Ngân hàng ngày càng quan tâm tới Báo cáo Phát triển bền vững

Các ngân hàng thương mại ngày càng quan tâm hơn tới Báo cáo Phát triển bền vững, một số đã công bố Báo cáo Phát triển bền vững riêng biệt.

Phát triển bền vững đã trở thành xu hướng tất yếu trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Các tổ chức, doanh nghiệp đang ngày càng phát huy vai trò trong phát triển bền vững, cũng như ý thức về việc chịu trách nhiệm cho những tác động đến môi trường, kinh tế, xã hội do mình tạo ra trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Tại Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp đã dần nhận thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng Báo cáo Phát triển bền vững; nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã tiên phong trong lập Báo cáo Phát triển bền vững ngay từ khi chưa có quy định pháp lý yêu cầu bắt buộc lập Báo cáo Phát triển bền vững.

Đối với ngành ngân hàng, thông tin tại tọa đàm: “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững: Kinh nghiệm và thực tiễn triển khai” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức đầu tháng 6/2024, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, các ngân hàng thương mại ngày càng quan tâm hơn tới Báo cáo Phát triển bền vững. “Một số ngân hàng đã công bố Báo cáo Phát triển bền vững riêng biệt như: BIDV, ACB, HDBank, MSB,… Một số ngân hàng khác lồng ghép Báo cáo Phát triển bền vững vào báo cáo thường niên. Tuy nhiên vẫn còn một số ngân hàng không có thông tin phát triển bền vững trong các báo cáo được công bố” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin, đồng thời khẳng định, các tổ chức tín dụng là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu về chính sách tiền tệ, định hướng phát triển kinh tế của đất nước thông qua việc điều hướng dòng vốn của ngân hàng đến các lĩnh vực cần thiết, đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Là năm thứ 2 liên tiếp công bố Báo cáo phát triển bền vững độc lập với Báo cáo thường niên, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) thể hiện sự tiên phong trong thực thi xu hướng ESG (Môi trường (E), Xã hội (S) và Quản trị doanh nghiệp (G). Theo đó, Báo cáo Phát triển bền vững năm 2023 của MSB được lập trên cơ sở 18 Tiêu chí của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI). Các chỉ số phát triển bền vững liên quan đến ESG được lựa chọn và trình bày dựa trên cơ sở tham chiếu theo các Tiêu chuẩn công bố thông tin được Ủy ban tiêu chuẩn báo cáo bền vững toàn cầu (GSSB) thiết lập cũng như 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Ngân hàng ngày càng quan tâm tới Báo cáo Phát triển bền vững

Ngân hàng ngày càng quan tâm tới Báo cáo Phát triển bền vững

Đại diện MSB nhấn mạnh, với thông điệp “Kiến tạo giá trị bền vững”, Báo cáo đã cung cấp thông tin toàn diện về định hướng, thực hành triển khai và cam kết phát triển bền vững của ngân hàng, giúp các bên hữu quan bao gồm khách hàng, cổ đông, người lao động, cơ quan quản lý và cộng đồng có góc nhìn đầy đủ về hành trình phát triển bền vững đã và đang diễn ra trong từng hoạt động kinh doanh - vận hành tại MSB.

“Ngân hàng kì vọng, Báo cáo Phát triển bền vững cũng có thể mang đến bức tranh đầy đủ về tác động của biến đổi khí hậu tới danh mục đầu tư dựa trên dự báo và phân tích các kịch bản khí hậu trong tương lai gần” - đại diện MSB bày tỏ; đồng thời phân tích chi tiết về báo cáo, ở khía cạnh môi trường, trong năm 2023, ngân hàng đã giảm mức phát thải còn 73,66% so với năm 2022. Lượng tiêu thụ điện và nước giảm lần lượt 15,5% và 10,1% so với năm trước. Chương trình “Paperless” tại ngân hàng cũng đạt kết quả ấn tượng khi giảm 3,3 triệu bản in, tương đương 58%. Đặc biệt, ngân hàng tổ chức thu gom gần 700 kg lịch cũ và chuyển đến nhà máy tái chế, tạo thành 455 kg khăn giấy rút, giấy vệ sinh.

Về mặt xã hội, với nội bộ MSB, ngân hàng đảm bảo lợi ích cho 6.308 cán bộ nhân viên với tổng mức chi trả lương và phúc lợi trong năm 2023 đạt 2.838 tỷ đồng. Tổng chi phí đào tạo năm là gần 30 tỷ đồng với thời gian đào tạo trung bình 51 giờ với cán bộ quản lý, 47 giờ với cán bộ nhân viên. Bên cạnh đó, các hoạt động an sinh xã hội tại ngân hàng luôn nhận được sự đồng lòng của trên 6.000 cán bộ nhân viên bằng những hoạt động ý nghĩa khắp mọi miền Tổ quốc, có thể kể tới như “Green day” - Ngày không rác thải nhựa, Chương trình hiến máu nhân đạo với hơn hàng trăm đơn vị máu được trao đi… “Đây cũng là một trong những giá trị góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần nhân văn để ngân hàng trở thành nơi làm việc hạnh phúc” - đại diện MSB khẳng định.

Về mặt quản trị, ngân hàng đã xây dựng một khung quản trị phát triển bền vững bao gồm điều lệ, các quy chế, quy định và văn bản pháp quy trong nội bộ; xây dựng Ủy ban Phát triển bền vững và phân công vai trò cụ thể cho các bộ phận, đồng thời tổ chức họp hàng quý và theo yêu cầu thực tế để cân nhắc/phê duyệt các chính sách cũng như kiểm soát hiệu suất thực hiện ESG.

Báo cáo cũng ghi nhận những dấu ấn “xanh” trong sự chuyển mình của ngân hàng. Tiêu biểu, kể từ 1/6/2023, 100% các khoản vay mới của ngân hàng đều phải qua quy trình đánh giá rủi ro Môi trường - Xã hội. Với cơ cấu tín dụng, MSB cũng chú trọng hơn tới yếu tố phát triển bền vững khi kết thúc năm 2023, tổng dư nợ cho lĩnh vực tín dụng xanh của ngân hàng là gần 6.000 tỷ đồng, cấp cho 148 khách hàng. Trong đó, vốn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm đa số và hầu hết là vốn cho vay trung dài hạn.

Đại diện MSB cho biết, ngân hàng xác định các chủ đề ưu tiên trong định hướng phát triển bền vững: Chú trọng hỗ trợ mọi tệp khách hàng tiến tới tài chính toàn diện và bền vững, là đối tác tin cậy cùng chuyển mình trong xu thế “xanh”. Đồng thời, hướng mọi hoạt động thường nhật tới tiêu chí bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Duy Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngan-hang-ngay-cang-quan-tam-toi-bao-cao-phat-trien-ben-vung-328168.html
Zalo