Ngăn chặn hàng giả trong Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số ban hành Quy chế dành cho các đối tác tham gia Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến.

Doanh nghiệp, tổ chức phải đảm bảo kinh doanh hàng hóa chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.

Doanh nghiệp, tổ chức phải đảm bảo kinh doanh hàng hóa chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.

Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức, các nhà sáng tạo nội dung, khi tham gia chương trình, phải bảo đảm kinh doanh hoặc hỗ trợ kinh doanh hàng hóa chất lượng, nguồn gốc rõ ràng; không kinh doanh, buôn bán hoặc cố ý tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, tổ chức tích cực hỗ trợ giải quyết tranh chấp, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các nền thương mại điện tử.

Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống hàng giả, hàng nhái; hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết và sử dụng sản phẩm chính hãng, chú trọng hỗ trợ sản phẩm có xuất xứ Việt Nam.

Tránh đưa nội dung gây tranh cãi, làm sai lệch ý nghĩa hoặc giảm giá trị của cá nhân, tổ chức tham gia chương trình và hoạt động chung. Không chia sẻ thông tin nhạy cảm hoặc chưa được ban tổ chức kiểm chứng.

Điểm nhấn của Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2024 là chương trình "Tinh hoa hàng Việt sánh vai cùng thương hiệu toàn cầu", vì vậy, đối tác, doanh nghiệp được phép quảng bá các sản phẩm chính hãng đã đăng ký với chương trình, trong đó ưu tiên sản phẩm Việt trên thương mại điện tử…

Thông qua các hoạt động trải nghiệm và tương tác sáng tạo, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới chinh phục mọi thị trường, khẳng định chất lượng và vị thế của sản phẩm Việt trên trường quốc tế.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngan-chan-hang-gia-trong-tuan-le-thuong-mai-dien-tu-quoc-gia-685886.html
Zalo