Nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
Đến thời điểm này, cùng với cả nước, tỉnh Lâm Đồng đã chính thức vận hành thông suốt mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) sẽ là nhân tố then chốt để mô hình hoạt động hiệu quả và thực chất.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Lang Biang - Đà Lạt
Nâng cao chất lượng CBCC là yêu cầu cấp bách
Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng đội ngũ CBCC có phẩm chất đạo đức tốt và có kỹ năng thực tiễn là tất yếu và cấp thiết để vận hành hiệu quả, thông suốt chính quyền 2 cấp trong tình hình mới. Theo đó, cấp ủy, chính quyền và các sở, ngành trong tỉnh đã và đang đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn cho đội ngũ CBCC cũng như việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm, tận tụy với công việc và thái độ phục vụ Nhân dân.
Thực tế ở tỉnh ta cho thấy, chất lượng đội ngũ CBCCVC được chỉ định, bố trí tại các xã, phường mới sau sáp nhập đều đảm bảo về trình độ chuyên môn và năng lực thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cả nước tiến hành vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, do đó trong quá trình triển khai mô hình mới bước đầu sẽ có một số khó khăn, vướng mắc.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Lạc Dương - xã lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với trên 82% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, qua hơn nửa tháng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, mọi công việc tương đối suôn sẻ. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã, số lượng văn bản mới quá nhiều, thủ tục hành chính một số lĩnh vực chưa hoàn thiện nên khó khăn trong việc tiếp cận của CBCC, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Bên cạnh đó, với khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu nhiệm vụ cao nên một số CBCC còn lúng túng…
Đó cũng là thực trạng chung của các Trung tâm Phục vụ hành chính công, nơi trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Do vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC là một yêu cầu rất cấp bách để thực hiện việc chuyển đổi hoàn toàn từ quản lý hành chính, sang quản trị phục vụ Nhân dân.
Tại các buổi kiểm tra tình hình hoạt động, tổ chức bộ máy chính quyền các xã, phường, đặc khu, một trong những nội dung trọng tâm mà lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương thực hiện là phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý, điều hành cho đội ngũ CBCC cấp xã.
Từ ngày 13 đến 26/7, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Tập huấn vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Hội nghị được tổ chức tại 3 khu vực: tỉnh Bình Thuận (cũ), tỉnh Đắk Nông (cũ) và tỉnh Lâm Đồng (cũ) cho CBCC thuộc các đơn vị hành chính cấp tỉnh và các xã, phường, đặc khu trong toàn tỉnh. Qua đó nhằm hướng dẫn, giúp CBCC tiếp cận nhanh, sử dụng thành thạo các bước, quy trình trong giải quyết thủ tục hành chính, vận hành hệ thống dịch vụ công theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
“Khi tham gia Hội nghị trực tuyến do Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, tôi được hướng dẫn cụ thể các bước, quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký đất đai lần đầu để áp dụng vào thực tế công việc, đây cũng là lúng túng của chúng tôi từ khi vận hành chính quyền 2 cấp, qua đó giúp giải quyết thủ tục đăng ký đất đai cho người dân nhanh hơn”
Anh Cil Ha Niên - công chức tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực đất đai Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Lạc Dương
Xây dựng nền hành chính vì dân
Từ khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp đến nay, đất đai và tư pháp là 2 lĩnh vực phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, ngày 19/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về thi hành Luật Đất đai năm 2024 và hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung phân cấp, phân quyền theo Nghị định số 151/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ; một số nội dung khác thuộc lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, trong giai đoạn đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chính quyền cấp xã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thi hành Luật Đất đai năm 2024 và thực hiện thủ tục hành chính như: Nội dung quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai tại Nghị định số 151/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ; xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể; xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã; trình tự cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu và in giấy chứng nhận…

CBCC cấp xã là người trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân
Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo và thống nhất giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm trao đổi, hướng dẫn các xã, phường, đặc khu trên địa bàn toàn tỉnh để đảm bảo sự vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả chính sách đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời hỗ trợ các địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tôn Thiện San, Sở cũng đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tăng cường viên chức, người lao động hỗ trợ, hướng dẫn cấp xã trong công tác giải quyết thủ tục hành chính phục vụ chính quyền 2 cấp. Theo đó, thực hiện tăng cường 1 viên chức, người lao động của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đến làm nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ các xã, phường, đặc khu trên địa bàn tỉnh trong thời gian 3 tháng, bắt đầu từ ngày 22/7/2025.
Để giải quyết khó khăn trong lĩnh vực tư pháp, bà Phạm Thị Trà My - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho hay, ngày 23/7, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng sẽ phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp cho CBCC cấp tỉnh, cấp xã (mới) sau sắp xếp nhằm kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền. Đồng thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tại địa phương... giúp bảo đảm hoạt động thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác văn bản tại địa phương khi thực hiện chính quyền 2 cấp.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã thành lập nhóm Tư pháp Lâm Đồng với đầy đủ tất cả công chức tư pháp - hộ tịch của 124 xã, phường, đặc khu trong toàn tỉnh cùng lãnh đạo Sở và các phòng chuyên môn để theo dõi, nắm bắt tình hình và kịp thời giải đáp các vướng mắc, khó khăn từ cơ sở trong thẩm quyền của Sở. Đặc biệt, có sự tương tác giữa 3 bên: giữa cán bộ hộ tịch - tư pháp cấp xã với Sở Tư pháp và Sở Tư pháp liên thông với Bộ Tư pháp xuyên suốt trong toàn bộ quá trình ngay từ những ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Các hội nghị tập huấn đều được tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến tất cả các xã, phường, đặc khu trong toàn tỉnh. Qua đó giúp CBCC từ tỉnh đến cơ sở được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng và phương pháp tiếp cận phù hợp với nhiệm vụ, thẩm quyền mới được phân định.
Từ ngày 13 đến 26/7, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị tập huấn vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Qua đó nhằm hướng dẫn, giúp CBCC tiếp cận nhanh, sử dụng thành thạo các bước, quy trình trong giải quyết thủ tục hành chính, vận hành hệ thống dịch vụ công theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.