần bán lẻ tại Mỹ về khối lượng, tăng từ mức chỉ 3% vào năm 2020.

“Điều này trông giống như sự cạnh tranh mang tính sống còn giữa các công ty kim cương tự nhiên”, Ben Davis, chuyên gia phân tích tại RBC cho biết. Đối với những công ty này, một số đã trải qua hàng thế kỷ chiến tranh thương mại, chiến tranh thực sự, suy thoái, đại dịch, và vấn đề hiện tại đang đặt ra thách thức sống còn nhất từ trước đến nay.

"Đối với thị trường kim cương tự nhiên truyền thống, đây là một thảm họa", Fei Liu, một thợ kim hoàn tại Anh cho biết.

Ngành công nghiệp kim cương phát triển mạnh ở Trung Quốc

Sự chuyển hướng sang kim cương của Trung Quốc bắt đầu không phải từ nhu cầu trang sức cao cấp mà từ địa chính trị. Vào đầu những năm 1960, Nga đã cắt đứt nguồn cung cấp kim cương công nghiệp quan trọng cho các ứng dụng quân sự của Trung Quốc. Do không có trữ lượng tự nhiên lớn, Trung Quốc đã chuyển sang sản xuất kim cương tổng hợp, sản xuất viên kim cương nhân tạo đầu tiên vào năm 1963.

Đến những năm 1980, ngành công nghiệp này đã bén rễ ở Hà Nam, và tại đây nhanh chóng trở thành trung tâm của ngành công nghiệp kim cương Trung Quốc.

Kim cương sở hữu sự kết hợp độc đáo các tính chất vật lý khiến chúng trở nên có giá trị trong vô số ứng dụng. Được làm từ carbon nguyên chất, chúng là một trong những vật liệu cứng nhất trên Trái Đất.

Trong nhiều năm, các nhà máy ở Chiết Thành, Hà Nam đã sản xuất kim cương cho mục đích công nghiệp, chẳng hạn như dụng cụ cắt, mũi khoan và bột mài kim cương.

"Trung Quốc đã là nhà sản xuất kim cương tổng hợp lớn nhất thế giới cho các ứng dụng mài mòn trong nhiều thập kỷ", nhà phân tích Paul Zimnisky cho biết.

Chỉ trong thập kỷ qua, các công ty mới chuyển hướng sang kinh doanh trang sức có biên lợi nhuận cao hơn.

Ngày nay, hầu hết kim cương tổng hợp được khai thác ở Trung Quốc bằng "phương pháp áp suất cao, nhiệt độ cao". Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà sản xuất sử dụng "phương pháp lắng đọng hơi hóa học" cho những viên đá quý lớn hơn, phương pháp này tạo ra kim cương từng lớp trong buồng vi sóng.

Sau khi được xử lý sơ bộ, những viên đá được vận chuyển đến Surat, Ấn Độ - thủ phủ đánh bóng kim cương của thế giới - có chi phí nhân công thấp hơn. Từ đó, kim cương được vận chuyển đến các trung tâm giao dịch như Antwerp hoặc Dubai trước khi được bán lẻ.

Trong khi đó, rất ít người tiêu dùng nhận ra Trung Quốc đã trở thành trung tâm của ngành thương mại kim cương toàn cầu như thế nào, vì quy ước dán nhãn hải quan thường ghi nguồn gốc của kim cương là quốc gia nơi nó được đánh bóng, chứ không phải nơi nó được nuôi cấy hoặc khai thác.

Ngành công nghiệp kim cương của Trung Quốc cũng có tầm quan trọng chiến lược do được sử dụng trong các thiết bị quân sự và quốc phòng. Norinco, nhà sản xuất vũ khí nhà nước của Trung Quốc, vận hành một doanh nghiệp kim cương nhân tạo bên cạnh các hoạt động quốc phòng, với thương hiệu trang sức riêng.

Các đặc tính về độ cứng, độ dẫn nhiệt và tính trơ hóa học khiến kim cương trở thành một vật liệu hữu ích trong một loạt ứng dụng công nghệ cao - từ laser và quang học, đến phản ứng tổng hợp hạt nhân và thậm chí cả chất bán dẫn.

Mặc dù nhiều ứng dụng này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, nhưng các ứng dụng công nghệ của kim cương tổng hợp dự kiến sẽ phát triển trong những năm tới.

