Ngân hàng bắt tay Fintech gia tăng lợi ích

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đã qua thời cạnh tranh gay gắt để giành thị phần giữa ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (Fintech). Thay vào đó, việc bắt tay hợp tác của hai bên sẽ tạo ra nhiều động lực tăng trưởng mới, đem lại lợi ích cho cả 3 bên: Ngân hàng, Fintech và khách hàng.

Để thúc đẩy tài chính toàn diện, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi trong mối quan hệ giữa ngân hàng và Fintech thời gian qua?

Để thúc đẩy tài chính toàn diện, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi trong mối quan hệ giữa ngân hàng và Fintech thời gian qua?

Phải khẳng định, mối quan hệ giữa ngân hàng và Fintech đã có sự thay đổi và điều này là tất yếu. Trong giai đoạn đầu xuất hiện, Fintech có sự cạnh tranh gay gắt với các nhà băng để giành thị phần. Nhiều công ty không tiếc tay đổ tiền vào việc khuyến mãi, ưu đãi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, từ cạnh tranh, ngân hàng và Fintech đã chuyển sang “hợp tranh”, tức là vừa có hợp tác vừa có cạnh tranh.

Lý do cho sự thay đổi này đó là tốc độ phát triển nhanh chóng của Fintech với những công nghệ, giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán, phân tích dữ liệu lớn, tiếp cận tốt khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Còn về phía ngân hàng, các nhà băng cũng phát triển mạnh mẽ về mặt công nghệ, có tệp khách hàng lớn, nguồn lực tài chính tốt, mức độ uy tín cao, sản phẩm dịch vụ đa dạng… Hai bên đều nhận ra nếu hợp tác để phát huy sức mạnh thì sẽ tạo ra nhiều động lực tăng trưởng mới, giúp cả ngân hàng và Fintech cùng tiếp cận khách hàng tốt hơn, đa dạng hơn.

Thực tế trong thời gian vừa qua, đã có nhiều cái “bắt tay” giữa ngân hàng và Fintech, cùng tạo ra các sản phẩm tài chính mới sáng tạo hơn, đem lại trải nghiệm liền mạch và thú vị hơn cho người dùng.

Việc tăng cường hợp tác giữa ngân hàng và Fintech sẽ đem lại những lợi ích gì cho người dùng, thưa ông?

Việc ngân hàng và Fintech hợp tác mang lại lợi ích cho cả 3 bên: Ngân hàng, Fintech và khách hàng. Về phía khách hàng, các dịch vụ tài chính - ngân hàng sẽ được đơn giản hóa, phạm vi cung cấp dịch vụ được mở rộng, Fintech sẽ trở thành một kênh phân phối mới của dịch vụ ngân hàng.

Đối với nghiệp vụ cho vay, các ngân hàng truyền thống thường đặt ra nhiều yêu cầu với khách hàng vay vốn, nhất là với cá nhân, doanh nghiệp chưa có lịch sử tín dụng. Trong khi đó, nhờ lợi thế về công nghệ và khả năng thu thập, phân tích dữ liệu, các Fintech không đòi hỏi tài sản thế chấp mà dựa vào thông tin tài chính và hành vi khách hàng để thẩm định khả năng tín dụng, từ đó đưa ra quyết định cho vay. Vì vậy, với sự hỗ trợ thêm nguồn dữ liệu từ các công ty này, ngân hàng sẽ xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng, đưa ra hạn mức tín dụng cũng như lãi suất cho vay phù hợp. Từ đó, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, người dân có cơ hội tiếp cận kênh tín dụng chính thức một cách dễ dàng hơn.

Với lợi ích cho cả ba bên như ông nói, ngân hàng và Fintech cần siết lại mối quan hệ hợp tác này như thế nào trong thời gian tới?

Điều quan trọng nhất chắc chắn là hành lang pháp lý, cốt lõi là quy định về ngân hàng mở, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để hỗ trợ đổi mới sáng tạo và quản lý rủi ro liên quan đến các công nghệ tài chính mới. Khi có hành lang pháp lý về ngân hàng mở, sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech chắc chắn sẽ được thúc đẩy hơn rất nhiều.

Trong xu thế ngân hàng mở, dịch vụ ngân hàng và các bên thứ ba có thể cung ứng cho khách hàng một cách liền mạch, xuyên suốt trên các phần mềm, ứng dụng của các bên, nhưng với điều kiện tiên quyết là sự đồng ý chia sẻ dữ liệu của khách hàng.

Tuy nhiên, để sẵn sàng cho ngân hàng mở, kết nối với nhiều bên, các ngân hàng cũng cần chú ý tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng theo đúng quy định.

Mặt khác, với mô hình hiện tại, một số Fintech như ví điện tử chỉ được giới hạn trong lĩnh vực thanh toán, trong khi có tiềm năng rất lớn khi phối hợp với ngân hàng để cung cấp các dịch vụ tài chính số vi mô, đặc biệt là mô hình ngân hàng số để phục vụ các đối tượng yếu thế theo xu hướng chung của thế giới. Theo đó, cơ quan quản lý cũng có thể cân nhắc các quy định để mở rộng thêm cơ hội hợp tác giữa ngân hàng và Fintech trong các lĩnh vực khác ngoài thanh toán.

Xin cảm ơn ông!

Hạ Chi

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-bat-tay-fintech-gia-tang-loi-ich-158785.html
Zalo