Nga, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Á

Theo Korea Times ngày 4-7, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã ca ngợi những nỗ lực củng cố liên minh tại Hội nghị lần thứ 24 của Hội đồng Nguyên thủ quốc gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đang diễn ra ở Kazakhstan nhằm gia tăng ảnh hưởng ở khu vực chiến lược Trung Á.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, bên lề hội nghị SCO tại Astana, Kazakhstan. Ảnh: Spunik

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, bên lề hội nghị SCO tại Astana, Kazakhstan. Ảnh: Spunik

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thủ đô Astana, Kazakhstan để tham dự hội nghị SCO 24 - một liên minh khu vực do Bắc Kinh đứng đầu bao gồm các quốc gia Trung Á, Ấn Độ, Iran và Pakistan nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ trong các vấn đề quốc tế.

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp hôm 3-7, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định rằng mối quan hệ giữa Nga - Trung Quốc đang bền chặt hơn bao giờ hết và coi SCO là công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy các chính sách đối ngoại của hai nước.

"Quan hệ Nga - Trung, quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược của chúng ta đang trải qua giai đoạn tốt nhất trong lịch sử", ông Putin nêu rõ.

Mátxcơva và Bắc Kinh đã tăng cường mối quan hệ chính trị, quân sự và kinh tế kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022.

Cả hai nước đang cố gắng thúc đẩy các tổ chức và liên minh để đẩy lùi ảnh hưởng của phương Tây tại các khu vực mà họ coi là sân sau của mình. Tổng thống Putin cho biết, SCO đang "tăng cường vai trò là một trong những trụ cột chính của trật tự thế giới đa cực công bằng".

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Mátxcơva và Bắc Kinh cần tiếp tục phát triển quan hệ bất chấp tình hình toàn cầu khó khăn.

"Trước tình hình quốc tế và môi trường bên ngoài đầy biến động, hai bên nên tiếp tục duy trì nguyện vọng ban đầu về tình hữu nghị cho các thế hệ mai sau", Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Vladimir Putin trong bài phát biểu khai mạc ngắn gọn.

Mặc dù đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược "không giới hạn" chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, Mátxcơva và Bắc Kinh vẫn là đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực Trung Á.

Năm quốc gia Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và có mối quan hệ lịch sử về văn hóa, ngôn ngữ và kinh tế với Nga. Nhưng sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc và hoạt động đầu tư mạnh mẽ đã thách thức ảnh hưởng của Nga.

Trung Á, khu vực đóng vai trò quan trọng trong dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc, giàu tài nguyên thiên nhiên và rất quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa trên bộ giữa Trung Quốc và châu Âu.

Hiện SCO với chín thành viên đã được bổ sung thêm 14 "đối tác đối thoại", như Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia vùng Vịnh.

Tổng thống Putin cũng đã gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị SCO.

Theo thông báo từ Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã nói với Tổng thống Putin rằng Thổ Nhĩ Kỳ "có thể đặt nền tảng cho sự đồng thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, trước tiên là bằng lệnh ngừng bắn và sau đó là bằng hòa bình". "Một nền hòa bình công bằng có thể làm hài lòng cả hai bên là điều hoàn toàn có thể",

Đồng minh thân cận của Nga là Belarus sẽ chính thức gia nhập SCO trong hôm nay (4-7). Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng sẽ phát biểu tại hội nghị.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nga-trung-quoc-gia-tang-anh-huong-tai-khu-vuc-trung-a-671163.html
Zalo