Nâng giá trị nông sản vùng Tây Bắc: Tập trung vào chế biến sâu
Tây Bắc là vùng sản xuất nhiều loại cây ăn quả trọng điểm của cả nước, song kim ngạch xuất khẩu nông sản toàn vùng vẫn ở mức khiêm tốn, chưa tới 250 triệu USD (năm 2024). Vì vậy, thu hút đầu tư vào chế biến trái cây nói riêng, nông sản nói chung nhằm tăng cao giá trị cho sản phẩm đang được tích cực đẩy mạnh…

Xoài nguyên liệu trước khi đưa vào chế biến tại nhà máy Doveco ở Sơn La. Ảnh Chu Khôi.
Theo số liệu công bố tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc” diễn ra tại Sơn La mới đây, mặc dù Tây Bắc là vùng sản xuất nhiều loại cây ăn quả ôn đới và á nhiệt đới như xoài (đạt 79,8 nghìn tấn), nhãn (81,3 nghìn tấn), mận (94,5 nghìn tấn), chanh leo (7,6 nghìn tấn), cam (108,1 nghìn tấn), chuối (116,6 nghìn tấn), bưởi (125,9 nghìn tấn)... nhưng giá trị xuất khẩu nông sản năm 2024 của vùng chỉ đạt khoảng 245 triệu USD; trong đó: Sơn La đạt 190 triệu USD; Điện Biên trên 22,4 triệu USD; Lai Châu trên 6,5 triệu USD; Lào Cai 25 triệu USD...
Lý giải nguyên nhân giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh còn hạn chế, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La, cho biết là do tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, bao bì nhãn mác chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, thiếu các liên kết hợp đồng bền vững giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Trước thực trạng này, để nâng cao giá trị cho sản phẩm, Sơn La đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
XÂY DỰNG SƠN LA TRỞ THÀNH TRUNG TÂM CHẾ BIẾN NÔNG SẢN
Hiện toàn tỉnh có hơn 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó khoảng 85.000 ha là cây ăn quả. Nhờ triển khai Nghị quyết 05-NQ/TW từ năm 2015 về phát triển nông nghiệp hàng hóa, Sơn La đã hình thành các vùng chuyên canh xoài, nhãn, chanh leo, mận hậu…, tạo ra vùng nguyên liệu lớn và ổn định.
Công tác chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua gần 560 cơ sở chế biến, hàng nghìn điểm sấy long nhãn, hệ thống kho lạnh. Trong đó, có những nhà máy chế biến nông sản rất hiện đại do các doanh nghiệp lớn đầu tư như: Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Tập đoàn TH, Tập đoàn Phúc Sinh...
Chia sẻ thêm, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Doveco, cho biết Công ty đã đầu tư nhà máy chế biến tại Sơn La từ năm 2023. Doveco không chỉ đóng vai trò người thu mua các loại trái cây cho nông dân, mà còn là đơn vị tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm, và cùng chính quyền địa phương xây dựng chiến lược dài hạn.
Trong số đó, xoài Sơn La, đặc biệt là giống Đài Loan rất phù hợp với tiêu chuẩn chế biến và xuất khẩu. Năm 2024, Công ty đã hỗ trợ tiêu thụ được 10% sản lượng xoài địa phương và phấn đấu đạt 20% trong năm 2025.

Chế biến xoài tại nhà máy Doveco ở Sơn La. Ảnh Chu Khôi
Không dừng lại ở xoài, Doveco mở rộng thu mua với các loại cây trồng dễ chăm, ít rủi ro như dứa và chanh leo - hai sản phẩm gần như không có tính thời vụ. Với các loại cây này, ông Khuê khẳng định: “Doveco thu mua được bao nhiêu sẽ chế biến bấy nhiêu. Năng lực hiện tại của nhà máy và hệ thống kho lạnh cho phép chúng tôi tiêu thụ khối lượng lớn mà không lo quá tải”.
Ngoài ra, một số giống dứa mà Doveco đang hỗ trợ tại Sơn La có thể đem lại doanh thu lên tới 1 tỷ đồng/ha chỉ sau 14 tháng trồng nếu được trồng đúng kỹ thuật và đồng bộ. Bên cạnh đó, cây chuối ở Tây Bắc có lợi thế rõ rệt so với miền Trung. Tại Lai Châu, Doveco đã đầu tư xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu lớn, sẵn sàng kết nối với các nhà máy chế biến hiện đại.
Tại diễn đàn, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH, cho biết doanh nghiệp đã nghiên cứu sâu về tiềm năng của vùng, bao gồm các nguồn tài nguyên như cây ăn quả, cây dược liệu, và nguyên liệu để sản xuất giấy. Dựa trên những nghiên cứu này, TH đã quyết định đầu tư vào hai nhà máy chế biến tại Sơn La và Điện Biên.
