NATO 'bật đèn xanh' để Ukraine dùng vũ khí ngăn bom lượn Nga tấn công Kharkiv

Động thái dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp có thể giúp Ukraine ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga bằng bom lượn và tên lửa vào Kharkiv.

Một số quốc gia NATO đã dỡ bỏ các hạn chế đối với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí mà họ cung cấp để tấn công mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga. Động thái này sẽ giúp Kiev có thêm cơ hội đánh bại các loại bom lượn có sức tàn phá cao, cùng tên lửa mà Nga sử dụng để tấn công Kharkiv.

Quan điểm của phương Tây thay đổi sau khi Nga triển khai đợt tấn công mới vào khu vực đông bắc Kharkiv từ đầu tháng 5. Giới chức Ukraine cho rằng, những hạn chế trong khả năng sử dụng vũ khí của phương Tây đã ngăn Kiev chặn Nga tập trung quân và phóng bom lượn.

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) của Mỹ hoạt động ở miền nam Ukraine. Ảnh: Wall Street Journal

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) của Mỹ hoạt động ở miền nam Ukraine. Ảnh: Wall Street Journal

Theo tờ Business Insider, cho tới nay, nhiều quốc gia NATO đã dỡ bỏ một phần, hoặc hoàn toàn các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí mà Ukraine được hỗ trợ. Hồi tuần trước, Mỹ cũng thừa nhận đã cho phép Kiev tấn công bên trong lãnh thổ Nga, nhưng chỉ ở các khu vực gần Kharkiv.

Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh hôm 2/6 nhận định, "việc cung cấp các hệ thống phòng không, và dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí của phương Tây đối với Ukraine để tấn công những mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga đóng vai trò rất quan trọng để Kiev đẩy lùi Nga tấn công bằng bom lượn và tên lửa vào thành phố Kharkiv”.

“Những thay đổi chính sách này sẽ cho phép Ukraine sử dụng các hệ thống do phương Tây cung cấp để tấn công khu vực khai hỏa và dàn trận ở biên giới và không phận của Nga”, các nhà phân tích cho hay.

Kể từ khi xung đột bùng nổ, bom lượn đã là mối đe dọa đối với các lực lượng Ukraine, và loại vũ khí này càng trở thành vấn đề nghiêm trọng trong những tuần gần đây khi Nga thường xuyên sử dụng để tấn công thành phố Kharkiv và các khu vực xung quanh. Máy bay Nga có thể phóng bom lượn từ không phận nước này, và nằm ngoài tầm với của các hệ thống phòng không Ukraine.

Để ngăn chặn bom lượn, Ukraine chỉ còn cách đánh chặn máy bay Nga trước khi phóng, hoặc ngăn bom lượn trước khi chúng tấn công mặt đất. Song những vũ khí Ukraine sở hữu lại không làm được việc này. Do đó, những thay đổi về chính sách, và bổ sung năng lực phòng không từ phương Tây có thể tăng cường khả năng đánh chặn cho Kiev.

Ông Matthew Savill, Giám đốc khoa học quân sự tại Viện nghiên cứu RUSI (London), cho rằng các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) như Patriot với tầm bắn khoảng 160km có thể được triển khai gần hơn tới tiền tuyến để bắn hạ máy bay Nga trước khi phóng bom lượn.

Song ông Savill cảnh báo những thay đổi trong chính sách sử dụng vũ khí của phương Tây không hẳn là viên đạn bạc cho Ukraine. Ngoài ra, việc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga cũng sẽ không đủ để Kiev giành chiến thắng trong xung đột.

Hồi tuần trước, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby khẳng định chính sách của Mỹ cấm Ukraine sử dụng ATACMS MGM-140, hoặc tiến hành các cuộc tấn công tầm xa bên trong lãnh thổ Nga vẫn "không thay đổi”.

Giới chức Mỹ cũng nhấn mạnh, Washington vẫn có thể có điều chỉnh sâu hơn trong chính sách, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào diễn biến trên chiến tuyến.

Hiện tại, Ukraine đã chứng minh hiệu quả trong sự thay đổi chính sách của phương Tây. Tuần trước, Kiev được cho đã sử dụng tên lửa bắn từ Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) do Mỹ cung cấp để tấn công các cơ sở phòng không của Nga ở khu vực Belgorod, nằm ngay sát biên giới với Kharkiv. Theo đó, Ukraine đã tấn công các hệ thống phòng không S-300/S-400 của Nga vốn được dùng để nhiều lần tập kích quanh Kharkiv.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nato-bat-den-xanh-de-ukraine-dung-vu-khi-ngan-bom-luon-nga-tan-cong-kharkiv-2287720.html
Zalo