Ngăn 'té nước theo mưa' khi lương tăng

Từ ngày 1/7, lương cơ sở sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, lương hưu cũng được điều chỉnh tăng 15%.

Tuy nhiên, nhiều người lo giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ sẽ bị lợi dụng để "té nước theo mưa".

Lương chưa tăng, giá đã tăng từ lâu

Hiện đang nuôi 3 con nhỏ, chị Nguyễn Thị Phượng (Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội) cho hay, hiện giờ mỗi lần đi chợ, mức chi tiêu hàng ngày cho cả gia đình đã tăng lên đáng kể, bình quân khoảng 30 - 100% so với những năm dịch Covid-19.

Hầu hết mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, rau quả tăng giá mạnh 30 - 100% thời gian qua.

Chị dẫn chứng, thịt lợn là thực phẩm phổ biến giờ cũng lập mức giá mới, trung bình 120 - 130 nghìn đồng/kg, thay vì 80 - 90 nghìn đồng/kg vào 2 năm trước. Tăng nhiều nhất là mặt hàng hải sản, như mực tươi loại nhỏ từ mức 90 - 100 nghìn đồng/kg giờ lên 150 - 170 nghìn đồng/kg, mực loại trung (9 - 10 con/kg) từ mức 150 - 170 nghìn đồng/kg lên 250 nghìn đồng/kg...

Ngay cả với các loại rau thông dụng, mức giá mới cũng tăng trông thấy. Rau muống từ mức giá 4 - 5 nghìn đồng/bó giờ lên 8 nghìn đồng/bó; rau ngót từ 6 - 8 nghìn đồng/bó lên 10 - 13 nghìn đồng/bó…

"Với mặt bằng giá mới tăng cao như thời gian qua, tôi sợ đợt tăng lương này cũng kéo theo việc "té nước theo mưa", chị Phượng nói.

Chung nỗi lo, chị Thành (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) làm nghề dọn nhà theo giờ, thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Là mẹ đơn thân nên mọi chi tiêu của hai mẹ con đều phải rất tằn tiện.

"Thường mỗi thứ đều tăng một ít. Có thể mọi người không nhận ra, nhưng tôi chi tiêu tính từng đồng, từng cắc mới thấy rõ", chị Thành nói.

Kiểm soát cách nào?

Cho rằng hiện tượng lợi dụng việc tăng lương để tăng giá cả dường như đã là quy luật "bất thành văn", tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều ĐBQH nhận định, trước khi tăng lương, giá đã tăng trước một đoạn.

Sau khi tăng lương, khả năng giá tiếp tục tăng. Do đó cần phải có giải pháp để bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã họp thường xuyên và đưa ra các giải pháp kiểm soát nhằm tránh nỗi lo "té nước theo mưa" mỗi dịp tăng lương.

Nổi bật là đảm bảo nguồn cung, đầy đủ các mặt hàng thiết yếu của người dân như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện; thanh kiểm tra thị trường, kiểm tra hoạt động về kê khai giá, chống đầu cơ, lũng đoạn, thao túng giá…

"Với những giải pháp chủ động của Chính phủ và cơ quan quản lý, sẽ không có tác động lớn đến thị trường", ông Chi nhấn mạnh.

Với giải pháp chung kiểm soát lạm phát cuối năm, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, Bộ đã chủ động đưa ra dự báo, tính toán cập nhật một số kịch bản lạm phát, đưa ra các biện pháp để kiềm chế.

Trong đó, chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước.

Đồng thời, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời.

"Tất cả nhằm bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4 - 4,5%, trong mọi tình huống", bà Nhung nói và cho biết, trọng tâm là việc đánh giá, tính toán kỹ các tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột và tăng giá cộng dồn vào cùng một thời điểm.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, giám đốc Emonica Việt Nam cho rằng, với những mặt hàng Nhà nước quản lý giá, có thể can thiệp bằng cách chưa tăng để giảm áp lực cộng hưởng.

Còn với những mặt hàng giá do thị trường quyết định, cần có những giải pháp về mặt truyền thông chính sách để giảm bớt kỳ vọng lạm phát, không để lương tăng là giá tăng theo.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng; khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 61 nêu rõ, để chủ động có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, không để bị động trong mọi tình huống, yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá.

Đồng thời, đề xuất cụ thể lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, điện, giáo dục... không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến; ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngan-te-nuoc-theo-mua-khi-luong-tang-192240702014001922.htm
Zalo