Nga có thể giúp Trung Quốc và Ấn Độ 'làm lành' trở lại

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tin tưởng và thân thiết với Nga. Trong tình hình mới hiện nay, Nga có thể là xúc tác hàn gắn quan hệ giữa 2 cường quốc châu Á láng giềng cùng sở hữu vũ khí hạt nhân này.

Một học giả Trung Quốc về địa chính trị khu vực mới đây cho hay, vai trò của Nga trong việc làm trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và Ấn Độ là điều không thể xem nhẹ.

Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Modi, và Chủ tịch Trung Quốc Tập bên lề thượng đỉnh G20. Ảnh: EPA.

Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Modi, và Chủ tịch Trung Quốc Tập bên lề thượng đỉnh G20. Ảnh: EPA.

Hu Shisheng – chuyên gia hàng đầu về quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ, cũng dự báo “một biên giới ổn định hơn” giữa hai cường quốc châu Á trong năm 2022 mặc dù tình trạng đối đầu giữa họ dọc theo biên giới có tranh chấp có khả năng vẫn tiếp diễn.

Các đánh giá của ông Hu – giám đốc Viện nghiên cứu Nam Á, Đông Nam Á và châu Úc thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR) nằm trong một bài phân tích được xuất bản trên website của CICIR vào ngày 5/1/2022.

Chất keo Nga

Quan hệ giữa Nga và hai nước láng giềng khổng lồ đã là tâm điểm chú ý của dư luận trong vài tuần gần đây, sau khi Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chào nhau nồng ấm trong bức ảnh chụp vào ngày 6/12/2021.

Tổng thống Putin khi đó tới New Delhi để dự hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn Độ lần thứ 21. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ 2 của ông Putin kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây 2 năm. Trong hội nghị này, hai nhà lãnh đạo tái khắng định điều mà ông Putin gọi là mối quan hệ “đã được thử thách qua thời gian”.

Chín ngày sau đó, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức một cuộc họp trực tuyến – đây là cuộc họp trực tuyến thứ 7 giữa 2 người kể từ khi đại dịch bắt đầu. Trong cuộc họp này, ông Putin đề xuất một hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Ấn Độ, theo nguồn tin là một trợ lý.

Lúc đó, trợ lý của Tổng thống Nga – Yury Ushakov, nói với hãng thông tấn Tass rằng các ông Tập và Putin “nhất trí tiếp tục trao đổi quan điểm về việc này và nỗ lực tổ chức thượng đỉnh kế tiếp trong khuôn khổ RIC (Nga-Ấn Độ-Trung Quốc) trong tương lai gần”.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều xem Nga là một đối tác chiến lược quan trọng. Còn Nga, đang đối diện với thái độ thù địch ngày càng tăng từ phương Tây, “sẽ không muốn chứng kiến Ấn Độ và Trung Quốc đánh lẫn nhau”, theo bài viết của ông Hu.

Đối với Bắc Kinh, một mối quan hệ ổn định với New Delhi có thể giúp bù trừ cho áp lực từ Quad – liên minh an ninh phi chính thức 4 bên gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia, và Nhật Bản được xem là một phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt nhằm ứng phó với Trung Quốc.

Trung Quốc, Ấn Độ, và Nga là thành viên một số diễn đàn đa phương, bao gồm nhóm G20, nhóm BRIC, cũng như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – một liên minh chính trị và an ninh Á-Âu bao gồm 4 nước Trung Á và Pakistan.

Theo ông Hu, một nền tảng mới cho quan hệ Nga-Ấn Độ-Trung Quốc có thể “hiện thực hóa các tương tác chiến lược tích cực hơn giữa 3 nước, từ đó làm tăng nhân tố ổn định trong quan hệ Trung-Ấn nói chung”.

Xu hướng dịu hóa bên cạnh đối đầu

Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ rớt xuống mức thấp nhất vào năm 2020, sau khi lính biên phòng hai bên có vụ đụng độ đẫm máu nhất trong 45 năm, vào tháng 6 năm đó.

Bạo lực ở thung lũng Galwan, trong khu vực biên giới Tây Himalaya gần Tây Tạng, đã dẫn tới tình trạng đối đầu căng thẳng, kéo theo ít nhất 13 vòng đàm phán quân sự cho tới nay giữa 2 nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã hoàn thành việc cách ly quân sự tại một số điểm xảy ra va chạm nhưng quân hai bên vẫn đóng chốt ở khu vực này và căng thẳng thỉnh thoảng lại bùng phát.

Vào ngày 7/1/2022, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố của Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đang xây dựng một cây cầu bắc qua hồ Pangong mà cả hai bên cùng tranh chấp dữ dội.

Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ chỉ trích quyết định của Trung Quốc đặt lại tên cho nhiều vị trí dọc theo biên giới tranh chấp giữa 2 bên ở khu vực Đông Himalaya. Ấn Độ coi vùng này là bang Arunachal Pradesh (nằm ở đông bắc), còn Trung Quốc coi đây là một phần của vùng Nam Tây Tạng thuộc Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ - Arindam Bagchi, coi việc đổi lại tên nói trên là điều lố bịch, và hối thúc phía Trung Quốc không làm phức tạp hơn nữa mối quan hệ song phương.

Tuy nhiên, học giả Hu dự báo rằng dù quan hệ giữa hai bên là lạnh nhạt, khả năng đối đầu sẽ ít xảy ra.

Ông Hu nhận xét, chưa có vụ đụng độ lớn nào xảy ở biên giới giữa 2 nước vào năm 2021, và hai đụng độ nhỏ (xảy ra và tháng 8 và tháng 10) đã được xử lý hiệu quả ngay từ đầu, và điều này cho thấy hai nước đã chú ý nhiều tới hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới”.

Với vẻ lạc quan, học giả Hu cho rằng Ấn Độ và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau, như trong kiểm soát dịch bệnh, chống khủng bố, ổn định khu vực và biến đổi khí hậu, từ đó giảm nhẹ căng thẳng trong quan hệ song phương./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: SCMP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-co-the-giup-trung-quoc-va-an-do-lam-lanh-tro-lai-post917386.vov
Zalo