'Nền kinh tế bạc' Trung Quốc chạm ngưỡng 2.000 tỷ USD

Ngày 30-6, SCMP cho biết, giá trị lĩnh vực kinh tế phục vụ người cao tuổi tại Trung Quốc đã đạt mốc 2.000 tỷ USD trong bối cảnh dân số nước này cũng có xu hướng già hóa.

Hoạt động kinh tế phục vụ cho người cao tuổi của Trung Quốc mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây. Ảnh: SCMP.

Hoạt động kinh tế phục vụ cho người cao tuổi của Trung Quốc mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây. Ảnh: SCMP.

Theo SCMP, du lịch giá rẻ, thương mại điện tử, livestream bởi người cao tuổi, mặt hàng rượu lúa miến (thức uống có cồn nồng độ cao) nằm trong số những dịch vụ được người cao tuổi tại Trung Quốc quan tâm hàng đầu.

"Với sự phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng, tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh giảm, Trung Quốc đang dần chuyển đổi thành một xã hội già" - SCMP nhận định.

Theo tờ báo này, chính sách một con mà Trung Quốc duy trì từ năm 1979 đến năm 2015 đã góp phần đẩy nhanh xu hướng này.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, lĩnh vực dịch vụ và sản phẩm dành cho người trung niên và người cao tuổi Trung Quốc rất nhiều tiềm năng để đầu tư và tăng trưởng.

Tiềm năng đó đang nhận được sự chú ý. Phát biểu khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 15 của các nhà tiên phong Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Đại Liên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng nhấn mạnh, Bắc Kinh đang tìm cách cải thiện các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, qua đó thúc đẩy "nền kinh tế bạc" (tức nền kinh tế phục vụ người cao tuổi).

Cũng theo thống kê của QuantaSing (Trung Quốc), người dân Trung Quốc ở độ tuổi cuối 40 và 50 hiện nay có xu hướng khá giả hơn so với những người đồng hương trẻ tuổi. Lý do là bởi họ được hưởng mức lương của người lao động cao cấp và phần lớn không còn chịu gánh nặng tài chính từ các khoản thế chấp hoặc thất nghiệp.

Trong lĩnh vực du lịch, có tới 60% người Trung Quốc trên 45 tuổi đi du lịch ba lần trở lên mỗi năm, mặc dù "chi phí cao" và thiếu "lựa chọn phù hợp" vẫn là rào cản, theo một đánh giá của China Insights Consultancy.

Đáng chú ý, có 34,7% người từ 45 tuổi trở lên coi các nền tảng trực tuyến là một kênh mua sắm thường ngày, trong khi chỉ có 11,3% những người trên 75 tuổi làm như vậy.

Theo thống kê của Tổ chức Y thế thế giới (WHO), Trung Quốc có 254 triệu người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2019. WHO ước tính, nước này sẽ có 402 triệu người - tương đương 28% dân số - nằm trong độ tuổi đó vào năm 2040. Trong khi đó, khoảng 44% dân số Trung Quốc lúc này đã trên 45 tuổi.

SCMP kết luận, những đặc điểm nêu trên khiến nhóm dân số từ 45 đến 60 tuổi là nguồn lực phát triển đầy giá trị cho thị trường tiêu dùng Trung Quốc.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nen-kinh-te-bac-trung-quoc-cham-nguong-2-000-ty-usd-670743.html
Zalo