Trong đó, tại Sơn La, xây dựng nhà máy chế biến hoa quả và dược liệu, nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương. Các sản phẩm chính bao gồm nước ép, nước cô đặc, và các sản phẩm chế biến từ các loại trái cây như xoài, nhãn, mận. Tại Điện Biên TH tập trung vào việc trồng cây mắc ca - một loại cây có giá trị cao.
TIỀM NĂNG CHẾ BIÊN DƯỢC LIỆU
Công ty Cổ phần Phúc Sinh (Phúc Sinh Group) đã đầu tư xây dựng Nhà máy Phúc Sinh Sơn La tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Đây là cơ sở có quy mô lớn nhất của tập đoàn, với tổng diện tích 45 ha, chuyên chế biến cà phê Arabica đạt tiêu chuẩn chỉ dẫn địa lý Sơn La. Ông Vũ Việt Thắng, Tổng giám đốc Phúc Sinh Sơn La, cho biết với công suất 20.000 tấn cà phê tươi mỗi năm, nhà máy góp phần nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh cho cà phê Sơn La.
Theo bà Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư Thương mại, Tây Bắc là “kho vàng xanh” với nhiều loài dược liệu quý như thất diệp nhất chi hoa, tam thất, sâm... Song để khai thác hiệu quả, cần đầu tư chế biến sâu và xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người dân.
"Tỉnh Lai Châu rất cần cơ chế đặc thù cho phát triển sâm Việt Nam, tạo hành lang thông thoáng về đầu tư, khai thác, chế biến và thương mại hóa. Việc tháo gỡ các “nút thắt” này sẽ mở đường để sâm Lai Châu trở thành sản phẩm quốc gia và vươn ra thị trường quốc tế”.
Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu.
VietRAP đã dành 5 năm xây dựng và ổn định vùng nguyên liệu, từ cây dược liệu dài ngày đến ngắn ngày. Tại huyện Vân Hồ (Sơn La), chỉ sau một năm, công ty đã liên kết với ba hợp tác xã lớn, huy động hàng trăm hộ dân tham gia. Sau ba năm, vùng trồng đạt 60 ha, trong đó 20 ha đã thu hoạch đến chu kỳ thứ tư.
Ở góc độ địa phương, ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu, cho biết tỉnh hiện có trên 23.000 ha dược liệu các loại, với các loài chủ lực như quế (trên 10.000 ha), thảo quả (trên 6.500 ha), sa nhân, sơn tra, sâm Lai Châu và thất diệp nhất chi hoa. Sản lượng thu hoạch hằng năm ước đạt khoảng 3.000 tấn, cho thấy tiềm năng rất lớn nếu có đầu tư đúng hướng. Đặc biệt, sâm Lai Châu - còn gọi là tam thất đen, tam thất đỏ - là loài bản địa quý hiếm, có giá trị dược tính cao và được người dân địa phương sử dụng từ lâu đời.
Sâm Lai Châu đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy bảo hộ. Sản phẩm này đang được các đối tác quốc tế như Nhật Bản và Hàn Quốc quan tâm, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, do chưa có trong danh mục ADN được công nhận tại Nhật Bản, tỉnh định hướng trước mắt chế biến sâm thành thực phẩm chức năng để thâm nhập thị trường, từng bước đưa sâm Lai Châu vào danh mục nguyên liệu chính thức.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
"Ai làm chủ được vùng nguyên liệu sẽ làm chủ được chuỗi giá trị nông sản. Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn là yếu tố cốt lõi, quyết định khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, các tỉnh Tây Bắc cần tập trung xây dựng chuỗi giá trị và tăng cường liên kết sản xuất. Với lợi thế của từng tỉnh, lãnh đạo địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp và nông dân hợp tác theo chuỗi sản xuất khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn từ đầu vào đến đầu ra, thay vì chỉ ký hợp đồng mua bán đơn thuần. Bên cạnh tổ chức lại sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ, phải nâng cao năng lực chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch".
Dù có nhiều tiềm năng, phát triển dược liệu hiện vẫn gặp rào cản lớn về thể chế. TS. Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, cho biết các chính sách hiện hành mới chỉ lồng ghép dược liệu vào ngành lâm nghiệp hoặc y học cổ truyền, chưa có hành lang pháp lý riêng cho ngành dược liệu. Điều này khiến nhiều địa phương chưa thể xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật cho khai thác bền vững, và khó thu hút doanh nghiệp do không có cơ chế tín dụng và bảo hiểm rủi ro phù hợp.
Trong khi đó, nhu cầu thị trường đang tăng nhanh, với mức tiêu thụ nội địa lên tới 80.000 tấn dược liệu/năm, nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-30%. Khoảng trống này chỉ có thể được lấp đầy nếu sản xuất được tổ chức bài bản theo chuỗi giá trị, từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2025 phát hành ngày 21/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-28.html
