Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu

Trước sự hồi phục của kinh tế vĩ mô, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu để củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, vốn trung dài hạn và chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm 2024, giúp tăng trưởng tín dụng hoàn thành mục tiêu 14-15% cả năm...

Phát hành TPDN của các TCTD sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới.

Phát hành TPDN của các TCTD sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới.

Trong báo cáo thị trường trái phiếu mới đây, FiinRatings dự báo rằng nhu cầu đi vay và phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN ) của doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dung (TCTD) sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024. Để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng, các TCTD sẽ cần củng cố nguồn vốn trung dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Do đó, hoạt động phát hành TPDN của các TCTD sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới.

Thực tế số liệu thống kê của FiinRatings cho thấy trên thị trường sơ cấp, ghi nhận đến ngày 6/6/2024, có 26 đợt phát hành mới được tiến hành trong tháng 5 với tổng giá trị đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với tháng trước và tương đương 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm ngành tổ chức tín dụng với 19 đợt phát hành trị giá 16,5 nghìn tỷ đồng (+76,8% so với tháng trước). Trong đó, BIDV và TCB sở hữu lượng phát hành lớn nhất với giá trị lần lượt 5,3 nghìn tỷ và 3 nghìn tỷ.

“Tận dụng môi trường lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu để củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, vốn trung dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14-15% cả năm của NHNN”- FiinRatings nhận định.

Ghi nhận tính đến ngày 10/6/2024, nhóm phân tích FiinRatings cho biết đã có một số ngân hàng công bố kế hoạch phát hành TPDN với ngày phát hành cụ thể, theo đó tổng giá trị phát hành ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đối với các doanh nghiệp phi ngân hàng, kế hoạch phát hành sẽ phụ thuộc vào tình hình vĩ mô cũng như môi trường lãi suất.

FiinRatings đánh giá, các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, nên việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu.

"Là nhóm nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, việc các TCTD đẩy mạnh đầu ra qua kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là yếu tổ quan trọng giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn trong nửa cuối năm nay", FiinRatings kỳ vọng.

Cùng chung nhận định, trong báo cáo về ngành Ngân hàng mới đây, VIS Rating dự báo các ngân hàng sẽ cần 283 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong 3 năm tới để bổ sung nguồn vốn và an toàn vốn.

Theo VIS Ratings, trong những năm gần đây, các ngân hàng đã liên tục tăng cường phát hành trái phiếu dài hạn để bổ sung nguồn vốn và an toàn vốn nhằm tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động.

Riêng trong năm 2023, các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 196 nghìn tỷ đồng trái phiếu, cao hơn mức 104 nghìn tỷ đồng năm 2019; và trái phiếu tăng vốn cấp 2 chiếm 35% (khoảng hơn 68 nghìn tỷ) quy mô trái phiếu phát hành.

Thị trường sơ cấp trong tháng 5/2024 chứng kiến tăng trưởng mạnh với tổng giá trị phát hành đạt 23,2 nghìn tỷ VNĐ, chủ yếu đến từ các TCTD trong khi nhóm Bất động sản giảm 30,3% so với tháng trước. Tận dụng mặt bằng lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu trung dài hạn để đảm bảo các tỷ lệ an toàn của NHNN cũng như để chuẩn bị nguồn vốn khi tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng hồi phục trong nửa cuối năm.

Với xu hướng này, VIS Rating kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ phát hành hơn 283 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong ba năm tới. Trong đó, khoảng 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh do vốn cấp 2 của các ngân hàng này sẽ bị khấu trừ đáng kể.

Theo quy định, trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được tính vào vốn tự có sẽ bị khấu trừ khoảng 20% mỗi năm trong 5 năm cuối của kỳ hạn trái phiếu. Các ngân hàng sẽ cần phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới để thay thế các trái phiếu bị khấu trừ và tăng mức an toàn vốn.

Song song với việc phát hành, VIS Rating cũng kỳ vọng nhu cầu đầu tư trái phiếu tăng vốn cấp 2 của các nhà đầu tư cá nhân vẫn duy trì ở mức cao. Nhà đầu tư cá nhân nắm giữ phần lớn trái phiếu tăng vốn cấp 2 được chào bán ra công chúng, chủ yếu là do lợi suất của các trái phiếu này cao hơn so với tiền gửi và trái phiếu thường.

Trái phiếu ngân hàng chủ yếu được phát hành riêng lẻ để giúp các tổ chức phát hành huy động vốn trong khoảng thời gian ngắn với các yêu cầu tối thiểu về hồ sơ và tài liệu quy định.

Các chuyên gia kỳ vọng ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 ra công chúng nhiều hơn để có thể khai thác nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân, vì các tổ chức phát hành sẽ không còn được phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

“Nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân cho trái phiếu tăng vốn cấp 2 sẽ được hỗ trợ một phần bởi việc chưa có trường hợp trái phiếu ngân hàng nào bị chậm trả gốc/lãi trong bối cảnh tỷ lệ chậm trả gốc/lãi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng cao’- VIS Rating đánh giá.

Thái Hoàng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-day-manh-phat-hanh-trai-phieu-152890-152890.html
Zalo