Nga tự tin kết thúc sớm chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine

Mỹ và NATO đã có dấu hiệu dừng hoặc hỗ trợ nhỏ giọt về quân sự cho Ukraine. Tình hình chiến trường đang có lợi cho Nga. Đó là lý do Moscow tự tin chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ sớm kết thúc.

Diễn biến mới

Thông tin gây nhiều chú ý trong những giờ qua là ngày 3/7, tổng thống Nga và tổng thống Mỹ có cuộc gọi kéo dài gần một giờ, nội dung xoay quanh xung đột Ukraine và tình hình Trung Đông.

 Tổng thống Nga và tổng thống Mỹ. Ảnh: The Moscow Times

Tổng thống Nga và tổng thống Mỹ. Ảnh: The Moscow Times

Tổng thống Putin tuyên bố Nga không từ bỏ các mục tiêu trong chiến dịch ở Ukraine nhưng sẵn sàng duy trì đàm phán, đồng thời cho rằng các xung đột ở Trung Đông nên được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.

Trong cuộc điện đàm, tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ đạt được mục tiêu của mình, tức là xóa bỏ mọi nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình hình đối đầu hiện tại. Ông nhấn mạnh “Nga sẽ không lùi bước trước những mục tiêu này".

Đây là cuộc gọi thứ sáu giữa ông Putin và ông Trump từ khi ông Trump quay lại Nhà Trắng hồi tháng 1.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa nêu vấn đề chấm dứt sớm các hành động quân sự. Ông Trump tuyên bố "không đạt được tiến triển" trong giải quyết cuộc xung đột và "không hài lòng" về tình hình ở Ukraine.

Tuy nhiên sau đó, ông Trump khẳng định Mỹ vẫn duy trì hỗ trợ Kiev. “Chúng tôi vẫn đang chuyển giao vũ khí, vẫn hợp tác và cố gắng giúp đỡ họ”, nhà lãnh đạo Mỹ nói.

Theo tờ Kyiv Independent, thông báo sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 4/7 cho biết hai bên đã nhất trí tăng cường phòng không cho Ukraine.

“Chúng tôi đã thảo luận về các phương án phòng không và nhất trí sẽ cùng làm việc để tăng cường bảo vệ không phận. Hai bên cũng nhất trí về một cuộc gặp giữa các nhóm công tác", ông Zelensky cho biết.

Cùng với Mỹ, Đức, nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ cũng tuyên bố tiếp tục ủng hộ Kiev. Đến nay, Đức đã chuyển giao 3 hệ thống Patriot từ kho dự trữ của nước này cho Kiev.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngày 3/7 thì cho biết nước này sẽ làm “mọi điều có thể” để giúp Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu.

Nga tự tin giải quyết xung đột

Moscow sáng 4/7 đã tiến hành tập kích Ukraine bằng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, tên lửa đạn đạo Iskander-M, đạn hành trình Iskander-K, cùng 539 máy bay không người lái (UAV) tự sát dòng Geran-2 và phi cơ mồi bẫy. Cuộc tập kích làm rung chuyển Kiev và nhiều nơi, gây không ít thiệt hại cơ sở quân sự và năng lượng của Ukraine.

Cuộc tập kích diễn ra sau khi Nhà Trắng thông báo đình chỉ chuyển giao một số loại vũ khí đã cam kết cho Ukraine do kho dự trữ của quân đội Mỹ đã cạn.

 Binh sỹ Ukraine bắn lựu pháo về phía đối phương. Ảnh: Reuters

Binh sỹ Ukraine bắn lựu pháo về phía đối phương. Ảnh: Reuters

Ukraine cũng đáp lại với việc tấn công nhằm vào nhà máy Energia ở tỉnh Lipetsk của Nga – cơ sở được cho là sản xuất linh kiện cho tên lửa và máy bay không người lái, bao gồm cả hệ thống tên lửa Iskander và tên lửa hành trình.

Vừa đánh nhau nhưng trong ngày 4/7, Nga và Ukraine cùng thông báo đã tiến hành đợt trao trả tù binh mới, theo thỏa thuận đã đạt được trong vòng đàm phán tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng trước. Đây là kết quả của vòng đàm phán trực tiếp hôm 2/6 tại Thổ Nhĩ Kỳ, khi Nga và Ukraine nhất trí trao trả tất cả những binh sĩ dưới 25 tuổi, bị thương nặng và bị bệnh.

Liên quan, Nga đẩy mạnh xây dựng đường ranh giới và hiện đã thiết lập trên phần biên giới quốc gia rộng 20km giữa các vùng Belgorod và Kharkiv...

Nga còn được tăng cường lực lượng khi hôm 2/7, tình báo Ukraine cho biết Triều Tiên có kế hoạch điều 30.000 binh sĩ đến hỗ trợ Moscow. Đây là con số tăng mạnh so với mức mức hỗ trợ năm ngoái của Triều Tiên, vốn được ước tính hơn 11.000 binh sĩ.

Trên tổng thể, với việc Mỹ và phương Tây dừng hoặc viện trợ nhỏ giọt, Ukraine đang đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc xung đột với Nga, nhất là về mặt quân sự, nguy cơ cạn kiệt tên lửa, không thể đối phó các đòn tập kích của Nga. Trong khi đó, Moscow gần đây liên tục tăng số lượng tên lửa và UAV trong các cuộc tập kích, nhằm khiến phòng không Ukraine bị rối loạn và quá tải.

Liên bang Nga nhiều lần lên án việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này chỉ kéo dài cuộc xung đột và làm gia tăng nguy cơ leo thang trên diện rộng.

Các quan chức Điện Kremlin cũng cáo buộc các nước phương Tây khuyến khích “các lực lượng ủy nhiệm” ở Kiev chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng trong hy vọng viển vông rằng Nga sẽ thất bại.

Trong một phát biểu đưa ra hôm 3/7, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Theo như chúng tôi hiểu, lý do đằng sau động thái này là các kho vũ khí trống rỗng, cũng như tình trạng thiếu vũ khí nghiêm trọng. Càng ít vũ khí cung cấp cho Ukraine, thì chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ càng gần hồi kết", ông nói.

TS ( tổng hợp)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nga-tu-tin-ket-thuc-som-chien-dich-quan-su-dac-biet-o-ukraine-post330881.html
Zalo