Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội vùng dân tộc thiểu số
Ngày 19/3, Tỉnh ủy Lạng Sơn phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 'Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố trong điều kiện miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn'.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn nhấn mạnh, những người hoạt động không chuyên trách, tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố là lực lượng thường xuyên ăn cùng dân, ở cùng dân, làm cùng dân. Đây là lực lượng gần dân, hiểu dân, gắn bó với dân. Để chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, nắm bắt những vấn đề phát sinh, giải quyết sớm ngay từ cơ sở, phải dựa vào tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố, nhất là trong điều kiện tỉnh miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số như Lạng Sơn, lực lượng này càng giữ một vai trò quan trọng.
Nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, Tỉnh ủy Lạng Sơn phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu tổng thể ở tất cả các thôn, tổ dân phố của tỉnh Lạng Sơn. Hiện tổng số người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có trên 21.800 người. Lực lượng này chủ yếu trưởng thành từ thực tiễn hoạt động phong trào ở cơ sở; trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản, còn thiếu kiến thức chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả các công việc được giao. Một số chức danh được hưởng chế độ phụ cấp, hỗ trợ hằng tháng, còn lại không được hưởng phụ cấp, hỗ trợ...
Từ thực tế trên, cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương cần nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở thôn, tổ dân phố. Việc quy định số lượng người và bố trí kiêm nhiệm một số chức danh ở thôn, tổ dân phố, đảm bảo ổn định, trên cơ sở giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền...
Tại Hội thảo, 14 tham luận của các nhà khoa học, đại diện một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và nội dung của hơn 100 bài viết tham luận gửi về Ban Tổ chức Hội thảo đã khẳng định: Tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố có vị trí, vai trò không thể thiếu, không thể thay thế của thôn, tổ dân phố. Đây chính là nơi lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, đến với từng người dân. Các tham luận đã phân tích, làm rõ vị trí, vai trò của thôn, tổ dân phố trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong giai đoạn hiện nay...
Tại Hội thảo, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Kạn Ma Từ Đông Điền chia sẻ, để lực lượng làm nhiệm vụ ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, cùng với nâng cao chất lượng hoạt động của các Chi bộ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thôn, tổ dân phố, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bắc Kạn cũng đã đẩy mạnh các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Bắc Kạn từng bước tiến hành việc sáp nhập thôn, tổ dân phố đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để tinh gọn bộ máy, nâng cao hoạt động của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố.