Nga trình làng hệ thống tên lửa bờ Rubezh-ME tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 19 đến 22-12 tại Hà Nội, Nga sẽ lần đầu tiên giới thiệu đầy đủ hệ thống tên lửa bờ Rubezh-ME.
Theo thông tin giới thiệu chính thức, hệ thống Rubezh-ME có thể sử dụng các loại tên lửa hành trình chống hạm hiện đại, đem lại sức mạnh hỏa lực đáng kể. Được vận hành bởi 2 người, hệ thống này nổi bật với thiết kế gọn, tính cơ động cao cùng với khả năng “né” bị phát hiện và chống các biện pháp đối phó mạnh từ phía đối phương.
Tổ hợp tên lửa bờ này được ví như “tàu tên lửa trên hệ thống bánh xe” khi các thành phần của tổ hợp như hệ thống chỉ thị mục tiêu và chiến đấu đều được lắp đặt trên một nền tảng duy nhất. Theo đó, toàn bộ trung tâm điều khiển, radar, hệ thống liên lạc và bệ phóng tên lửa được tích hợp trên khung gầm xe tải KamAZ. Điều này cho phép Rubezh-ME có thể hoạt động như một đơn vị chiến đấu độc lập hoặc kết hợp với nhau thành khẩu đội với tối đa 8 xe. Hệ thống tên lửa bờ này có thể chiến đấu hiệu quả chống lại các tàu mặt nước trong khu vực ven biển với số lượng vũ khí và phương tiện kỹ thuật tối thiểu. Một khẩu đội Rubezh-ME có thể phóng tới 32 tên lửa hành trình chống hạm, đủ để phá vỡ hoạt động của một nhóm tác chiến lớn của đối phương. Sau khi phóng, hệ thống sẽ cần khoảng 30-40 phút để tái nạp đạn cho các xe phóng.
Theo nhà sản xuất, hệ thống mới này, với bệ phóng cho 4 tên lửa, có thể phát hiện và tấn công nhiều mục tiêu trên mặt nước bằng tên lửa chống hạm Kh-35U Uran vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, trong mọi điều kiện thời tiết và thậm chí trong điều kiện đối phương tiến hành hoạt động tác chiến điện tử và phòng không. Tên lửa Kh-35UE, vũ khí chính của Rubezh-ME, mang động cơ phản lực cỡ nhỏ, đạt tốc độ khoảng 1.225km/giờ và tầm bay 260km đối với phiên bản xuất khẩu và lên tới 450-500km đối với phiên bản nội địa.
Tên lửa có chiều dài khoảng 4,4m, đường kính 42cm, sải cánh 1,33m. Được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt nước như tàu chiến có trọng tải lên đến 5.000 tấn, tên lửa chống hạm này bay ở độ cao khoảng 10m so với đỉnh sóng trong giai đoạn bay hành trình và khoảng 3-4m trong giai đoạn bay cuối, kết hợp với tiết diện radar nhỏ, khiến nó khó bị phát hiện và đánh chặn.
Hệ thống sử dụng radar SPU-A hoặc trạm radar thụ động SPU-P nhằm phát hiện mục tiêu độc lập. Radar chủ động phát hiện mục tiêu trên mặt nước cách xa tới 250km, trong khi radar thụ động có thể phát hiện mục tiêu cách xa tới 500km.
Bên cạnh đó, so với các hệ thống thế hệ tiền nhiệm, Rubezh-ME nhỏ gọn hơn, cơ động hơn và có thể di chuyển trên đường công cộng. Các chuyên gia nhận định Rubezh có thể hoạt động hiệu quả trong nhiều môi trường và tình huống chiến đấu khác nhau, từ biển, bờ biển đến các khu vực đất liền.
Quá trình phát triển Rubezh-M bắt đầu vào giữa những năm của thập niên 2010 và kết thúc vào cuối thập kỷ. Đến đầu năm 2019, các tài liệu tiết lộ các tính năng và thông số chính được công bố. Vào tháng 7-2019, phiên bản thử nghiệm của Rubezh-M/ME với bệ phóng và trạm điều khiển lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng tại Triển lãm Hải quân Quốc tế lần thứ 9 (IMDS-2019) tại St. Petersburg.
Các cuộc thử nghiệm hệ thống bắt đầu vào cuối những năm của thập niên 2010 và đạt được kết quả khả quan. Khoảng 10 năm sau, nhà phát triển thông báo sẽ kết thúc quá trình thử nghiệm vào cuối năm 2021. Với biên giới biển trải dài hơn 39.000km (gần bằng chiều dài đường xích đạo), hệ thống tên lửa bờ Rubezh-M/ME được coi là sự bổ sung thiết yếu cho năng lực pháo binh bờ biển của quân đội Nga.