Nga chạy đua với thời gian, tấn công Ukraine trên khắp các mặt trận
Quân đội Nga đang mở rộng quy mô tấn công trên hầu khắp các mặt trận chủ chốt tại Ukraine, buộc Kiev phải dàn mỏng lượng nhằm ngăn chặn đà tiến của đối phương. Tại thời điểm này, cả hai bên đều khẩn trương tìm kiếm thêm lợi thế trên chiến trường trước khi bước vào mùa đông khắc nghiệt.
Nga tăng tốc tấn công
Việc Nga tăng tốc trên gần như toàn bộ các mặt trận không chỉ đơn thuần là một bước leo thang quân sự mà còn nhằm tối đa hóa lợi ích trên thực địa trước khi chính thức ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine. Các nhà quan sát quốc tế nhận định rằng, nếu Nga có thể chiếm giữ được các khu vực then chốt như Pokrovsk và đẩy chiến tuyến sâu vào vùng Dnipropetrovsk, họ sẽ có “quân bài mạnh” trên bàn đàm phán hòa bình – nơi quyền kiểm soát thực địa luôn là yếu tố chi phối các nhượng bộ chính trị.
Tại khu vực Pokrovsk ở miền Đông Ukraine, quân Nga dường như đang "nắm kèo trên". Nếu chiếm được thành phố này, Nga sẽ không chỉ giành được thắng lợi quân sự mang tính biểu tượng mà còn tiến gần hơn tới mục tiêu giành quyền kiểm soát hoàn toàn Donetsk. Các nguồn tin từ chiến trường báo cáo rằng, phạm vi giao tranh giữa Nga và Ukraine đã lan đến sát ranh giới của tỉnh Dnipropetrovsk - một dấu hiệu nguy hiểm cho thấy xung đột có khả năng lan rộng trong thời gian tới.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Reuters
Trong nỗ lực làm chậm bước tiến của Moscow ở mặt trận phía Đông, lực lượng Ukraine đang tìm cách giữ chân những đơn vị tinh nhuệ và dày dạn kinh nghiệm nhất của Nga ở khu vực Sumy, cách đó hàng trăm km về phía Đông Bắc.
“Mục tiêu hàng đầu của Ukraine hiện nay là ngăn chặn hoặc làm làm trì hoãn bước tiến của Nga tại trung tâm công nghiệp Donbas, bao gồm Donetsk và Lugansk", chuyên gia quân sự Sergey Radchenko nhận định. Theo ông Radchenko, nếu làm được điều đó, Ukraine có thể sử dụng "thành tựu này" làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga sau này.
Ông Radchenko nhận định, đến mùa thu, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh gây khó khăn cho các hoạt động tấn công, Nga có thể nghĩ lại về khả năng ngồi vào bàn đàm phán, ít nhất là để thảo luận về một thỏa thuận đình chiến ngắn hạn, nhằm đóng băng xung đột hiện thời.
Ở vùng Sumy, Nga đang chia quân thành từng nhóm nhỏ, sử dụng bom lượn, máy bay không người lái UAV và bộ binh để tấn công các vị trí của Ukraine. Tuyến phòng thủ của Ukraine ở khu vực này, dù chịu áp lực nặng nề, vẫn kiên cường trụ vững trước hỏa lực Nga.
Tướng Oleksandr Syrskyi, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết quân đội Ukraine đã chủ động mở rộng hoạt động quân sự tại vùng Sumy từ tháng 4/2025, bao gồm cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực Kursk của Nga. Mục tiêu của Kiev nhằm ngăn chặn khoảng 60.000 binh sĩ Nga tinh nhuệ được điều động tiếp viện cho các mặt trận then chốt ở miền Đông và miền Nam Ukraine, nơi các trận chiến ác liệt đang diễn ra tại Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson.
Chiến lược này không vấp phải những lời chỉ trích. Một số chỉ huy cho rằng việc triển khai dàn trải khiến quân số hao hụt và thương vong không đáng có. Tuy nhiên, kết quả đạt được rất rõ ràng: lực lượng Ukraine đã buộc khoảng 10.000 lính Nga phải đóng chốt tại quận Glushkovsky, vùng Kursk – nơi Ukraine vẫn giữ được một chốt nhỏ dù phần lớn khu vực đã bị quân Nga kiểm soát từ đầu năm.
