NATO khẩn cấp điều tiêm kích do phát hiện chiến đấu cơ Ukraine xâm phạm không phận

Bốn máy bay quân sự của Ukraine,trong đó ít nhất một chiếc được cho là chiến đấu cơ Su-27, đã vô tình xâm nhập không phận Romania, khiến NATO phải điều động máy bay tiêm kích phản ứng khẩn cấp.

Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Campia Turzil ở Romanis. Ảnh: AFP/TTXVN

Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Campia Turzil ở Romanis. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo The Kyiv Post chiều 23/7, theo giờ địa phương, cho biết các tiêm kích F-16 và Typhoon của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã xuất kích sau khi bốn “mục tiêu trên không” của Ukraine “vô tình xâm nhập” không phận Romania. Theo đúng luật pháp quốc tế, các máy bay Ukraine không bị khai hỏa.

Cc tuyên bố chính thức của Romania và các báo cáo tin tức địa phương cho hay bốn máy bay quân sự của Ukraine, trong đó ít nhất một chiếc có thể là tiêm kích Su-27 của Không quân Ukraine, đã vô tình vượt qua Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) phía Đông của NATO và bay qua Romania vào rạng sáng thứ Hai (21/7).

Sự cố xảy ra trong lúc Liên bang Nga thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn bằng thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa nhắm vào nhiều mục tiêu trên khắp Ukraine, trong đó khoảng một phần ba số vũ khí tấn công của Liên bang Nga nhằm vào thành phố Ivano-Frankivsk ở miền Tây Ukraine, gần biên giới với Romania.

Trong một tuyên bố vào thứ Hai (21/7), Bộ Quốc phòng Romania cho biết các radar phòng không của NATO đã phát hiện 12 máy bay Ukraine bay về hướng Tây vào lúc 3 giờ sáng, theo giờ mùa hè Đông Âu sau khi chúng phải cất cánh khẩn cấp để tránh bị tiêu diệt trên mặt đất bởi tên lửa và thiết bị bay không người lái của Liên bang Nga hướng mục tiêu vào “cơ sở hạ tầng sân bay” của Ukraine.

Theo tuyên bố chính thức của Romania, quỹ đạo bay của bốn trong số 12 máy bay Ukraine đã đi vào không phận Romania, gần các thành phố Sighetu Marmației và Vicovu de Sus, và các máy bay này đã bay trên lãnh thổ NATO “trong vài phút” trước khi quay trở lại không phận Ukraine.

Tuyên bố cũng nêu rõ không có mối đe dọa nào đối với an ninh quốc gia Romania và không có người hay tài sản nào của Romania bị thiệt hại trong sự cố này.

Một đoạn video được tải lên Facebook (xem dưới đây) bởi một người dùng Romania cho thấy một chiếc tiêm kích Su-27 thời Liên Xô đang bay ở độ cao khoảng 500 feet (khoảng 150 mét).

Su-27 là một loại tiêm kích chủ lực, được Không quân Ukraine sử dụng trong thời gian dài. Loại máy bay này không được sử dụng bởi bất kỳ quân đội nào thuộc NATO hiện nay. Các hãng truyền thông chính thống Ukraine đã đưa tin rộng rãi về video này và xác nhận rằng đó là một máy bay quân sự Ukraine đã bay qua Romania.

Sau đó, Không quân Ukraine xác nhận một máy bay quân sự đã xâm nhập không phận Romania trong khi đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, nhưng không cung cấp chi tiết.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Romania, hai tiêm kích F-16 của Romania đã cất cánh lúc khoảng 3h30 sáng (giờ mùa hè Đông Âu) từ Căn cứ Không quân số 86 tại Borcea để thực hiện “các nhiệm vụ trinh sát trên không”.

Vào khoảng 5h00 sáng, một cặp tiêm kích Eurofighter Typhoon của Không quân Italy cũng đã cất cánh từ Căn cứ Không quân số 57 tại Mihail Kogălniceanu để hỗ trợ.

Tất cả bốn tiêm kích của NATO đã trở về căn cứ vào lúc 7 giờ sáng.

