'NATO nhỏ' ở Bắc Âu

Dù được cho là thảo luận cả các vấn đề dân sự nhưng cuộc gặp của Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb thực chất nghiêng về lĩnh vực quân sự.

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store (trái), gặp người đồng cấp Thụy Điển, Ulf Kristersson (giữa) và Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb (phải). (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store (trái), gặp người đồng cấp Thụy Điển, Ulf Kristersson (giữa) và Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb (phải). (Nguồn: Reuters)

Ngoài việc diễn ra tại thị trấn Bodo ngay sát trụ sở tác chiến chung của Lực lượng vũ trang Na Uy ở Reitan, các nghi lễ của cuộc gặp cũng nặng tính quân sự. Chẳng hạn, nơi ông Gahr Store đón Thủ tướng Thụy Điển và Tổng thống Phần Lan là trên tàu bảo vệ bờ biển KV Svalbard đang trú tại cảng Bodo. Cuộc gặp có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng ba nước.

Việc tổ chức cuộc gặp thường niên giữa Thủ tướng Na Uy, Thụy Điển và Tổng thống Phần Lan được khởi xướng vào năm ngoái tại Harpsund, Thụy Điển. Nó được thúc đẩy bởi việc Phần Lan và Thụy Điển mới được kết nạp vào NATO vào năm 2023 và 2024, cũng như những biến động ở châu Âu khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Không chỉ chia sẻ trách nhiệm trong NATO, ba nước Bắc Âu này còn đang muốn khẳng định vai trò như một “NATO nhỏ” trong khu vực. Chính vì thế, nội dung cuộc gặp lần này là nhằm phối hợp quan điểm của Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan trước Hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này tại Washington (Mỹ) vào tháng Bảy tới.

Để tăng cường liên kết, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan đang lên kế hoạch chung về việc mua các trang thiết bị quân sự tiên tiến. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm về mặt kinh tế, mà còn tạo thuận lợi trong hợp tác về hậu cần, bảo dưỡng, bảo trì. Ba nước còn muốn thể hiện vai trò của mình trong NATO bằng việc độc quyền cung cấp kiến thức chuyên môn về các hoạt động ở Bắc Cực, điều mà các đồng minh NATO khác không có.

Người ta có thể thấy được nhiều tiềm năng từ mối quan hệ giữa Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Chỉ có điều, tăng cường liên kết quân sự và hình thành “NATO nhỏ” ở Bắc Âu thì chắc gì sẽ đem lại lợi ích an ninh cho khu vực.

TIẾN THÀNH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nato-nho-o-bac-au-275685.html
Zalo