Tuy vậy, mặt trận khốc liệt nhất vẫn là Donetsk – nơi Nga đang tiến sát tới mục tiêu kiểm soát hoàn toàn Donetsk và Lugansk. Tuy không thể đánh trực diện vào Pokrovsk, quân Nga tìm cách bao vây thành phố, một động thái chiến thuật buộc họ phải mở rộng chiến trường sang ranh giới tỉnh Dnipropetrovsk.
Ukraine rơi vào thế hiểm
Thời gian không đứng về phía Kiev. Lực lượng vũ trang Ukraine đang chật vật với tình trạng thiếu binh sĩ và vũ khí nghiêm trọng trải dài trên tuyến chiến hơn 1.200 km. Theo phó chỉ huy tiểu đoàn Da Vinci Wolves, ông Oleksii Makhrinskyi, nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này không phải là tấn công, mà là giữ vững vị trí và bảo tồn quân lực.
Các chỉ huy mô tả tình hình trên tiền tuyến như một "cuộc chiến tiêu hao" khắc nghiệt, nơi việc thay quân cũng trở thành vô cùng nguy hiểm dưới tầm quan sát dày đặc của máy bay không người lái (UAV). Lính Ukraine phải cố thủ tại chốt hàng tuần, đôi khi hàng tháng, sống nhờ nguồn tiếp tế thả bằng UAV.
Chỉ huy Andrii Nazerenko của Lữ đoàn UAV 72 nhận định Nga đang cố tiến vào Dnipropetrovsk với mục tiêu rõ ràng: giành vị thế chính trị thuận lợi trong trường hợp các tổng thống bước vào bàn đàm phán.
“Họ đang tiến rất gần tới điều họ muốn", ông Nazerenko cảnh báo.
Sự hỗ trợ của Mỹ vẫn là ẩn số
Trong lúc chiến sự leo thang, mọi con mắt tại Kiev đổ dồn về phía Washington – chính xác hơn là về phía Tổng thống Donald Trump. Sau cuộc gặp ngắn bên lề thượng đỉnh NATO, Tổng thống Zelensky kỳ vọng sẽ nhận được cam kết rõ ràng hơn từ Trump về việc duy trì viện trợ quân sự, đặc biệt là gói vũ khí phòng thủ với các hệ thống tên lửa Patriot được châu Âu đồng tài trợ.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa công bố cụ thể các loại vũ khí đang bị giữ lại, giữa lúc Lầu Năm Góc tiến hành rà soát kho dự trữ quốc phòng trong bối cảnh lo ngại về năng lực ứng phó lâu dài.
Ông Zelensky cũng hy vọng người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ ủng hộ việc gia tăng trừng phạt nhằm vào các ngành năng lượng và ngân hàng của Nga, nhằm ngăn Moscow tiếp tục chiến sự với Kiev, Tổng thống Ukraine kêu gọi áp giá trần 30 USD/thùng đối với dầu mỏ Nga – một đề xuất đang được giới chức châu Âu xem xét.
Đặc phái viên EU David O’Sullivan cho rằng châu Âu cần tiếp tục gia tăng sức ép, đồng thời để ngỏ khả năng đàm phán nếu Nga có dấu hiệu "hành xử có trách nhiệm hơn".
Một chủ đề khác đang được các đồng minh thân cận nhất của Ukraine thúc đẩy là triển khai lực lượng quốc tế sau thỏa thuận ngừng bắn, nhằm đảm bảo hòa bình lâu dài ở quốc gia Đông Âu này. Trong trường hợp Ukraine chưa thể gia nhập NATO trong tương lai gần, đây có thể là biện pháp bảo đảm an ninh thực tế nhất dành cho Kiev.
Tình hình hiện tại cho thấy cán cân chiến trường đang có xu hướng nghiêng về phía Nga, ít nhất là trên thực địa. Trong khi Nga chủ động gia tăng áp lực quân sự để củng cố vị thế trước thời điểm đàm phán, Ukraine lại phải chống đỡ trong thế bị động, với nguồn lực hạn chế. Cuộc chiến bước sang giai đoạn mới, nơi câu hỏi không còn là ai thắng, ai thua, mà là ai trụ được lâu hơn để đạt được điều mình muốn trên bàn cờ chính trị.