Ngăn chặn hiểm họa từ xe ba bánh tự chế

Hiện nay, số lượng xe ba bánh tự chế lưu thông trên đường còn khá nhiều, đặc biệt là các loại xe này thường chở hàng hóa cồng kềnh, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Thực tế cho thấy, cần phải giải quyết vấn đề này đến nơi đến chốn.

Xe ba bánh chở thép va chạm với xe buýt trên đường phố Hà Nội.

Xe ba bánh chở thép va chạm với xe buýt trên đường phố Hà Nội.

Không ít vụ tai nạn từ xe ba bánh tự chế

Bất kỳ ai đang lưu thông trên đường khi gặp phải những chiếc xe ba bánh tự chế, chở hàng cồng kềnh đều rất e sợ bởi nguy cơ gây tai nạn giao thông từ loại xe này. Thời gian qua có rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe ba bánh.

Cụ thể, vào ngày 5-1-2024, trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến người lái xe ba bánh tự chế tử vong. Ít ngày sau, ngày 12-1, trên đường Trịnh Văn Bô (quận Nam Từ Liêm) xảy ra vụ tai nạn giao thông khi xe ba bánh chở các thanh sắt dài 12m va chạm với một xe máy khiến người lái xe máy tử vong...

Từ thực tế trên, có thể nhận thấy hiểm họa mà xe ba bánh tự chế lưu thông trên đường rất khó lường vì đa số đều không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, thông số an toàn, chưa kể những loại xe này thường chở hàng hóa cồng kềnh, vật liệu xây dựng dài và sắc nhọn.

Theo Thông tư liên tịch số 32, năm 2007, của Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 1-1-2008 các loại xe ba bánh tự chế bị cấm lưu hành, trừ phương tiện của thương binh, xe tự chế dành cho người tàn tật có đăng ký biển kiểm soát. Điều 17, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ cũng quy định xe tự chế bị cấm lưu thông. Tuy nhiên hiện nay, xe ba bánh tự chế vẫn ngang nhiên lưu hành trên đường, đe dọa đến sự an toàn của những người tham gia giao thông khác.

Một chiếc xe tự chế chở hàng cồng kềnh trên đường.

Một chiếc xe tự chế chở hàng cồng kềnh trên đường.

Không gì quý hơn sinh mạng

Khi bị lực lượng chức năng xử phạt về hành vi điều khiển xe ba bánh tự chế lưu thông trên đường, hầu hết người vi phạm đều lý giải rằng họ sử dụng xe vì lý do mưu sinh và do không có phương tiện thay thế phù hợp. Ông Quách Văn Trang, huyện Đan Phượng, một chủ phương tiện xe ba bánh cho biết: “Tôi thực sự có biết quy định cấm xe ba bánh tự chế lưu thông trên đường, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên vẫn phải làm, vì không biết làm nghề gì khác”.

Trong thời gian qua, tình trạng xe ba bánh tự chế lưu hành trên các tuyến phố ở Hà Nội diễn ra khá phổ biến, bất chấp vi phạm và ngay cả khi có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên tuyến giao thông. Nhiều phương tiện chở người, chở hàng hóa cồng kềnh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, gây ùn tắc giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Trên mạng xã hội, một số hội nhóm, cá nhân công khai đăng tải dịch vụ mua bán, cho thuê, sản xuất xe 3 bánh tự chế, nhận vận chuyển hàng hóa bằng xe ba bánh tự chế, điều đó thể hiện thái độ coi thường pháp luật.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết: "Những chiếc xe ba bánh chở những tấm tôn dài, cồng kềnh và có độ sắc cao rất nguy hiểm nên cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm, không thể để cho những loại xe đó lưu thông trên đường. Theo quan điểm của tôi, khi xây dựng quy định và thực thi pháp luật thì sự an toàn phải là ưu tiên số một, sau đó mới là hiệu quả kinh tế, nhu cầu của nhân dân. Trên tinh thần đó, các cơ quan chức năng cần đưa ra chính sách và phương pháp quản lý phù hợp".

