Ngăn chặn thủ đoạn kinh doanh, sản xuất hàng giả

Khi những thông tin về đường dây sản xuất sữa bột giả chưa kịp lắng xuống thì lực lượng chức năng các địa phương lại tiếp tục phát hiện, triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, cà-phê, rượu...

Cán bộ quản lý thị trường tỉnh Phú Yên cũ (nay là tỉnh Đắk Lắk) kiểm tra hàng hóa tạm giữ tại kho.

Cán bộ quản lý thị trường tỉnh Phú Yên cũ (nay là tỉnh Đắk Lắk) kiểm tra hàng hóa tạm giữ tại kho.

Hàng giả bị phanh phui lại chính là những sản phẩm mà lâu nay người tiêu dùng lựa chọn, thậm chí có cả nhãn hiệu được công nhận OCOP. Những hành vi, thủ đoạn kinh doanh, sản xuất và vận chuyển hàng giả số lượng lớn, trong thời gian dài gây ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp sản xuất chân chính cũng như niềm tin, sức khỏe của người tiêu dùng.

Nỗi lo hàng giả

Nhiều tháng qua, tại khu vực phía đông (tỉnh Phú Yên cũ, nay là tỉnh Đắk Lắk), lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tiếp bắt giữ hàng loạt vụ liên quan đến sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu bị làm giả quy mô lớn; hàng giả, hàng xâm phạm .

Các mặt hàng thiết yếu bị bắt giữ, tiêu hủy, tạm giữ chủ yếu là thực phẩm đông lạnh, thuốc lá điếu, đường tinh luyện, quần áo các loại, bia chai Heineken...; trong đó nổi lên là cà-phê giả và tôm hùm bơm tạp chất, khiến dư luận bất bình, lo lắng.

Điển hình như sản phẩm cà-phê mang tên Dạ Thảo, thương hiệu cà-phê bột của Doanh nghiệp tư nhân Đại Chúng-Dạ Thảo ở xã Tây Hòa được công nhận OCOP 3 sao từ năm 2023, nhưng chất lượng lại không giống như những gì doanh nghiệp tự công bố. Qua các mẫu cà-phê được lực lượng công an kinh tế lấy mẫu kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng cà-phê chỉ có từ 0,1 đến hơn 0,5%.

Từ tháng 12/2024 đến giữa tháng 4/2025, doanh nghiệp này đã sản xuất hơn 21 tấn cà-phê bột thương hiệu Dạ Thảo các loại. Tính đến thời điểm hành vi phạm pháp bị các cơ quan chức năng phát hiện, doanh nghiệp đã tiêu thụ 17,5 tấn, thu gần 1,3 tỷ đồng.

Công an tỉnh Phú Yên cũ khởi tố Đặng Thị Hòa Hiệp (53 tuổi, chủ Doanh nghiệp tư nhân Đại Chúng-Dạ Thảo) để điều tra tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và thu hồi giấy chứng nhận 3 sao. Điều đáng nói ở đây là cà-phê Dạ Thảo từng được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng hằng ngày hóa ra là hàng giả.

Sự thật này khiến người dân hoang mang, lo lắng, bởi lâu nay họ vẫn tin tưởng vào những sản phẩm bán rộng rãi và có thương hiệu, giờ chất lượng của sản phẩm lại không thật như đã công bố. Quan ngại hơn là tại khu vực phía đông tỉnh Đắk Lắk, có thời điểm chỉ trong hơn 20 ngày ra quân kiểm tra hoạt động sản xuất, buôn bán, lực lượng chức năng đã phát hiện tới 13 vụ gian lận thương mại và khởi tố nhiều đối tượng.

Bà Nguyễn Thị Thảng, người tiêu dùng ở phường Bình Kiến, tỉnh Đắk Lắk lo lắng: “Tôi mới theo dõi thấy bắt đậu hũ giả, rồi lại đến thuốc, sữa giả, tất cả đều liên quan trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Mong các cơ quan chức năng xử lý tận gốc, quyết liệt ở mọi lúc, mọi nơi, không để tình trạng này có cơ hội tiếp diễn tràn lan như lâu nay”.

Chủ một cơ sở sản xuất mặt hàng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao lo ngại rằng, qua vụ cà-phê từng đạt chứng nhận OCOP bị phát hiện làm giả, ít nhiều người tiêu dùng cũng nghi ngờ tính trung thực của các sản phẩm OCOP khác. Điều này làm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh có thương hiệu, uy tín, chất lượng bị ảnh hưởng.

Lập lại trật tự thị trường

Qua tăng cường tuần tra, kiểm soát, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra thủ đoạn kinh doanh, vận chuyển tinh vi của các đối tượng. Đó là hàng hóa đi trên đường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định, nhưng khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì chủ hàng yêu cầu bên bán xuất để trình cho cơ quan chức năng chứng minh hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Khi hàng hóa được tiếp tục lưu thông về đến nơi thì chủ hàng lại hủy hóa đơn đã xuất. Một số cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát có tịch thu hàng hóa, nhưng khi xử lý (hình thức bán đấu giá) xuất hóa đơn bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước chưa ghi rõ số lượng, chủng loại, sê-ri hàng, ngày sản xuất, hạn sử dụng mà chỉ ghi chung chung.

Điều này đã tạo sơ hở để các đối tượng kinh doanh lợi dụng quay vòng hóa đơn, sử dụng 1 hóa đơn để vận chuyển, mua bán hàng hóa nhập lậu nhiều lần.

Ông Nguyễn Thái Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên cũ (nay là tỉnh Đắk Lắk) nhận định, một số đối tượng kinh doanh mặc dù biết đó là hàng nhập lậu và kinh doanh hàng nhập lậu, là vi phạm pháp luật, song vì chạy theo lợi nhuận nên vẫn bất chấp.

Có trường hợp khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, chủ hàng vờ như không hiểu biết pháp luật, thừa nhận không có hóa đơn chứng từ và mong cơ quan chức năng hướng dẫn để hoạt động đúng pháp luật.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Yên cũ (nay là tỉnh Đắk Lắk) Đặng Thị Thủy cho biết, đối với những sản phẩm được công nhận đạt OCOP bị phát hiện có hành vi gian dối trong quá trình sản xuất, không bảo đảm chất lượng như đã công bố, Sở sẽ phối hợp với địa phương và cơ quan liên quan tiến hành thu hồi sản phẩm đó, không cho lưu hành trên thị trường.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, thông tin rộng rãi đến người dân biết sản phẩm đó không còn đạt chuẩn OCOP nữa.

“Cùng với đó, chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra việc duy trì chất lượng sản phẩm OCOP của các cơ sở sản xuất và xử lý nghiêm vi phạm nếu có để người tiêu dùng yên tâm, trả lại tính minh bạch cho các sản phẩm OCOP khác”, bà Thủy nói.

Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các lực lượng chức năng nắm vững tình hình thị trường, phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Tỉnh cũng đã thành lập tổ công tác nhằm kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, lực lượng chức năng trong việc triển khai đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm..., ký cam kết chấp hành pháp luật về dược và .

Việc lập lại thị trường hàng hóa minh bạch để bảo vệ người tiêu dùng là việc cần làm ngay và ráo riết theo cách vừa thường xuyên, vừa đột xuất. Có như vậy mới hướng đến một nền sản xuất, kinh doanh bền vững. Khi người sản xuất và người kinh doanh đều trung thực thì hàng giả sẽ không còn chỗ đứng.

PHƯƠNG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ngan-chan-thu-doan-kinh-doanh-san-xuat-hang-gia-post891575.html
Zalo