Ngang nhiên khai thác đất trái phép ở Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu

Giữa ban ngày lại ngay gần khu dân cư, nhiều máy xúc hạng nặng và xe tải rầm rập ngang nhiên vào ra khai thác, vận chuyển đất, đá trái phép ở tổ dân phố Nà Bó, phường Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Thời gian qua, VOV Tây Bắc đã nhận được phản ánh của người dân tại khu vực bản Nà Bó 1, xã Mường Sang cũ (nay là tổ dân phố Nà Bó, phường Mộc Châu, tỉnh Sơn La) về việc trên địa bàn có một số đơn vị sử dụng nhiều máy xúc để tiến hành san gạt núi, hạ cốt nền sau đó vận chuyển đất, đá đến đổ tại một số dự án trên địa bàn.

Hoạt động khai thác, vận chuyển đất diễn ra công khai, rầm rộ, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và thất thoát tài nguyên…

Khu khai thác khoáng sản trái phép ở phường Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Khu khai thác khoáng sản trái phép ở phường Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Ông Trần Văn Hòa, người dân tổ dân phố Nà Bó cho biết, khoảng hơn 1 tháng nay có một số đơn vị đã xúc và vận chuyển đất, đá đi san lấp. Quá trình vận chuyển đất, đá của đơn vị thi công gây bụi bẩn, nhất là những hôm trời nắng.

"Gia đình nhà mình bụi quá thì phải tưới thôi. Mong rằng tới đây nếu có đơn vị cơ quan nào quan tâm đến thì bảo người ta làm cho sạch sẽ, để người dân đỡ ảnh hưởng nhiều, cuộc sống sinh hoạt không bị xáo trộn, thay đổi. Đường này hẹp, xe ô tô đi lại nhiều, khu này nhiều trẻ em nên cũng cần can thiệp vào để làm sao đi lại không bị ảnh hưởng đến người dân", ông Hòa nói.

Việc vận chuyển đất, đá gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Việc vận chuyển đất, đá gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo ghi nhận của phóng viên VOV, tại khu vực bản Nà Bó 1, phường Mộc Châu, tỉnh Sơn La có khoảng 8 chiếc máy xúc nhãn hiệu Doosan 300; Doosan 140 (máy xích, máy lốp); Komatsu PC300… sử dụng để san, múc, hạ khoảnh đồi lớn tại đây.

Đất được múc lên nhiều xe tải loại Hoa Mai và được vận chuyển đến đổ tại Dự án nhà ở thương mại và hạ tầng khu đô thị Tây Tiến, thị trấn Mộc Châu (cũ). Đáng nói, việc san, múc, hạ đất đồi được thực hiện ngang nhiên và trong nhiều ngày.

Đất được vận chuyển đến đổ tại Dự án nhà ở thương mại và hạ tầng khu đô thị Tây Tiến

Đất được vận chuyển đến đổ tại Dự án nhà ở thương mại và hạ tầng khu đô thị Tây Tiến

Tại hiện trường ghi nhận khoảng 25 chiếc xe tải loại Hoa Mai và xe 4 chân liên tục chở hàng nghìn m3 đất, đá từ khu vực nêu trên để san lấp tại dự án. Các xe tải chở đất, đá đều được che chắn sơ sài, quá trình di chuyển qua các tuyến đường nội khu, những xe này chiếm phần lớn lòng đường, gây cản trở và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Bà Hoàng Thị Hải, ở tổ 3, phường Mộc Châu, nhà cách vị trí khai thác đất đá khoảng 500m chia sẻ: "Chỗ này là ngã 3, các xe tránh nhau chỗ này rất phức tạp, nhiều khi đỗ tràn lan ra đường, chờ xe đi ra đi vào thì họ phải dừng, bụi bặm, rơi vãi đất ra, lúc nào tôi cũng phải quét dọn; những nhà khác thì người ta xịt rửa, nhưng nhà tôi không có nước, nước tốn kém nên sáng tôi quét, trưa quét, chiều cũng quét; sống như là sương mù, bụi bặm khổ lắm".

Việc vận chuyển đất gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong khu vực

Việc vận chuyển đất gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong khu vực

Trao đổi với phóng viên VOV, bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch UBND phường Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết, lợi dụng thời điểm chuyển giao chính quyền địa phương 2 cấp, các đơn vị đã khai thác đất trái phép. Tuy nhiên ngay khi chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động ngày 1/7, các lực lượng chức năng đã yêu cầu dừng hoạt động.

"Lợi dụng lúc chính quyền giữa 2 cấp mà cấp bên kia đang sắp xếp bộ máy, cấp mới chưa có hiệu lực để hoạt động, thì đơn vị khai thác hoạt động vào lúc đấy. Từ 1/7, anh em đã phát hiện ra, bắt đầu vào cuộc, yêu cầu dừng ngay nên đơn vị đã dừng hoạt động từ 1/7 rồi", bà Nguyễn Thị Hoa nói.

Nhiều máy xúc, xe tải ngang nhiên vào ra khai thác, vận chuyển đất, đá

Nhiều máy xúc, xe tải ngang nhiên vào ra khai thác, vận chuyển đất, đá

Theo Luật đất đai hiện hành, việc thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề là làm biến dạng địa hình, nếu chưa được cấp thẩm quyền cho phép thì đó là hành vi “hủy hoại đất”. Hành vi này bị xử lý theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Mặt khác, theo Luật Khoáng sản thì đất, sỏi, sạn là khoáng sản, vậy nên việc khai thác đất để sử dụng san lấp công trình là hoạt động khai thác khoáng sản, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì đó là khai thác khoáng sản trái phép.

Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương thế nào trong việc này? Việc kiểm tra, xử lý ra sao đối với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép? Nhóm phóng viên VOV sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nhóm PV/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ngang-nhien-khai-thac-dat-trai-phep-o-khu-du-lich-quoc-gia-moc-chau-post1217869.vov
Zalo