Nga xoay trục Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thách thức liên minh của Mỹ trong khu vực
Các cuộc tập trận quân sự gần đây với ASEAN được đánh giá là mốc quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nga.
Cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây được xem là dấu hiệu giảm căng thẳng giữa 2 nước, nhưng trên thực tế để lại nhiều bất ổn về mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Moscow và phương Tây.
Vài ngày sau cuộc hội đàm, Tổng thống Biden cảnh báo Nga về các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn nếu nước này hành động bất cẩn trong vấn đề Ukraine – một lời cảnh báo cho thấy không có nhiều không gian để tiếp tục đối thoại.
Đối mặt với sức ép lớn từ phương Tây, Nga đã chuyển hướng sang việc củng cố vị thế ở phía Đông. Nói chính xác, Nga muốn thắt chặt mối quan hệ với các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chủ yếu là Trung Quốc.
Cả Nga và Trung Quốc đều bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ và là thách thức đối với NATO. Đáp lại, Nga và Trung Quốc đã nâng cấp quan hệ hợp tác quân sự với một loạt các cuộc tập trận và tuần tra chung cả trên bộ, trên không và trên biển, đặc biệt là việc ký kết lộ trình thúc đẩy hợp tác quân sự đến năm 2025.
“Bằng hữu đã được thử thách qua thời gian”
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng là một ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga. Điều này đã được nhấn mạnh trong cuộc gặp thượng đỉnh gần đây ở New Delhi giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Narendra Modi.
Chuyến thăm Ấn Độ là chuyến công du nước ngoài lần thứ 2 của Tổng thống Putin kể khi đại dịch Covid-19 bùng phát và thời điểm chuyến thăm diễn ra ngay trước cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Mỹ Biden là một sự trùng hợp.
Ở New Delhi, ông Putin nhấn mạnh Ấn Độ là “bằng hữu đã được thử thách qua thời gian” và việc hợp tác quân sự với New Delhi “không giống bất cứ quốc gia nào khác”.
Vấn đề chính được thảo luận giữa 2 nhà lãnh đạo liên quan tới hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và năng lượng. Nga ưu tiên cả 2 lĩnh vực này và coi đó là cột mốc của quá trình củng cố vị thế trong khu vực.
Kết quả quan trọng nhất trong cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Modi là hợp đồng hàng triệu USD theo đó Nga và Ấn Độ cùng sản xuất súng trường AK-203. Năm 2018, Ấn Độ ký thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD mua hệ thống S-400 của Nga, bất chấp sự phản đối của Mỹ.
Không chỉ mở rộng lĩnh vực sản xuất vũ khí, gần đây, vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V cũng bắt đầu được sản xuất ở Ấn Độ.
Việc Ấn Độ muốn mua vũ khí Nga, trong đó bao gồm khả năng mua tổ hợp S-500 trong tương lai, bất chấp sự “khó chịu” của các đối tác quân sự lớn như Mỹ, Nhật bản và Australia trong Bộ Tứ kim cương (QUAD) cho thấy mối quan hệ chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Nga và Ấn Độ.
Sự nồng ấm trong cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi cho thấy Ấn Độ quan tâm tới chính sách ngoại giao đa phương hơn là chọn phe các nhóm nhất định. Điều này khiến Ấn Độ trở thành mắt xích yếu trong bất kỳ liên minh chống Nga-Trung nào.
Chính sách ngoại giao đa phương của Ấn Độ còn được minh chứng bằng việc nước này vắng mặt trong sáng kiến ba bên Mỹ-Nhật Bản-Australia gần đây nhằm tài trợ cho một dự án cáp biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
ASEAN là ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga
Một ưu tiên khác của Nga ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ASEAN.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng nhấn mạnh rằng “Nga cam kết thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN”. Tuyên bố này một lần nữa được nhắc lại trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga lần thứ 4 ngày 28/10, khi đó Tổng thống Nga Putin đặc biệt nhấn mạnh việc thúc đẩy quan hệ với ASEAN “luôn là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga”.
Nga đặc biệt quan tâm tới việc thúc đẩy quan hệ với ASEAN từ khi Tổng thống Putin coi việc thúc đẩy phát triển vùng Viễn Đông là ưu tiên hàng đầu. Vladivostok, thủ phủ vùng Viễn Đông, hiện có kết nối hàng không với Singapore và các nước khác trong ASEAN, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác kinh tế và đầu tư.
Phần lớn các nước ASEAN đã vận động về thỏa thuận thương mại tự do với Nga từ năm 2019, sau khi Nga và ASEAN nâng cấp đối thoại lên tầm chiến lược vào năm 2018 và thực hiện thành công đối thoại doanh nghiệp năm 2017.
ASEAN trở thành “chiến trường ngoại giao” quan trọng khi cả Mỹ, Trung Quốc và Nga đều tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
3 tuần sau hội nghị cấp cao hàng năm giữa ASEAN-Trung Quốc tháng 11 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến thăm tới khu vực nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược của Mỹ và nâng cấp mối quan hệ với ASEAN lên mức chưa từng thấy.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tiếp người đứng đầu Hội đồng an ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev ngay sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Blinken.
Nga cũng đang tìm cách nâng tầm vị thế trong khu vực bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong vấn đề an ninh. Công cụ chính của Nga trong vấn đề này thường là các hoạt động hợp tác quân sự với Trung Quốc.
Đầu tháng này Nga và ASEAN đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung lần đầu tiên. Đây được xem là cột mốc quan trọng trong các mối quan hệ quân sự của Nga, không chỉ với các đối tác chủ chốt trong khu vực mà còn các nước khác trên thế giới, bởi Nga chưa từng tham gia các cuộc tập trận quân sự đa phương với các khối liên minh bên ngoài Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và trước năm 2014, với NATO trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO./.