Cuộc cạnh tranh về giá

Năm 2018, De Beers đã thành lập công ty kim cương nhân tạo là Lightbox Jewelry, chuyên sản xuất và kinh doanh kim cương nhân tạo. Một phần trong kế hoạch này là tạo ra một thị trường phân nhánh, đảm bảo duy trì sức hấp dẫn xa xỉ của kim cương tự nhiên đắt tiền trong khi có thể vẫn cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh đa phân khúc.

Chính điều này đã châm ngòi cho một cuộc chiến về giá, kéo theo giá kim cương tự nhiên giảm xuống, đồng thời bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nhu cầu do tỷ lệ kết hôn thấp hơn trong đại dịch. Đến cuối năm 2024, lượng kim cương tồn kho tích lũy của De Beers đã lên tới 2 tỷ USD, là mức tồn kho lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Năm 2020, giá bán lẻ của một viên kim cương nhân tạo 3 carat là khoảng 28.900 USD, chỉ bằng khoảng một nửa so với giá trị tương đương của kim cương tự nhiên. Theo dữ liệu của nhà phân tích Paul Zimnisky, đến quý II/2025, mức giá đó đã giảm xuống chỉ còn 3.900 USD, bằng 1/8 so với mức trước đó.

Khi các công ty Trung Quốc cải tiến công nghệ và hạ giá bán lẻ, Lightbox đã mất đi lợi thế. Đơn vị này đã ngừng hoạt động trong năm nay.

Trong khi đó, giá kim cương ở Trung Quốc đã xuống thấp đến mức chính phủ phải can thiệp. Tại Hà Nam, chính quyền tỉnh đang đứng sau việc thành lập một hiệp hội kim cương mới - một động thái phản ánh nỗ lực kiểm soát các cuộc chiến về giá như trong các lĩnh vực khác như xe điện. Một trong những động thái đầu tiên của hiệp hội vào tháng 3 là đặt mức giá tối thiểu 15 USD/carat cho kim cương thô nặng từ 1 - 10 carat. Chính sách này nhằm mục đích thiết lập một mức độ trật tự nhất định trong một lĩnh vực mà chi phí gia nhập đã giảm nhưng tình trạng dư thừa công suất và cạnh tranh đang đe dọa sự tồn tại của một số doanh nghiệp đã thành lập.

David Kellie, Giám đốc điều hành Hội đồng Kim cương Thiên nhiên thừa nhận thách thức mà kim cương nhân tạo đặt ra, nhưng cho biết nguyên nhân thực sự của sự sụt giảm giá là do sự mất cân bằng giữa cung và cầu sau đại dịch.

“Ngành công nghiệp này có lịch sử trải qua những thăng trầm…Chúng ta đã có một đỉnh cao rất lớn, và giờ đây chúng ta đang trải qua một đáy sâu hơn bất kỳ năm nào trước đây”, ông cho biết.

Nhu cầu tiêu dùng bùng nổ như mong đợi từ Trung Quốc sau đại dịch Covid đã không bao giờ thành hiện thực. Nguồn cung toàn cầu từ các mỏ đã giảm, nhưng không đủ nhanh để bắt kịp với sự sụt giảm nhu cầu.

Hơn nữa, sự xuất hiện của kim cương nhân tạo đã có tác dụng phụ là dân chủ hóa kim cương.

Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra bên ngoài Trung Quốc. Ankur Daga, người đồng sáng lập công ty trang sức trực tuyến đặt làm riêng Angara cho biết công ty đã bắt đầu bán kim cương nhân tạo từ 18 tháng trước. Ông rất ngạc nhiên trước mức độ phổ biến của chúng.

"Đây là một sự thay thế hoàn hảo, giống hệt về mặt hóa học, vật lý và quang học…Đối với ngành công nghiệp trang sức, điều này thực sự khá thú vị. Tất cả những người từng mơ ước mua trang sức kim cương cuối cùng cũng có thể mua được”, ông cho biết.

Khi giá vàng tăng mạnh trong bối cảnh các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản an toàn, tính kinh tế của nhẫn đính hôn đã bị đảo lộn. Đối với nhiều người mua hiện nay muốn mua nhẫn kim cương nhân tạo, thành phần đắt nhất không còn là viên đá nữa, mà là lớp vàng bao bọc quanh nó.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-cong-nghiep-kim-cuong-da-mat-di-su-hao-nhoang-nhu-the-nao-post373518.html
Zalo