Nâng tỷ lệ hộ dân miền núi ở Bình Định có nước sạch sinh hoạt

Những năm gần đây, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các địa phương ở tỉnh Bình Định đã sửa chữa một số công trình nước tự chảy cũ và đầu tư công trình đưa nước sinh hoạt về các bản làng, giúp bà con dần ổn định cuộc sống.

Trước đây, cứ vào cao điểm mùa mùa nắng nóng, làng Cà Nâu, xã Canh Liên, huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định lại rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Con suối gần làng khô cạn, bà con phải ra những vị trí thấp trũng của lòng suối đào xuống chừng nửa mét để lấy nước về sử dụng. Không có nước, cuộc sống bà con đồng Ba Na ở làng Cà Nâu lại khó khăn cả sinh hoạt lẫn sản xuất.

Công trình cấp nước sinh hoạt làng Cà Nâu, xã Canh Liên, huyện miền núi Vân Canh

Công trình cấp nước sinh hoạt làng Cà Nâu, xã Canh Liên, huyện miền núi Vân Canh

Năm 2023, từ nguồn vốn dự án 1 "Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030", UBND xã Canh Liên, huyện Vân Canh đã xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt cho bà con làng Cà Nâu.

Ông Đinh Văn Sanh, người dân làng Cà Nâu, xã Canh Liên, huyện Vân Canh tỏ ra vui mừng: “Khi chưa có nước, bà còn phải đi ra suối rất xa. Đi làm đã mệt mà còn ra suối xách nước về thấy cũng rất cơ cực. Sau khi có nước sạch về thì cuộc sống của bà con cũng như bản thân ở làng Cà Nâu cũng rất thuận lợi. Đặc biệt là các hộ có nhà vệ sinh, có bể nước sạch và vòi nước dọc đường thấy mấy đứa trẻ rất vui vẻ. Nhân dân làng Cà Nâu rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho làng, bây giờ có nước sạch”.

Canh Liên là xã vùng cao của huyện miền núi Vân Canh. Các làng Cà Bông, Canh Tiến, Trường THCS Bán trú Canh Liên thiếu nước sinh hoạt nhiều nhất. Năm 2023, công trình cấp nước sinh hoạt ở làng Cà Nâu với tổng mức đầu tư 2,7 tỷ đồng được đưa vào sử dụng, cấp nước cho 76 hộ dân.

 Đường ống dẫn nước một công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy ở xã Canh Thuận, huyện miền núi Vân Canh.

Đường ống dẫn nước một công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy ở xã Canh Thuận, huyện miền núi Vân Canh.

Ông Đinh Văn Mực, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Liên nói về hiệu quả sử dụng của công trình thiết thực này: “Việc bố trí nguồn kinh phí đầu tư một công trình nước tập trung và đưa nước về làng bà con rất phấn khởi và giải quyết những vấn đề khó của người dân. Người dân mong muốn có nước sinh hoạt ổn định đã lâu, nước là nhu cầu tối thiểu nên cần sớm đầu tư. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần giải quyết nhu cầu nước sạch là chính sách cần phải quan tâm hơn. Hiện vẫn còn một số làng chưa có nước sinh hoạt, chúng tôi đang có những kiến nghị đề xuất để cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ”.

Trước đây, tại một số xã ở huyện miền núi Vân Canh, các công trình nước sinh hoạt tập trung từ chương trình mục tiêu quốc gia 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chương trình mục tiêu quốc gia 135 về phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng được xây dựng kỳ vọng giải quyết "bài toán" thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, công trình có vốn đầu tư nhỏ, không có người quản lý và thiếu kinh phí sửa chữa, một số công trình nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.

Vòi nước sạch sinh hoạt tự chảy ở miền núi Bình Định

Vòi nước sạch sinh hoạt tự chảy ở miền núi Bình Định

Theo ông Lê Bá Thành, Bí thư Huyện ủy Vân Canh, hiện nay, công trình cấp nước cho người dân trên địa bàn nhỏ lẻ, các xã vùng cao có công trình nước tự chảy phụ thuộc vào nguồn nước từ thiên nhiên nên phải tìm giải pháp căn cơ giữ nguồn nước. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương đang ưu tiên sửa chữa, nâng cấp và đầu tư các công trình cấp nước cho bà con.

“Ngay cả các xã như có khi nắng hạn kéo dài thì nước sinh hoạt thiếu. Cho nên một giải pháp là Vân Canh là huyện tập trung cho phát triển công nghiệp giải quyết việc làm cho người dân rồi thì hạn chế việc làm nghề rừng, rừng để tái sinh chuyển sang rừng phòng hộ để giữ nước mới lâu dài”. Ông Lê Bá Thành nói.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX đã xác định, tỉnh tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển; đối với lĩnh vực cấp nước, đến năm 2025: 83% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch. Để cụ thể hóa chỉ tiêu này, lãnh đạo tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện; theo đó, đã quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện, thu hút các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, phát triển các hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, các huyện miền núi Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đang thực hiện Dự án 1 "Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".

Làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định

Làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định

Các công trình cấp nước cho bà con vùng núi mới chỉ giải quyết "bài toán" cấp nước sinh hoạt ổn định, nhưng đáp ứng rất tốt việc thiếu nước vào mùa khô ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh Bình Định phấn đấu, đến năm 2025 đạt 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng đề án về quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung vùng nông thôn. Trong đó những công trình cấp nước sinh hoạt sẽ đưa về cho UBND cấp huyện quản lý, điều hành vì lâu nay giao cho cấp xã và cộng đồng dân cư quản lý không hiệu quả, công trình hư hỏng thì không ai sửa chữa".

"Các chương trình dự án chúng tôi sẽ làm từng bước, từng vùng để xây dựng về nước sạch. Đối với nước sinh hoạt chúng tôi sẽ bảo đảm những điều kiện tối thiểu, còn nước sạch bảo đảm điều kiện sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, vấn đề vận hành các công trình nước sạch, nước sinh hoạt cũng đã trình UBND tỉnh Bình Định xem xét, nếu đề án này được chấp thuận thì đây cũng là một bước đột phá mới trong công tác nước sạch của nông thôn và miền núi”, ông Hồ Đắc Chương cho biết thêm.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nang-ty-le-ho-dan-mien-nui-o-binh-dinh-co-nuoc-sach-sinh-hoat-post1104952.vov
Zalo