Ngân hàng phát triển bền vững trên nền tảng quản trị rủi ro vững chắc

SeABank luôn chú trọng đầu tư, nâng cấp, áp dụng Quản trị rủi ro vào quy trình vận hành, tạo nên 'lá chắn' vững chắc giúp hoạt động của Ngân hàng luôn ổn định, an toàn và hiệu quả.

Quản trị rủi ro toàn diện theo chuẩn quốc tế

Nhằm hỗ trợ tối đa cho các mục tiêu kinh doanh và xây dựng nền tảng vững chắc hướng đến phát triển bền vững, SeABank liên tục nâng cao các phương pháp đánh giá rủi ro toàn diện theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế đồng thời linh hoạt điều chỉnh chính sách theo biến động thị trường, đảm bảo duy trì chất lượng tài sản, tình trạng thanh khoản ổn định và bộ đệm vững chắc.

Để củng cố nền tảng vốn dự phòng cho các rủi ro, SeABank đã hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn quy định. SeABank cũng là một trong số ít những ngân hàng tiên phong triển khai và áp dụng Basel III từ tháng 5/2022 với những yêu cầu khắt khe về đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (CAR), các cấu phần vốn lõi, cấu phần vốn đệm dự phòng, bộ các chỉ số quản lý rủi ro thanh khoản.

 SeABank là một trong số ít ngân hàng tiên phong triển khai và áp dụng Basel III vào hoạt động kinh doanh và QTRR

SeABank là một trong số ít ngân hàng tiên phong triển khai và áp dụng Basel III vào hoạt động kinh doanh và QTRR

Sau 2 năm triển khai áp dụng, SeABank không ngừng nâng cao các chỉ số về đảm bảo dự phòng vốn an toàn hoạt động và tăng cường sức chịu đựng thanh khoản trước các biến cố. Theo đó, Ngân hàng áp dụng phương pháp IMA (Internal Models Approach) để đo lường chỉ số chịu đựng về thanh khoản, tính vốn về rủi ro thị trường, thực hiện đầy đủ quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) để sẵn sàng cho mọi kịch bản. Nhờ đó, Ngân hàng luôn duy trì tỷ lệ CAR ở mức an toàn cao hơn yêu cầu tối thiểu của NHNN, với tỷ lệ CAR hợp nhất đạt 13,61% tại thời điểm 31/12/2023.

SeABank cũng áp dụng sớm Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) bên cạnh Chuẩn mực kế toán Việt Nam khi lập và trình bày báo cáo tài chính. Qua đó, Ngân hàng tăng cường quản trị và kiểm soát rủi ro thông qua nâng cao khả năng đo lường và quản lý kết quả kinh doanh, tạo dựng cơ sở phân bổ hợp lý nguồn lực để tăng hiệu quả sử dụng vốn.

Quản lý rủi ro môi trường, xã hội và thúc đẩy tín dụng có trách nhiệm

Bên cạnh việc quản lý các rủi ro trọng yếu vốn có, SeABank cũng chủ động xây dựng, triển khai hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội (ESMS) và thúc đẩy tín dụng xanh, hướng đến chống biến đổi khí hậu và hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ về chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng carbon bằng “0”.

Từ năm 2022, SeABank đã triển khai toàn diện việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng. Theo đó, 100% các giao dịch tín dụng đều được sàng lọc, phân loại, đánh giá về rủi ro môi trường và xã hội, từ đó xác định các biện pháp quản lý rủi ro môi trường, xã hội phù hợp dựa trên mức độ rủi ro đã nhận diện, đồng thời từ chối những giao dịch có tác động nghiêm trọng không thể khắc phục đối với môi trường, xã hội. Đây là bước tiến quan trọng giúp SeABank nhận diện và quản lý rủi ro, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và lợi ích cộng đồng, đồng hành cùng khách hàng hướng đến phát triển bền vững.

Bích Diễm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngan-hang-phat-trien-ben-vung-tren-nen-tang-quan-tri-rui-ro-vung-chac-post298869.html
Zalo