Nâng cao hiệu quả quản lý cấp nước sinh hoạt
ĐBP - Kỳ họp lần thứ 21 HĐND tỉnh khóa XV vừa diễn ra đã thông qua nghị quyết kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, cấp nước sinh hoạt (NSH) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2024”. Trong đó, xác định rõ kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Từ đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp và tổ chức các mô hình quản lý sử dụng hiệu quả công trình NSH tập trung trên địa bàn.

Bể nước sinh hoạt tập trung tại bản Hua Sin kém hiệu quả, không đủ nước sử dụng cho người dân xung quanh.
Trước đó, trong tháng 4, HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề về nội dung trên tại 5/10 huyện, thị xã, thành phố (cũ). Về từng cơ sở, nắm bắt thực tế, đoàn giám sát đánh giá rõ hiện trạng, tồn tại, khó khăn, đề xuất giải pháp, báo cáo kỳ họp HĐND tỉnh thông qua. Theo đó những năm qua, nhiều công trình cấp NSH nông thôn tập trung đã được xây dựng mới, nâng cấp hoặc duy tu, sửa chữa. Tại các thôn, bản, tổ quản lý khai thác, vận hành công trình được thành lập, đảm nhận vai trò bảo vệ, khai thác và vận hành hiệu quả hệ thống cấp nước. Nhờ đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng NSH ổn định, thường xuyên và hợp vệ sinh đã tăng từ 84,42% năm 2021 lên 92,86% năm 2024, vượt 7,86% so với mục tiêu đề ra cho năm 2025. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn đạt 14,62%, vượt 4,62% kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cấp NSH trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hiện toàn tỉnh có 199 công trình cấp nước đã hư hỏng, hết niên hạn sử dụng nhưng chưa được thực hiện các thủ tục thanh lý. Ngoài ra, 237 công trình hoạt động kém hiệu quả, chưa được bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn chưa phát huy hết công suất thiết kế, doanh thu từ dịch vụ thấp, việc mở rộng đối tượng sử dụng gặp khó khăn. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế. Hoạt động của một số tổ quản lý cấp nước ở các thôn, bản chưa hiệu quả, thiếu trách nhiệm, thậm chí có nơi tự giải thể...
Công trình cấp NSH tại bản Hua Sin, xã Mường Nhé là một trong những công trình kém hiệu quả. Đưa vào sử dụng năm 2024, với tổng mức đầu tư 2,9 tỷ đồng, công trình gồm 2 đập đầu mối, 1 bể lọc, 7 bể chứa nước tập trung và hệ thống đường ống dẫn dài hơn 4,5km. Hệ thống này được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu NSH cho 99 hộ dân (608 nhân khẩu), với tiêu chuẩn cấp nước 100 lít/người/ngày. Tuy nhiên, trái với mục tiêu ban đầu, công trình hiện hoạt động kém, nhiều hộ dân, ngay cả ở sát bể trung tâm vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu NSH.
Nguyên nhân chính được xác định là do bất cập trong thiết kế hệ thống vòi chia nước. Cụ thể, vòi cấp nước đặt cao hơn so với các vòi chia nước dẫn về các bể nhánh. Điều này khiến nước từ bể chính nhanh chóng chảy hết xuống bể nhánh, không đủ để phục vụ trực tiếp cho các hộ xung quanh khu vực bể trung tâm. Cùng với đó, việc sử dụng nước thiếu ý thức cũng góp phần khiến công trình kém hiệu quả.
Ông Vàng A Sinh, Bí thư Chi bộ bản Hua Sin cho biết: “Nhiều hộ dân khi thấy bể nhánh đầy vẫn không khóa van, để nước tràn ra ngoài. Nước chảy về đến bể chính đã lập tức chảy xuống hết bể nhánh, không kịp tích trữ, gây ra nghịch lý sống cạnh bể chứa mà vẫn thiếu nước”.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế được xác định là do: Thời tiết, khí hậu bất thường ảnh hưởng đến khả năng duy trì lưu lượng nước, đặc biệt là tình trạng thiếu nước vào mùa khô và thiệt hại do lũ lụt vào mùa mưa. Địa hình phức tạp cũng khiến việc thi công, bảo trì và bảo vệ các công trình gặp nhiều khó khăn. Trong khi, hiện nay vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng quy định trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động quản lý, khai thác và sử dụng nước sạch. Kinh phí dành cho việc sửa chữa, duy tu công trình còn hạn chế, nhất là các công trình do UBND cấp xã quản lý. Một số công trình được đầu tư thiếu đồng bộ, vị trí xây dựng chưa phù hợp địa hình, trang thiết bị lạc hậu dẫn đến áp lực nước yếu, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng...
Trên cơ sở đó, Nghị quyết về kết quả giám sát được thông qua, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kiến nghị sau giám sát. Cụ thể, để phát huy hiệu quả các công trình cấp NSH, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo các đơn vị quản lý, chủ đầu tư các dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở phối hợp với các đơn vị cấp nước, nhất là nước sạch đô thị có phương án bảo đảm an toàn hệ thống cấp nước khi thi công các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống cấp nước. Chỉ đạo các Sở: Xây dựng, Tài Chính, Nông nghiệp và Môi trường rà soát lại toàn bộ các công trình cấp nước không còn hoạt động, hết niên hạn sử dụng; hướng dẫn, tiến hành các thủ tục thanh lý tài sản theo quy định. Đồng thời Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công trình cấp NSH trên địa bàn toàn tỉnh chưa được cấp giấy; tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị cung cấp nước tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác và xử lý nguồn nước, mở rộng diện tích cung cấp nước sạch, nước đạt quy chuẩn; tăng cường các biện pháp bảo vệ các công trình cấp nước, chống thất thoát nước...