Nâng hạng thị trường chứng khoán, tạo kênh dẫn vốn hiệu quả cho doanh nghiệp

Nếu được nâng hạng được thị trường chứng khoán, đây sẽ là kênh thu hút, phân bổ vốn hiệu quả cho nền kinh tế, giảm tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng như hiện nay.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang chứng kiến nhiều bước tiến mới, một dấu mốc quan trọng trong đó là hướng tới nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm, FTSE Russell sẽ công bố danh sách các thị trường chứng khoán nâng hạng, xuống hạng và các nước nằm trong danh sách theo dõi. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã được FTSE đưa vào danh sách chờ xét nâng hạng từ cận biên lên mới nổi từ tháng 9/2018.

Thị trường vốn Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thực sự phát triển. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức 134%, quy mô dư nợ tuyệt đối của toàn nền kinh tế đã đạt hơn 15,6 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ này đã liên tục tăng trong những năm qua, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng thường duy trì cao gấp đôi mức tăng trưởng GDP.

Cơ cấu các nguồn vốn cho nền kinh tế. (Nguồn: Viện ĐTNC BIDV).

Cơ cấu các nguồn vốn cho nền kinh tế. (Nguồn: Viện ĐTNC BIDV).

Đáng chú ý, theo kết quả nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, trong giai đoạn 2019 - 2024, tín dụng vẫn là kênh cấp vốn chính cho nền kinh tế, với tỷ lệ ngày càng gia tăng lên tới hơn 50% trong 6 tháng đầu năm 2024.

Trong khi đó, kênh cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 2 - 3%, còn kênh kênh trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2021 ở mức cao trên 20% nhưng đến năm 2024 chỉ còn khoảng 8%... Vì vậy, nếu nâng hạng được thị trường chứng khoán sẽ là bước tiến mới trên lộ trình đưa kênh cổ phiếu trở thành kênh dẫn vốn chính cho các doanh nghiệp.

Vì vậy, nếu được nâng hạng, TTCK Việt Nam sẽ là kênh thu hút, phân bổ vốn hiệu quả cho nền kinh tế, giảm tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng như hiện nay.

Nhiều nỗ lực để nâng hạng TTCK

Việt Nam hiện đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhu cầu huy động vốn cho nền kinh tế là rất lớn và phát triển thị trường vốn sâu rộng, hiệu quả là nhiệm vụ cấp thiết để huy động hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước.

Tại buổi tiếpông Gerald Toledano, thành viên Ban Điều hành, Giám đốc mảng sản phẩm cổ phiếu và đa tài sản toàn cầu của FTSE Russell chiều 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, với thị trường chứng khoán còn non trẻ, quan điểm của Việt Nam là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn không nóng vội.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao trong việc cải cách thị trường chứng khoán; cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch, thuận lợi; cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

"Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi; đồng thời thông qua Nghị quyết về phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam", Thủ tướng nói.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV VSDC. (Ảnh: Nhadautu).

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV VSDC. (Ảnh: Nhadautu).

Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), tính tới hết quý II/2025, số lượng tài khoản giao dịch trong nước là hơn 10,2 triệu tài khoản của 7 triệu nhà đầu tư, trong đó 99,78% là nhà đầu tư cá nhân.

Mặc dù, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu có 10 triệu tài khoản chứng khoán năm 2025 trước thời hạn nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện trên thị trường để TTCK trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Chia sẻ tại Hội thảo: "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán" diễn ra ngày 17/7, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV VSDC cho rằng, đến 99,78% số tài khoản chứng khoán của Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân.

Đặc thù này liên quan tới tính cách người Á Đông, thích tự đầu tư, chấp nhận cuộc chơi và quan ngại khi đầu tư thông qua các định chế khác. Nhà đầu tư cá nhân với năng lực tài chính, nhận thức có hạn chế và bị chi phối bởi lý thuyết hành vi, có xu hướng phong trào, đầu tư ngắn hạn thu lời nên khi có biến động khả năng chống đỡ rủi ro không cao bằng các định chế làm mức độ phức tạp của thị trường càng lớn hơn, ông Sơn cho biết.

Bà Nguyễn Ngọc Linh - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán DNSE - cho rằng phần lớn nhà đầu tư cá nhân vẫn đầu tư theo cảm tính, ít tin vào phân tích chuyên môn và dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. "Có tới 95% trong số này bị thua lỗ và rời bỏ thị trường chỉ sau khoảng hai năm tham gia", bà Linh cho biết.

Cơ cấu của thị trường chưa hợp lý, lượng nhà đầu tư cá nhân lớn khiến thị trường lên nhanh, xuống cũng nhanh.

Vì vậy, bên cạnh việc nâng hạng TTCK Việt Nam cần nâng cao hiểu biết cho nhà đầu tư thông qua tuyên truyền, đào tạo cả trực tiếp lẫn trực tuyến.

Ngoài ra, cần khuyến khích phát triển các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm, kèm theo chính sách ưu đãi thuế để định hướng dòng tiền.

"Hơn lúc nào hết, lúc này, cần có chính sách ưu đãi thuế khi đầu tư qua các định chế quỹ, như vậy tự khắc nhà đầu tư sẽ đi theo hướng đó. Còn như hiện nay, đầu tư cá nhân lại chịu thuế phí thấp hơn qua các quỹ thì rất khó phát triển. Chỉ khi nào ưu đãi thuế, phí với các tổ chức quỹ thì mới giảm dần tự đầu tư cá nhân", ông Sơn nói.

