Nâng tầm Giải thưởng Sách quốc gia, đưa việc đọc sách trở thành nét đẹp văn hóa
Tối 29/11, lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần VII năm 2024 đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Dự buổi lễ còn có đại diện các ban, bộ, ngành, đại sứ quán một số quốc gia tại Việt Nam cùng đông đảo các tác giả, dịch giả, người làm xuất bản.
Giải thưởng Sách quốc gia lần VII năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức. So với 6 đợt tổ chức trước đó, Giải thưởng năm nay tăng cả về số lượng đơn vị và tác phẩm tham gia. Cụ thể, năm 2024, 51 nhà xuất bản có sách tham dự Giải thưởng, nhiều hơn 10 nhà xuất bản so với Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VI. Về số lượng tác phẩm, Ban tổ chức đã nhận được 372 tên sách và bộ sách, bao gồm 455 cuốn sách, nhiều hơn 60 tên sách và bộ sách, 20 cuốn sách so với Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VI. Kết quả, Ban tổ chức đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét trao 59 Giải thưởng đối với 58 bộ sách, cuốn sách (1 cuốn sách đạt 2 giải thưởng).
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Giải thưởng Sách quốc gia qua 6 mùa trao giải đã tạo nên những dấu ấn lớn, trở thành sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa, thu hút sự quan tâm của không chỉ các tác giả, nhà xuất bản, mà còn của đông đảo công chúng, bạn đọc cả nước. Giải thưởng lần thứ VII, nhất là lễ tổng kết và trao giải, tiếp tục được thực hiện với nhiều đổi mới, sáng tạo, nhằm mục tiêu cao nhất là thể hiện tình yêu sách, sự trân trọng, tôn vinh và tri ân những tác giả, dịch giả và những tác phẩm tiêu biểu.
Cũng theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Giải thưởng năm nay thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà xuất bản, người làm xuất bản cả nước. Các cuốn sách, bộ sách được trao giải đều là những xuất bản phẩm được đầu tư công phu, giàu tâm huyết, có giá trị tiêu biểu, đặc sắc trên các lĩnh vực. Nhiều cuốn sách là "hiện tượng" của xuất bản, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu, yêu mến của độc giả, nhất là độc giả trẻ. Có những tác giả, học giả, nhà nghiên cứu, như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã 104 tuổi, nhưng vẫn bền bỉ cống hiến, dành tâm huyết đời mình cho bộ sách đồ sộ về lịch sử, văn hóa, địa chí: “Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử 1698-2020”. Ông thực sự là tấm gương về sự lao động khoa học và tâm huyết, người truyền cảm hứng về tình yêu sách.
“Qua các cuốn sách, bộ sách được trao giải, chúng ta càng tự hào và trân trọng tinh thần lao động bền bỉ, khoa học, nghiêm túc, sự tâm huyết và khối lượng tri thức đồ sộ mà các tác giả, học giả, nhà xuất bản đã đem đến cho công chúng, độc giả và xã hội. Điều đó cho thấy sự trưởng thành, lớn mạnh của nền xuất bản cách mạng trước yêu cầu mới”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương và đánh giá cao những kết quả quan trọng đạt được của đội ngũ những người làm xuất bản trong cả nước và chúc mừng các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành đã vinh dự được nhận Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đồng thời yêu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan chức năng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng tầm Giải thưởng Sách quốc gia thành một trong những sự kiện văn hóa lớn của quốc gia; đưa việc đọc sách trở thành thói quen, một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội; để ngành xuất bản thực hiện thành công nhiệm vụ “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Đáng chú ý, đối với Giải thưởng Sách quốc gia, đồng chí yêu cầu phải xác định đây không chỉ là việc lựa chọn, thẩm định và tổ chức trao giải cho các tác giả, tác phẩm, mà mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất là kiến tạo môi trường lành mạnh để các nhà văn hóa, nhà khoa học, các tác giả thể hiện năng lực bản thân, phát huy khả năng sáng tạo, tư duy mới, tầm nhìn mới, góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp giá trị thụ hưởng văn hóa của người dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Cần khuyến khích, thu hút sự tham gia của các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành, với những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa, đáp ứng nhu cầu phong phú của bạn đọc và các tầng lớp nhân dân. Cơ cấu Giải thưởng cần tiếp tục mở rộng các hạng mục như: Sách điện tử; Sách nói; Sách cẩm nang… Nghiên cứu bổ sung các hình thức giải thưởng cho các tác phẩm của tác giả trẻ, sách có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, hoặc sách đổi mới. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các tác phẩm đạt giải, thông qua việc tổ chức các sự kiện, hội thảo, triển lãm sách nhằm nâng cao uy tín giải thưởng….
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 3 giải A: “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) (2 tập)” của tác giả Nguyễn Đình Tư, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh; “Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa” do PGS.TS.BS. Đào Xuân Cơ Chủ biên, Nhà xuất bản Y học; “Tổng tập Nhà văn quân đội - Kỷ yếu - Tác phẩm (5 tập)” của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nhà xuất bản Văn học. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 10 giải B, 21 Giải C; 21 Giải Khuyến khích và 4 Giải Sách được bạn đọc yêu thích. Bộ Thông tin và Truyền thông trao thưởng bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc, nhiều sáng tạo, đổi mới trong hoạt động xuất bản sách có giá trị cao, tác động tích cực đến đời sống xã hội; tuyên truyền quảng bá sách, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.
Dịp này, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông tổ chức trưng bày, triển lãm những cuốn sách, bộ sách có giá trị cao, đặc biệt là những cuốn sách lý luận chính trị có giá trị quan trọng được xuất bản trong thời gian qua cùng toàn bộ sách đạt giải qua các kỳ trao Giải Sách quốc gia từ lần thứ nhất cho đến nay.