Nâng kỳ vọng của người dân với chính quyền Hà Nội

Việc Hà Nội sắp ban hành ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi) giúp công dân Thủ đô tương tác trực tuyến với các cấp chính quyền là bước đột phá thể hiện nỗ lực của Thành phố trong việc lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, đồng thời sẽ là bước tiến quan trọng trong xây dựng và phát triển công dân số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố.

Ngày 28/6, thành phố Hà Nội sẽ công bố vận hành một số các ứng dụng, nền tảng của Đề án 06/CP trên địa bàn Thành phố. Báo Lao động Thủ đô ghi nhận ý kiến của một số người dân về ứng dụng này.

Ông Đặng Bình Thông (phường Tứ Liên, Tây Hồ):

Người dân được kết nối gần hơn với chính quyền

Trước đây, mỗi khi tới Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, người dân đều rất "ngại" vì mất quá nhiều thời gian, có những thủ tục phải đi lại vài lần. Những năm gần đây, việc thực hiện cơ chế Một cửa, Một cửa liên thông được triển khai khá tốt. Người dân chúng tôi được phục vụ tốt hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính, cơ bản đều hài lòng.

Ông Đặng Bình Thông mong muốn ứng dụng iHaNoi sẽ giúp người dân được kết nối gần hơn với chính quyền.

Ông Đặng Bình Thông mong muốn ứng dụng iHaNoi sẽ giúp người dân được kết nối gần hơn với chính quyền.

Tới đây, Hà Nội có thêm ứng dụng cho phép tương tác với chính quyền trực tuyến thì càng ý nghĩa hơn. Thông qua ứng dụng, người dân có thể gửi phản ánh tới các cấp chính quyền Thành phố về những vấn đề đời sống dân sinh bức xúc; giúp người dân có thể gửi các phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, các trường hợp xử lý chậm trễ thủ tục hành chính của người dân. Cùng đó, mỗi người dân đều có thể tham gia gửi các ý tưởng, sáng kiến đóng góp xây dựng Thủ đô, từ đó giúp cơ quan chính quyền có thêm gợi ý về những giải pháp mới, sáng tạo để giải quyết những vấn đề nhức nhối, đưa ra những quyết sách giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Người dân chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực của Thành phố trong công tác chỉ đạo, điều hành, đã tốt nay càng tốt hơn, việc ban hành ứng dụng giúp công dân Thủ đô tương tác trực tuyến với các cấp chính quyền là bước đột phá rất lớn. Qua ứng dụng người dân được kết nối gần hơn với chính quyền, những phản ánh, kiến nghị của người dân sẽ được các cấp chính quyền cập nhật kịp thời, để xử lý nhanh chóng, hiệu quả hơn”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (Cầu Giấy, Hà Nội):

Khám phá du lịch Thủ đô qua “một chạm”

Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam, hằng năm Hà Nội thu hút rất đông lượng khách du lịch tới tham quan, do đó làm sao để giới thiệu toàn diện vẻ đẹp của Thủ đô đến với du khách là điều quan trọng. Với bề dày ngàn năm lịch sử, Hà Nội là địa phương có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh…. Hệ thống di tích lịch sử đồ sộ chính là nền tảng để Thủ đô phát triển điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu cả nước và khu vực nếu công tác tuyên truyền, quảng bá các di tích được đẩy mạnh.

Trên thực tế, thời gian qua, Hà Nội đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá điểm đến các di tích lịch sử với nhiều cách làm phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, để giới thiệu hết cũng như giúp người dân tiếp cận được hàng nghìn di tích lịch sử trên địa bàn là bài toán khó với Hà Nội. Tôi cho rằng, ứng dụng iHaNoi được ra mắt, trong đó với chức năng Hanoi Maps giúp người dân khám phá, kết nối với các di tích của Thủ đô một cách nhanh, thuận tiện nhất bằng công nghệ hiện đại.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga mong muốn ứng dụng iHaNoi sẽ giúp du khách khám phá Thủ đô qua "một chạm".

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga mong muốn ứng dụng iHaNoi sẽ giúp du khách khám phá Thủ đô qua "một chạm".

Bên cạnh việc cung cấp các điểm du lịch, ứng dụng cung cấp các tiện ích camera giao thông, cho phép người dân theo dõi tình hình giao thông tại các tuyến đường thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm để người dân có thể chủ động lựa chọn lộ trình đi phù hợp, tránh ách tắc giao thông. Người dân có thể theo dõi các tuyến đường đang bị ngập úng trên địa bàn thành phố Hà Nội thông qua bản đồ ngập úng; người dân có thể tra cứu các tuyến xe đi từ các bến xe Gia Lâm, bến xe Giáp bát, bến xe Mỹ Đình tới các tỉnh/thành khác… Như vậy những hạn chế lớn nhất của Hà Nội là tắc đường, ngập úng, người dân đều có thể chủ động cập nhật, để tìm cho bản thân lộ trình phù hợp nhất, làm được điều này, Hà Nội sẽ tiếp tục ghi điểm trong lòng mỗi du khách từ các tỉnh, thành cũng như quốc tế mỗi khi đến với Thủ đô.

Ông Trần Minh Tâm (Tổ dân phố số 10, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ):

Nâng cao kỹ năng số cho mỗi người dân

Theo tìm hiểu, tôi nhận thấy iHaNoi là ứng dụng hay, cập nhật các tiện ích, chỉ với “một chạm” người dân có thể tương tác, kết nối thông tin và các dịch vụ tiện ích. Ứng dụng này không chỉ hướng tới những người dân Thủ đô, những doanh nghiệp đang kinh doanh, hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà còn hướng tới những người dân ở tỉnh, thành khác, những du khách trong nước và nước ngoài quan tâm, muốn tìm hiểu về Hà Nội.

Theo ông Trần Minh Tâm để mỗi người dân trở thành công dân số cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân.

Theo ông Trần Minh Tâm để mỗi người dân trở thành công dân số cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân.

Thời gian qua, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số. Trong bối cảnh phát triển công nghệ số, mọi công dân tiếp nhận được với công nghệ số giúp cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, các ý kiến đóng góp, phản ánh của người dân được cơ quan chính quyền tiếp nhận, giải quyết nhanh.

Tuy nhiên, để sử dụng ứng dụng iHaNoi, người dân cần có thiết bị điện thoại thông minh, điều này gây khó khăn cho những người trung niên. Đặc biệt hiện nay, tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng với các chiêu trò, thủ đoạn ngày càng tinh vi, do đó nhiều người có tâm lý “ngại” khi tiếp cận với công nghệ.

Để người dân hào hứng đón nhận, sử dụng các ứng dụng công nghệ số, chính quyền địa phương cần tiếp tục nâng cao vai trò, tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng, khai thác, sử dụng các ứng dụng di động, nền tảng số, dịch vụ trực tuyến, các kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến; kiến thức cơ bản về an toàn thông tin mạng và kỹ năng tự bảo vệ, chống các nguy cơ mất an toàn thông tin mạng. Từ những hướng dẫn cụ thể đó sẽ góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân, qua đó hình thành công dân số, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.

N.Hoa (lược ghi)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-ky-vong-cua-nguoi-dan-voi-chinh-quyen-ha-noi-172754.html
Zalo