Nâng cao năng lực tiếp cận công lý của người dân
Tiếp cận công lý không chỉ là quyền cơ bản, mà còn là nền tảng bảo đảm công bằng, dân chủ trong xã hội. Thế nhưng, một số người dân, nhất là các nhóm yếu thế vẫn gặp không ít rào cản trên hành trình này. Nâng cao năng lực tiếp cận công lý chính là bước đi thiết thực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân.
Tiếp cận công lý không chỉ là một trong những quyền cơ bản của con người, được và pháp luật ghi nhận mà còn là nền tảng của một xã hội dân chủ, công bằng và sự vững mạnh của nền tư pháp quốc gia.
Thông qua việc tiếp cận công lý, mọi người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế có khả năng hiểu về quyền của mình, tìm kiếm biện pháp khắc phục khi quyền lợi bị xâm phạm và có thể yêu cầu trách nhiệm giải trình từ các cơ quan công quyền. Một hệ thống pháp lý minh bạch, hiệu quả và dễ tiếp cận là điều kiện thiết yếu để củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống pháp luật.
Tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã khẳng định yêu cầu xây dựng cơ quan tư pháp là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý và quyền con người. Ngoài ra, Nghị quyết số 49-NQ/TW cũng xác định rõ mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh và bảo vệ công lý. Hoạt động tư pháp mà trong đó Tòa án giữ vị trí trung tâm và công tác xét xử là hoạt động trọng tâm cần phải được tiếp tục cải cách, nâng cao chất lượng, bảo đảm có hiệu lực và hiệu quả cao.

Phiên tòa tố tụng hình sự có sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Nam (trước đây). (Ảnh: TL)
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc tăng cường tiếp cận công lý cho người dân, cụ thể thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính tư pháp được đẩy mạnh, các dịch vụ trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp, xây dựng Tòa án điện tử, công khai thông tin bản án, quyết định đã góp phần nâng cao tính minh bạch và hiệu quả. Cùng với đó, các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cũng ngày càng đa dạng về hình thức và nội dung, hướng tới nhóm đối tượng yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tồn tại một số rào cản, thách thức. Không ít người dân đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết pháp luật, thông tin khó tiếp cận; thủ tục tố tụng vẫn phức tạp; chi phí pháp lý vượt khả năng chi trả của không ít người nghèo. Hay vẫn còn tình trạng một số cán bộ chưa thực sự sát dân, chưa hỗ trợ hiệu quả trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, khiếu kiện hoặc tranh chấp pháp lý; thi hành án gặp nhiều khó khăn, kéo dài… cho thấy vẫn còn nhiều dư địa cần cải thiện.
Tại Hội thảo “Tăng cường tiếp cận công lý” do Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức mới đây, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh, Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: Năng lực tiếp cận công lý của người dân Việt Nam hiện nay đang trong quá trình phát triển và có những chuyển biến tích cực. Nhận thức pháp luật và nhu cầu tìm kiếm công lý ngày càng tăng lên. Hệ thống pháp luật và các thiết chế tư pháp ngày càng được củng cố với việc Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án).
Bên cạnh đó, nguồn thông tin pháp lý hiện nay khá đa dạng, người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin pháp lý thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm: Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; các văn bản quy phạm pháp luật được công bố trên Công báo; phương tiện truyền thông…
Để tiếp tục nâng cao năng lực tiếp cận của người dân, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Chiến lược và Khoa học pháp lý nhấn mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật vì sự phát triển bền vững của đất nước; tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng của các thiết chế tư pháp, phát triển đội ngũ cán bộ tư pháp, đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý có năng lực và bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp vững vàng theo tinh thần vì nhân dân phục vụ, vì người dân, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.
Cùng với đó, thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ hệ thống dịch vụ pháp lý, hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật, quản trị rủi ro pháp lý; đổi mới, đa dạng hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ số để người dân ở mọi miền đất nước có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin pháp luật và sử dụng dịch vụ pháp lý với chi phí hợp lý.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh đề xuất cần đổi mới nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung vào các quy định pháp luật thiết yếu, liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày như quyền và nghĩa vụ cơ bản của người dân trong các lĩnh vực như đất đai, hôn nhân và gia đình, thừa kế, giao thông, tiêu dùng, lao động, bảo hiểm xã hội...; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện; tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội để truyền tải thông tin pháp luật một cách nhanh chóng và rộng rãi, chính thống; đưa nội dung giáo dục pháp luật vào chương trình giáo dục quốc dân.
Ở góc độ người dân, anh Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số - đây sẽ là công cụ quan trọng giúp cải thiện khả năng tiếp cận công lý thông qua các nền tảng thông tin pháp luật trực tuyến, hệ thống quản lý hồ sơ số và dịch vụ trợ giúp pháp lý từ xa.
“Khi được áp dụng một cách hợp lý, chuyển đổi số có thể giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đưa pháp luật đến gần với hơn với người dân, đặc biệt là những người ở những vùng sâu, vùng xa”, anh Hùng bày tỏ.
Theo các chuyên gia, để tăng cường năng lực tiếp cận công lý cho người dân, cần có các giải pháp toàn diện và bền vững. Trước hết, phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và tư pháp theo hướng đơn giản, minh bạch, thân thiện với người dân. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý; mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp lý miễn phí. Quan trọng là nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng. Mỗi người dân cần được trang bị kiến thức pháp lý cơ bản để tự bảo vệ mình khi cần thiết. Khi người dân hiểu biết và tin tưởng vào pháp luật, biết cách sử dụng pháp luật để bảo vệ mình và người khác, thì pháp luật không còn là điều xa lạ mà trở thành một phần trong đời sống hằng ngày.
Cùng với đó, việc xây dựng ý thức “thượng tôn pháp luật” – coi pháp luật là chuẩn mực ứng xử cao nhất phải trở thành mục tiêu xuyên suốt trong tiến trình phát triển quốc gia.
Khi mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận, sử dụng pháp luật như một công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, thì công lý trở thành giá trị hiện hữu; biểu hiện rõ nét, sinh động và sâu sắc nhất của một xã hội dân chủ, công bằng và minh bạch.