Nâng hạng chứng khoán: Không thể thiếu vai trò của nhà đầu tư cá nhân

Nâng hạng thị trường chứng khoán là một hành trình cần sự nỗ lực, sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các thành viên và đặc biệt là nhà đầu tư cùng hướng tới lợi ích chung.

Hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán." (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán." (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tới 99,82% số tài khoản và trên 80% giá trị giao dịch. Nhiều người trong số họ là lao động đang làm việc trong các nhà máy hay môi trường làm việc cường độ cao, nên không thể theo dõi thị trường cũng như có thời gian để nâng cao năng lực đầu tư cá nhân.

Với đồng thu nhập tích lũy, các nhà đầu tư cá nhân cần có những giải pháp đầu tư bền vững. Đây là nội dung được nhấn mạnh thảo luận tại Hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán," do Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức, ngày 17/7.

Cần hệ sinh thái bền vững cho nhà đầu tư

Bà Nguyễn Ngọc Linh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán DNSE chỉ ra một thực tế, mặc dù nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tới 99,82% số tài khoản và trên 80% giá trị giao dịch, song họ lại có xu hướng đầu tư ngắn hạn và bị chi phối bởi tâm lý đám đông.

Bà Linh chia sẻ một thống kê đáng suy ngẫm, đó là 95% nhà đầu tư đang bị thua lỗ, tuổi thọ trung bình nhà đầu tư tham gia thị trường rất ngắn, họ chỉ tham gia 2 năm và thua lỗ nên rời bỏ thị trường. Từ đó, bà Linh cho biết DNSE đang tập trung vào các chương trình đào tạo đa dạng, cá nhân hóa, từ video ngắn, truyện tranh đến hợp tác với các KOLs, KOCs để nâng cao kiến thức cho lớp nhà đầu tư này.

Bên cạnh đó, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ ra việc nâng hạng phụ thuộc nhiều vào trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài. Ông chia sẻ những tín hiệu tích cực về việc khối ngoại mua ròng hơn 13.000 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 7 và sự thành công của cơ chế giao dịch không cần ký quỹ trước (NPF).

“Đã có hàng trăm nghìn giao dịch không cần ký quỹ trước thực hiện chỉ một vài giao dịch thất bại và đều có cơ chế xử lý ổn thỏa. Do vậy, kỳ vọng nâng hạng khá lớn,” ông Hải lạc quan.

Tuy nhiên, ông Hải cho hay những việc cần làm sau nâng hạng như xây dựng trung tâm thanh toán bù trừ, tăng cường minh bạch thông tin và đặc biệt là tháo gỡ nút thắt về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Theo đó, các ý kiến nhìn chung cho rằng để nâng hạng và phát triển bền vững, không chỉ cần chính sách mà còn cần một hệ sinh thái hỗ trợ nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), việc nâng cao nhận thức nhà đầu tư là nhiệm vụ chung, cần được thực hiện liên tục ngay cả sau khi đã thăng hạng. Do đó, các cấp quản lý cần có chính sách ưu đãi thuế khi đầu tư qua các định chế quỹ. Như vậy, nhà đầu tư sẽ tự khắc đi theo hướng đó.

Ông nhấn mạnh, “chỉ khi nào ưu đãi thuế, phí với các tổ chức quỹ thì mới giảm dần tự đầu tư cá nhân.”

 Với đồng thu nhập tích lũy, các nhà đầu tư cá nhân cần có những giải pháp đầu tư bền vững. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Với đồng thu nhập tích lũy, các nhà đầu tư cá nhân cần có những giải pháp đầu tư bền vững. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

“Chìa khóa nằm ở việc trang bị kiến thức tài chính cho người dân ngay từ ghế nhà trường,” Phó giáo sư Phạm Thị Hoàng Anh từ Học viện Ngân hàng đưa ra một tầm nhìn dài hạn. Bà cho biết Học viện đã có những đề tài viết sách giáo dục tài chính cá nhân, bổ cập từ lớp 1 đến lớp 12 và đưa vào chương trình ngoại khóa. Theo bà, đây là giải pháp căn cơ, đào tạo hiểu biết về tài chính cá nhân từ trên ghế nhà trường trở đi.

Cuối cùng là vai trò của báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng báo chí được ví như "lá chắn" ngăn chặn thông tin độc hại, kênh xác tín sự thật trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ. Điều này cần có chiến lược truyền thông bài bản, đào tạo phóng viên chuyên sâu và sự phối hợp cung cấp thông tin kịp thời từ cơ quan quản lý.

“Trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam hiện có hơn 90% là nhà đầu tư cá nhân và mạng xã hội đang bùng nổ, báo chí đóng vai trò quan trọng và là kênh xác tín, đưa sự thật để đấu tranh, chống tin giả, tin trục lợi trên thị trường. Trong chặng đường nâng hạng thị trường chứng khoán, vai trò của các bên, cả báo chí truyền thông sẽ được nâng cao hơn,” ông Hiếu nói.

Cú hích chính sách và nỗ lực từ cơ quan quản lý

Tại hội thảo, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh phát triển thị trường chứng khoán chính là động lực quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và ở mức '2 con số' trong giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Phan Xuân Thủy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đến giữa năm 2025 tương đương hơn 55% GDP. Trong lộ trình đó, truyền thông nâng cao nhận thức nhà đầu tư giữ vai trò cốt lõi.

Ghi nhận nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận, song ông Thủy cũng chỉ ra những thách thức khi quy mô thị trường và số lượng nhà đầu tư cá nhân ngày càng gia tăng. Từ đó, ông đưa ra 5 gợi mở chiến lược nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và báo chí, sự minh bạch của doanh nghiệp, việc đào tạo đội ngũ phóng viên chuyên sâu, nâng cao kiến thức cho nhà đầu tư và xử lý nghiêm tin giả.

"Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán cần sự nỗ lực, chung tay của cả hệ thống chính trị," ông Phan Xuân Thủy nói.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết nâng hạng là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, thanh khoản thị trường Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, đây là yếu tố hấp dẫn các quỹ đầu tư quốc tế.

“Thị trường chứng khoán thu hút được lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, nhất là vốn đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư lớn, sẽ tạo tác động tích cực ở nhiều góc độ cho thị trường, qua đó giúp phát triển hơn nữa kênh huy động vốn quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước,” lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ ra.

Bên cạnh đó, bà Vũ Thị Chân Phương cũng hệ thống lại các chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và Bộ Chính trị, từ Nghị quyết 86 năm 2022, Quyết định 1726 năm 2023 đến Nghị quyết 68 gần đây, tất cả đều đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025.

“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những kế hoạch cụ thể, công bố lộ trình dần đáp ứng những tiêu chí xếp hạng mà các tổ chức xếp hạng quốc tế đưa ra," bà Phương nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nang-hang-chung-khoan-khong-the-thieu-vai-tro-cua-nha-dau-tu-ca-nhan-post1050269.vnp
Zalo