Nâng cao giá trị sản phẩm chanh Cao Lãnh thông qua việc quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận 'Chanh Cao Lãnh'
Cao Lãnh là một trong những vùng đất được khai phá từ thế kỷ thứ XVII theo bước chân mở cõi của những lưu dân người Việt, có lịch sử canh tác lâu đời và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó có canh tác cây có múi, tiêu biểu như cây chanh, rất phát triển. Nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm chanh Cao Lãnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cao Lãnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK triển khai thực hiện nhiệm vụ 'Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chanh Cao Lãnh'.
Từ tiềm năng …
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh, vào năm 2019, vùng trồng chanh của huyện Cao Lãnh chỉ có 683ha với sản lượng 22.190 tấn. Đến cuối năm 2024, vùng trồng chanh của huyện đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ với diện tích 1.038ha và sản lượng đạt 33.214 tấn, đưa cây chanh trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu nhất của huyện. Bên cạnh đó, huyện Cao Lãnh còn đứng đầu tỉnh về cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm chanh với hơn 20 vùng trồng đã được gắn mã số, chiếm hơn 660ha diện tích trồng chanh toàn huyện. Nhờ đó, mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm chanh của huyện tiếp cận thị trường quốc tế.
Với vị thế và tiềm năng phát triển to lớn của sản phẩm chanh, Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh đã được UBND tỉnh Đồng Tháp cho phép đứng tên đăng ký, quản lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Chanh Cao Lãnh”.
Sau quá trình đăng ký, NHCN “Chanh Cao Lãnh” được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 50998/QĐ-SHTT ngày 18/8/2016 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 267060 cho Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh, chính thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với NHCN “Chanh Cao Lãnh” cho các sản phẩm: “mứt chanh, chanh muối” (nhóm 29); quả chanh tươi (nhóm 31); dịch vụ “mua bán quả chanh tươi và các sản phẩm làm từ chanh” (nhóm 35).
Sau khi NHCN “Chanh Cao Lãnh” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, việc cấp quyền sử dụng NHCN cho các hộ trồng và các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm chanh chưa được triển khai như kỳ vọng, do thiếu vắng hệ thống văn bản quản lý hướng dẫn chi tiết quá trình cấp quyền sử dụng và kiểm soát việc sử dụng NHCN, cũng như chưa có hệ thống nhận diện thương hiệu để nâng cao khả năng nhận diện sản phẩm chanh của huyện Cao Lãnh trên thị trường.
… đến cơ hội phát triển bằng công cụ sở hữu trí tuệ
Nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa giá trị quyền sở hữu trí tuệ đã tạo lập để nâng cao giá trị sản phẩm chanh Cao Lãnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK (Trung tâm CIPTEK) triển khai thực hiện nhiệm vụ “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chanh Cao Lãnh” (viết tắt Nhiệm vụ).
Sau gần 18 tháng triển khai (tháng 6/2023) đến nay, nhiệm vụ đã cơ bản được hoàn thành với việc hệ thống văn bản và biểu mẫu dùng để quản lý sử dụng NHCN, cùng hệ thống nhận diện thương hiệu và các công cụ hỗ trợ quảng bá sản phẩm mang NHCN đã được Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh ban hành để chính thức áp dụng vào thực tế cho các hộ trồng và các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm chanh trên địa bàn.
Các sản phẩm này là kết quả của toàn bộ quá trình hợp tác chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng trong việc nghiên cứu và triển khai nhiệm vụ giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh và Trung tâm CIPTEK, cũng như sự chung sức, đồng lòng của các hợp tác xã, các hộ trồng và các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm chanh trên địa bàn huyện Cao Lãnh.
Trên cơ sở hệ thống công cụ quản lý và quảng bá sản phẩm mang NHCN đã được ban hành, Phòng NN&PTNT đã thí điểm tiếp nhận để xem xét cấp quyền sử dụng NHCN cho 10 đơn vị, bao gồm các hợp tác xã và các hộ trồng chanh tiêu biểu trên địa bàn huyện Cao Lãnh nhằm khẳng định và lan tỏa giá trị của Nhiệm vụ mang lại cho sản phẩm chanh Cao Lãnh.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Nhiệm vụ, nhiều hoạt động quan trọng và ý nghĩa khác đã được triển khai thực hiện như: các hội thảo, tập huấn được triển khai đã mang lại nhiều kiến thức, thông tin hữu ích cho các hợp tác xã, các hộ trồng chanh, các đơn vị kinh doanh sản phẩm chanh Cao Lãnh về sở hữu trí tuệ, về phương thức sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc thù ở địa phương; hoạt động học tập kinh nghiệm quản lý và phát triển tài sản trí tuệ tại tỉnh Hà Tĩnh được tổ chức thực hiện đã mang lại nhiều thông tin hữu ích cho Phòng NN&PTNT trong quản lý và phát triển NHCN “Chanh Cao Lãnh.
Hoạt động quảng bá sản phẩm mang NHCN tại “Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại vùng biên giới – Đồng Tháp năm 2024” với việc thí điểm sử dụng bộ nhận diện thương hiệu cho một số hợp tác xã, đơn vị trồng và kinh doanh chanh tiêu biểu của huyện Cao Lãnh đã nhận được sự hưởng ứng lớn của cộng đồng sản xuất, kinh doanh chanh Cao Lãnh; đưa hình ảnh sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Thông qua việc triển khai nhiệm vụ, hệ thống công cụ quản lý và quảng bá sản phẩm mang NHCN đã được hoàn thiện, cộng đồng sản xuất và kinh doanh chanh Cao Lãnh có thêm công cụ để nâng cao danh tiếng và giá trị sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.