Nạo vét lòng hồ thủy lợi: Quy định chưa rõ, khó thực hiện

Nạo vét công trình thủy lợi (CTTL) nhằm đảm bảo an toàn và tăng dung tích chứa, cũng như nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và du lịch. Tuy nhiên, vì chưa có quy định cụ thể về quy trình, hồ sơ thủ tục, nên hoạt động nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản trong phạm vi bảo vệ CTTL và xử lý sản phẩm nạo vét gặp nhiều khó khăn.Hiệu quả 'kép'

Tháng 6/2021, hồ chứa nước Hóc Kén, xã Bình Chương (Bình Sơn) được tỉnh cấp phép nạo vét với quy mô 15ha, khối lượng gần 15 nghìn mét khối các loại đất, đá, cát... Đến cuối năm 2022, việc nạo vét hồ chứa nước Hóc Kén hoàn thành, không chỉ đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cũng như nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy, cuối tháng 5/2024, tỉnh đã cấp phép hoạt động nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ chứa nước Hóc Kén (thời hạn 3 năm) đối với toàn diện tích mặt nước trong lòng hồ, với số lượng 5.500 con cá trắm cỏ, cá diếc và cá thát lát.

Chủ tịch UBND xã Bình Chương Phạm Thanh Hải cho biết, nhờ được nạo vét nên dung tích chứa của hồ Hóc Kén gia tăng. Lượng nước tại hồ chứa nước Hóc Kén hiện đạt 50% tổng dung tích, đảm bảo nước tưới trong vụ sản xuất hè thu 2024 cho 27ha đất nông nghiệp và phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Lòng hồ chứa nước Núi Ngang (Ba Tơ) bị bồi lấp, ảnh hưởng đến dung tích chứa cũng như an toàn công trình. Ảnh: M.HOA

Lòng hồ chứa nước Núi Ngang (Ba Tơ) bị bồi lấp, ảnh hưởng đến dung tích chứa cũng như an toàn công trình. Ảnh: M.HOA

Cùng với hồ Hóc Kén, từ năm 2019 đến nay, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã rà soát và đề xuất nạo vét kết hợp sử dụng sản phẩm nạo vét trong lòng hồ phục vụ nhu cầu xây dựng, san lấp mặt bằng đối với 43 CTTL. Trên cơ sở đó, tỉnh đã cấp phép cho 22 phương án nạo vét lòng hồ (tổng trữ lượng nạo vét 1,3 triệu mét khối); phê duyệt phương án nạo vét 9 CTTL (với tổng trữ lượng nạo vét gần 605 nghìn mét khối) và thống nhất chủ trương nạo vét 7 CTTL.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Quảng Ngãi Lê Thanh Hùng cho biết, việc nạo vét lòng hồ mang lại hiệu quả “kép”. Đó là, vừa gia tăng dung tích chứa nước (tương ứng với khối lượng nạo vét đã thực hiện) và tuổi thọ công trình, đảm bảo chất lượng nước nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và du lịch; vừa tận dụng cát, sỏi và một số sản phẩm khác để làm vật liệu xây dựng, góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.

Còn khó khăn

Toàn tỉnh hiện có 807 công trình đầu mối thủy lợi (127 hồ chứa nước, 532 đập dâng, 8 đập ngăn mặn nhỏ và 140 trạm bơm nhỏ); trong đó, có nhiều CTTL, đặc biệt là hồ chứa bị bồi lắng, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản và khai thác các dịch vụ du lịch có sử dụng mặt nước lòng hồ. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về quy trình, hồ sơ thủ tục đối với hoạt động nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản trong phạm vi bảo vệ CTTL và xử lý sản phẩm nạo vét.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Võ Đoàn cho biết, theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, thì tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi có trách nhiệm lập phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước trình cơ quan có thẩm quyền xét, phê duyệt. Như vậy, các tổ chức được giao quản lý, vận hành phải thực hiện công tác nạo vét để phòng, chống bồi lắng CTTL, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa. Do đó, dù có tận thu sản phẩm nạo vét (cát, đá, cuội, sỏi...) hay không, thì CTTL vẫn phải được nạo vét.

Theo đánh giá của các địa phương, tổ chức được giao quản lý, vận hành CTTL thì, việc tận thu sản phẩm nạo vét CTTL cần được giám sát và quản lý chặt chẽ để tránh thất thoát tài nguyên, gia tăng ngân sách địa phương, nhưng cũng phải tạo thuận lợi đơn vị thực hiện. Bởi hồ sơ thủ tục thực hiện nạo vét CTTL phức tạp, trong khi hoạt động nạo vét phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, dẫn đến một số công trình không đảm bảo tiến độ thực hiện. Cụ thể, trong số 8 CTTL đã hết thời hạn khai thác nhưng chỉ có 4 CTTL có khối lượng nạo vét đạt 100%, còn 4 CTTL chỉ từ 29 - 95%. Đối với 5 CTTL đang thi công nạo vét nhưng sắp hết hạn (từ ngày 22/6- 30/9/2024), khối lượng thực hiện chỉ đạt từ 34 - 75%...

Trước những khó khăn vướng mắc trên, Sở NN&PTNT đã chủ trì, tổ chức làm việc với Sở TN&MT và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; đồng thời, tham vấn ý kiến của Bộ NN&PTNT xem xét, hướng dẫn một số nội dung, làm cơ sở để tỉnh chỉ đạo thực hiện các dự án nạo vét lòng hồ CTTL cũng như công tác cấp phép, khai thác khoáng sản trong phạm vi dự án...

MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/nong-nghiep/202407/nao-vet-long-ho-thuy-loi-quy-dinh-chua-ro-kho-thuc-hien-2a51662/
Zalo