Nâng hạng đã khó, giữ hạng còn khó hơn

Điều đáng mừng là đến nay, sau nhiều nỗ lực, TTCK Việt Nam đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông tin. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, việc được công nhận nâng hạng hay không còn phụ thuộc lớn vào đánh giá và trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài.

"Câu chuyện nâng hạng TTCK không phải là đích đến của Việt Nam mà còn là việc duy trì xếp hạng và đạt được mục tiêu khác cao hơn. Phải làm sao cải cách TTCK ngày càng công bằng, minh bạch đáp ứng chức năng là kênh thu hút, phân bổ vốn hiệu quả cho nền kinh tế", ông Hải nhấn mạnh.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thì cho rằng, muốn thu hút nhà đầu tư quốc tế thì ngoài việc nâng hạng còn cần phải tạo được niềm tin. "Cần có sự minh bạch, công bằng, sự nghiêm minh của pháp luật, tính chuyên nghiệp trong thực thi pháp luật. Một khi nhà đầu tư đã mất niềm tin thì họ khó trở lại", ông Quỳnh nói.

Hiện tại, ở nước ta có hơn 40 công ty quản lý quỹ, nhưng chỉ 1 số ít công ty thực sự có các sản phẩm quỹ. Các công ty đó có ít loại hình sản phẩm để tạo hiệu quả cho nhà đầu tư.

Với riêng ngành quản lý quỹ, quy mô mới chỉ chiếm khoảng 6% GDP, tương đương 26 tỷ USD. Vì vậy, muốn thúc đẩy ngành này, cần tạo ra sân chơi mở, minh bạch, công bằng, để cho tất cả người chơi có năng lực tham gia cạnh tranh, ông Quỳnh kiến nghị.

"Tôi nhận thấy gần đây có nhiều nhà đầu tư quốc tế muốn tham gia vào ngành này, nhưng họ khó vào, bởi khó được cấp phép, hoặc phải thông qua mua lại công ty khác. Tôi cho rằng cần mở cửa cho họ, hướng đến tạo ra sản phẩm hiệu quả, tạo sự minh bạch, niềm tin cho nhà đầu tư", Tổng Thư ký VBMA cho hay.

Một giải pháp rất quan trọng nữa là mở cửa hơn nữa thị trường, số lượng tăng phải đi kèm với chất lượng. Có cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng mới tạo ra chất lượng, tạo ra các công ty quản lý quỹ thực sự có chất lượng trên thị trường, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Bên cạnh việc nâng cao hiểu biết cho nhà đầu tư, ông Hoàng Thế Hưng, Thành viên HĐQT Ngân hàng Eximbank cũng cho rằng, để phát triển TTCK thì trước tiên phải tạo môi trường tốt, hàng hóa tốt.

Để có môi trường tốt, cơ quan nhà nước cần nâng cao tiêu chuẩn liên quan quản trị, công bố thông tin, hai là tạo môi trường giao dịch công bằng, minh bạch, có công cụ giám sát cảnh báo bất thường trên thị trường như hành vi làm giá, thao túng nhằm tạo môi trường minh bạch để nhà đầu tư yên tâm đầu tư và thu hút nhà đầu tư quốc tế vào thị trường.

Còn tại góc độ các doanh nghiệp niêm yết, ông Hưng cho rằng, việc đầu tiên cần chú ý là nâng cao năng lực quản trị, còn ngân hàng thì cần chú trọng quản trị rủi ro, đặc biệt nếu tìm được nhà đầu tư, đối tác chiến lược nước ngoài thì sẽ giúp nâng cao năng lực quản trị, từ đó câu chuyện minh bạch sẽ tốt hơn, qua đó sẽ tạo ra được rổ hàng hóa tốt, thu hút nhà đầu tư quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gerald Toledano, thành viên Ban Điều hành, Giám đốc mảng sản phẩm cổ phiếu và đa tài sản toàn cầu của FTSE Russell. (Ảnh: VGP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gerald Toledano, thành viên Ban Điều hành, Giám đốc mảng sản phẩm cổ phiếu và đa tài sản toàn cầu của FTSE Russell. (Ảnh: VGP).

Phát biểu tại cuộc tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 17/7, ông Gerald Toledano, thành viên Ban Điều hành, Giám đốc mảng sản phẩm cổ phiếu và đa tài sản toàn cầu của FTSE Russell - công ty thuộc Tập đoàn Sở giao dịch chứng khoán London (London Stock Exchange Group - LSEG) cho hay, Việt Nam là thị trường có tính thanh khoản lớn nhất ở ASEAN, vượt qua cả Thái Lan và Singapore, theo Báo Chính phủ.

Ông Gerald Toledano đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm và những biện pháp cải cách, đổi mới mà Việt Nam đã đề ra và thực hiện trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Trong đó, có những cải cách rất quan trọng trong phát triển thị trường tài chính, như đã nghiên cứu, xây dựng lộ trình triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển đúng hướng.

"Đây cũng là những yếu tố quan trọng để đánh giá, xếp hạng thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Gerald Toledano cho biết.

Hạ An

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nang-hang-thi-truong-chung-khoan-tao-kenh-dan-von-hieu-qua-cho-doanh-nghiep.html
Zalo