Vụ việc nêu trên xảy ra khi Liên bang Nga tiếp tục ra đòn không kích nặng nề nhằm vào các mục tiêu ở Ukraine, với sự tham gia của tổng cộng 426 thiết bị bay không người lái (bao gồm cả máy bay tấn công và mồi nhử), cùng với 24 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Các thành phố chính bị nhắm mục tiêu gồm thủ đô Kiev, thành phố Ivano-Frankivsk ở phía Tây, thành phố Odesa ở phía Nam và thành phố Kharkiv ở phía Đông Bắc.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một tuyên bố vào tối cùng ngày rằng các cuộc không kích của Liên bang Nga đã khiến hai người thiệt mạng và 15 người bị thương – tất cả đều là dân thường.

Người phát ngôn của Không quân Ukraine sau đó khẳng định lực lượng phòng không ngày 21/7 đã bắn hạ hoặc vô hiệu hóa 403 trong số 426 vũ khí của Liên bang Nga tham gia cuộc tấn công.

Thị trưởng Ivano-Frankivsk, ông Ruslan Martsinkiv, phát biểu với truyền thông địa phương rằng vụ tấn công vào thành phố của ông là cuộc tấn công lớn nhất kể từ khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Các báo cáo cho biết các khu công nghiệp và kho hàng đã bị trúng đạn, làm bốn người bị thương, trong đó có một trẻ em.

Trong tuyên bố đưa ra vào buổi tối cùng ngày, ông Zelensky nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công của Liên bang Nga đã phá hủy nhiều tòa nhà dân cư, cơ sở hạ tầng ở Kiev cũng như ở Kharkiv và Ivano-Frankivsk.

Trước tình hình đó, ông Zelensky cho rằng Ukraine “cần nhiều tên lửa đánh chặn hơn”. đồng thời nhấn mạnh: “Đây là giải pháp để chúng ta có thể tự bảo vệ mình”.

Theo báo The Kyiv Post, Liên bang Nga tiến hành không kích các mục tiêu ở Ukraine mỗi ngày – có những ngày chỉ giới hạn bằng các đợt ném bom vào các vị trí tiền tuyến và các thiết bị bay không người lái trinh sát thăm dò hệ thống phòng không Ukraine; nhưng cũng có những ngày huy động sự tham gia của hơn 700 tên lửa và thiết bị bay không người lái cho các đợt không kích quy mô toàn quốc.

Phần lớn các vũ khí Liên bang Nga rơi xuống lãnh thổ Ukraine, nhưng không phải tất cả. Vào ngày 10/7, một thiết bị bay không người lái mồi nhử của Liên bang Nga đã bay xuyên Ukraine, qua Belarus và rơi tại Litva (Lithuania), gần trạm kiểm soát biên giới Šumskas, cách biên giới Belarus khoảng 1km. Không có hệ thống phòng không nào của NATO hay Belarus can thiệp vào thiết bị bay không người lái này.

Lần gần đây nhất NATO xác nhận can thiệp vào vũ khí của Liên bang Nga bay lạc sang lãnh thổ là vào ngày 25/7/2024, khi các đơn vị phòng không Romania được triển khai tại khu vực sông Danube đã sử dụng pháo phòng không Gepard để bắn vào một tốp thiết bị bay không người lái cảm tử của Liên bang Nga, có thể đang trên đường tấn công các kho chứa ngũ cốc và cơ sở bốc dỡ tàu ở thành phố cảng ven sông Izmail của Ukraine.

Các báo cáo cho biết có từ năm đến mười lăm thiết bị bay của Liên bang Nga đã xâm nhập không phận Romania trong quá trình tấn công. Không rõ có bao nhiêu thiết bị bay không người lái của Liên bang Nga bị phòng không Romania bắn hạ, nếu có.

Một thiết bị bay không người lái của Liên bang Nga đã bay sâu 11 km (7 dặm) vào lãnh thổ Romania trước khi rơi xuống. Không có báo cáo nào về thiệt hại đối với người dân hoặc tài sản tại Romania.

Moldova, một quốc gia nằm dọc theo tuyến bay trên sông Danube mà các nhà hoạch định tấn công của Liên bang Nga thường sử dụng để tấn công các cảng sông của Ukraine, gần đây cũng ghi nhận vi phạm không phận bởi thiết bị bay không người lái tấn công của Liên bang Nga vào các ngày 12–13/2 và 16/2. Trong các sự cố đó, hai chiếc thiết bị bay không người lái đã rơi xuống miền Nam Moldova – một quốc gia hậu Xô Viết không phải là thành viên NATO.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nato-khan-cap-dieu-tiem-kich-do-phat-hien-chien-dau-co-ukraine-xam-pham-khong-phan-20250723220607169.htm
Zalo