Nấu ăn bằng lục bát

HNN - Đưa nấu ăn vào thơ ca là điều dân gian xưa đã từng làm. Và tôi, từ kho tàng tục ngữ, ca dao của mạ, tôi học thêm nhiều kinh nghiệm bếp núc dân dã mà sâu sắc.

Bìa cuốn sách “Ẩm thực đạo thi”

Bìa cuốn sách “Ẩm thực đạo thi”

Học tập người xưa, vào tháng 6/2025, một hậu duệ dòng họ khoa bảng nổi tiếng ở Huế trình làng quyển sách dạy nấu ăn thứ 7 của mình mang tên “Ẩm thực đạo thi”. Điểm đặc biệt, toàn bộ sách được viết bằng lục bát - một thể thơ độc đáo của người Việt, mang đậm hồn Việt, nhịp nhàng và dễ nhớ. Đó là nhà thơ, nghệ nhân văn hóa ẩm thực Việt Nam Hồ Đắc Thiếu Anh, một người con của làng Chuồn (làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang cũ, nay thuộc phường Mỹ Thượng, thành phố Huế).

Cuốn sách “Ẩm thực đạo thi” dày hơn 120 trang do Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Hình minh họa các món ẩm thực là những bức tranh vẽ bằng màu nước, nhìn rất cuốn hút. Những lớp màu trong suốt vừa thể hiện được màu sắc của món ăn vừa biểu đạt những yêu thương, sự tỉ mỉ mà người nấu gửi gắm trong đó. Việc lựa chọn loại hình tranh minh họa này góp một phần vào thành công của cuốn sách.

“Ẩm thực đạo thi” gồm hai phần. Phần 1 là cách thức chọn lựa nguyên liệu và nấu 17 món ăn cả mặn và chay, kinh nghiệm khắc phục các “sự cố” cơm khê, cơm sống, nấu nướng mặn, nhạt... Phần 2 giới thiệu chân dung nhà thơ, nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh qua những bài báo, bài phỏng vấn đăng trên các tờ báo lớn trong cả nước.

17 món trong “Ẩm thực đạo thi”, mỗi món là một bài thơ lục bát, có độ dài từ 22 câu đến hơn 50 câu. Có sự dài ngắn này là do mỗi bài thơ chứa đựng cách thức nấu của một thể loại món chung nhất trong mâm cơm hàng ngày của người Việt như cơm, canh, luộc, kho, xào, muối, mắm... nên 17 bài thơ mà chỉ bày cách nấu đến 60 món ăn.

Người chưa biết nấu ăn có thể đọc và nắm được quy cách chung nhất để rồi chế biến các món với các loại nguyên liệu khác nhau, tùy sở thích. Với món canh, có cách thức nấu tất cả các loại canh: rau, cá, thịt, khổ qua, đậu hủ, canh chua, canh chay. Hay với món mắm mặn, có công thức làm và chế biến mắm của cả ba miền: mắm cá tươi, tôm nõn, cua đồng, mắm ruốc, mắm cà, “mắm rò, mắm tép, mặn mà mắm nêm”, mắm Thái bề bề Châu Đốc, mắm cá lóc đu đủ, mắm tôm Hà Nội; và tài tình nhất là món muối, có đủ các món muối của người Việt, từ muối khô như muối mè, muối đậu đến các loại món ăn nhờ muối lên men như muối tôm (tép), muối cà, dưa gang, dưa chuột, cải bắp, bẹ môn...

Vì thế, “Ẩm thực đạo thi” không chỉ là một tập thơ mà là cuốn sách có giá trị như một tổng luận cách thức nấu các món ăn trong bữa cơm hàng ngày của người Việt ở cả ba miền. Ở đó có những câu thơ có giá trị đúc kết kinh nghiệm như tục ngữ với những “từ khóa” dễ nhớ, dễ thuộc như: “Bí bầu nấu với tôm sông”, “Canh chua ưa ngổ, canh rau ưa hành”, “Mít nêm sân, lốt, chay nêm cần, ngò”, “Bò teo heo nở nên đừng nấu chung”...

Trong lời mở đầu của “Ẩm thực đạo thi”, nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh nói rằng, với bà “Nấu ăn như thể nói lời yêu thương”. Vì yêu thương con người, yêu thương bếp núc, yêu thương nguyên, vật liệu trong trời đất nên bà trao truyền hết kho kiến thức về ẩm thực, sự hiểu biết cuộc đời, kinh nghiệm nấu nướng mà bà học được từ gia đình, từ trải nghiệm của bản thân, gửi tặng tất cả mọi người. Mong rằng ai cũng có thể nấu một bữa ăn ngon lành, giữ ngọn lửa ấm gia đình qua mâm cơm đậm đà hương vị quê hương.

Trong con người Việt Nam, ai cũng có một phần tâm hồn được nuôi dưỡng bằng ca dao, tục ngữ qua lời ru của bà, của mẹ hay trong những câu hát dân ca. Hãy mở quyển sách “Ẩm thực đạo thi” của nhà thơ, nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh để thêm một lần nữa được tắm mát trong suối nguồn ngôn ngữ trong sáng của tiếng Việt, trong vần điệu mượt mà của thể thơ lục bát, ngắm những bức tranh ẩm thực màu nước sắc nét như thấy có bóng bà, bóng mẹ đang lui cui dưới bếp, nghĩ về việc hôm nay sẽ nấu món gì cho gia đình thân yêu của mình:

“Tôm rằn, bạc thẻ sông quê

Em khéo đi chợ mua về món ngon”.

Nguyễn Khoa Diệu Hà (giới thiệu)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/nau-an-bang-luc-bat-155755.html
Zalo