Thực tế, những vụ tai nạn do xe ba bánh và hai bánh chở hàng cồng kềnh gây tai nạn thường rất nghiêm trọng. Ông Khương Kim Tạo cho biết, mặc dù tài sản là của người lái xe nhưng đó là hành vi vi phạm pháp luật nên các cơ quan chức năng có thể đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn như tịch thu tài sản, tịch thu phương tiện.

Đồng thời, ông Khương Kim Tạo cũng cho rằng, ngành Giao thông có thể nghiên cứu sản xuất ra một loại phương tiện phù hợp có thể đi sâu vào các ngõ ngách nhỏ của thành phố Hà Nội để phục vụ nhu cầu chở vật liệu, đó có thể là xe 4 bánh cỡ nhỏ và đảm bảo các thông số kỹ thuật, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và có thể chở được những mặt hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Vẫn còn khá nhiều xe ba bánh, tự chế lưu thông trên đường.

Vẫn còn khá nhiều xe ba bánh, tự chế lưu thông trên đường.

Xử phạt kết hợp tuyên truyền, vận động

Hiện nay, trên toàn thành phố Hà Nội có 13.349 xe ba bánh và có 33 cơ sở sản xuất, lắp ráp xe ba bánh. Theo số liệu của Công an thành phố Hà Nội về tình hình xử lý vi phạm đối với xe ba bánh tự chế từ ngày 15-3 đến ngày 11-5-2024, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 3.696 trường hợp vi phạm và phạt tiền hơn 4 tỷ đồng, tạm giữ 1.591 phương tiện với các lỗi phổ biến như điều khiển xe tự chế, tự lắp ráp, chở hàng cồng kềnh, điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

Ngoài công tác xử phạt hành chính, lực lượng chức năng cũng tuyên truyền, yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết không chở hàng cồng kềnh, chở quá tải khi tham gia giao thông và để xe ba bánh trở về đúng nghĩa theo mục đích sử dụng ban đầu là phục vụ cho thương binh, người tàn tật làm phương tiện đi lại hằng ngày.

Tuy nhiên, lợi dụng chính sách của Nhà nước, nhiều đối tượng giả danh thương binh để điều khiển xe ba bánh, sử dụng xe ba bánh vào những mục đích khác, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra thì các đối tượng này tập trung lại để gây sức ép. Như vào ngày 3-4 trên đường Đội Cấn (quận Ba Đình), khi tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đang xử lý 2 trường hợp xe ba bánh tự chế có thùng sau chở vật liệu xây dựng. Một lúc sau, nhiều người lái xe ba bánh khác đến gây cản trở khiến công an cơ sở phải ngăn một đoạn đường, hướng dẫn các phương tiện giao thông đi theo hướng khác để tổ công tác xử lý công việc. Điều này cho thấy, những người lái xe ba bánh đã có những hội nhóm và sẵn sàng gây khó dễ cho lực lượng chức năng mỗi khi một thành viên bị xử phạt, trong đó có không ít người giả danh thương binh.

Ông Khương Kim Tạo cho biết: “Chúng ta nên tách bạch rõ ràng. Xe ba bánh dành cho các đồng chí thương binh, người tàn tật đi lại chỉ là phương tiện đi lại của họ và chỉ được chở theo một người chứ không phải chở hàng hóa kinh doanh. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền đến các đối tượng chính sách, thương binh không cho người khác mượn xe sử dụng trái mục đích. Các cơ quan chức năng khi nghiên cứu đưa ra các quy định quản lý cần biên soạn nội dung phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; công tác thực thi pháp luật và tuyên truyền cần được thực hiện tốt, đồng bộ”.

Nguyễn Văn Công

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngan-chan-hiem-hoa-tu-xe-ba-banh-tu-che-685380.html
Zalo